Ngày 27-7, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Cục hợp tác quốc tế TP Yokohama (Nhật Bản) tổ chức Diễn đàn Phát triển đô thị lần thứ 8 nhằm thảo luận sâu hơn về những đề xuất liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng hiện đại, sinh thái, bền vững và thân thiện với môi trường.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. |
Ông Toru Hashimoto - Giám đốc Điều hành Cục Hợp tác phát triển (TP Yokohama) cho biết, Diễn đàn Phát triển đô thị Đà Nẵng thông qua hợp tác giữa 2 thành phố đã được cụ thể hóa bằng Biên bản ghi nhớ Hợp tác kỹ thuật giữa hai bên vào ngày 9-4-2013 và gia hạn vào ngày 1-4-2016. Với Biên bản này, TP Yokohama sẽ tư vấn kỹ thuật trong việc thúc đẩy mục tiêu xây dựng phát triển thành phố sinh thái của Đà Nẵng. Qua Diễn đàn lần này, hai bên có thể xây dựng một nền móng vững chắc cho quan hệ hợp tác và cụ thể hóa hành động trong tương lai.
Một trong những vấn đề được hai bên đặc biệt quan tâm, đặt trên bàn nghị sự với nhiều đề xuất, kiến nghị và giải pháp tại các diễn đàn trước đây và nhất là Diễn đàn lần này là lĩnh vực xử lý rác thải. Theo đánh giá của các chuyên gia, với khoảng 900 tấn chất thải rắn được chôn lấp mỗi ngày, bãi rác Khánh Sơn có thể sẽ đạt công suất tối đa vào năm 2020. Đà Nẵng hiện không chỉ đối mặt với chất thải sinh hoạt mà còn lo ngại về chất thải trong ngành du lịch và thương mại sẽ trở nên phổ biến hơn khi ngành này phát triển nhanh chóng. Dựa trên Dự án hợp tác JICA và kinh nghiệm của Yokohama, các giải pháp áp dụng và con đường tiến đến thành phố sạch hơn với sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân sẽ được đưa ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA, TP Yokohama cùng với Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu đã bước đầu hỗ trợ thực hiện thí điểm dự án phân loại rác thải tại nguồn, làm cơ sở nhân rộng mô hình thí điểm trên toàn TP. Theo ông Tuấn, riêng với vấn đề xử lý chất thải rắn, TP Đà Nẵng hiện nay đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn nhằm lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý tiên tiến, bền vững về môi trường với mức phí xử lý phù hợp. Dự kiến hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư trong tháng 7 và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong quý III và quý IV-2018. Ông Tuấn tin tưởng, với kinh nghiệm của TP Yokohama, các dự án trên sẽ được triển khai hiệu quả, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải tại TP Đà Nẵng hiện nay.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải tại Đà Nẵng, đại diện Công ty Cổ phần Takematsu Shoji (TP Yokohama, Nhật Bản) đã khái quát “Dự án tái chế chất thải rắn theo hình thức tuần hoàn tại TP Đà Nẵng”, thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đại diện Công ty, mục tiêu của Dự án là đến năm 2020 sẽ tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác trên địa bàn Đà Nẵng lên 70%. Bởi hiện tại, lượng chất thải rắn phát sinh bình quân 900 tấn/ngày, tỷ lệ thu hồi 95% trong khi đó tỷ lệ tái chế mới chỉ đạt 7 đến 10%. Để thực hiện được mục tiêu này, Công ty Takematsu Shoji cho biết sẽ tiến hành xử lý, phân loại rác tại nguồn. Sau đó, với chất thải thực phẩm còn tươi mới sẽ tiến hành làm thức ăn chăn nuôi; với chất thải thực phẩm đã hỏng, xác thực vật, lá cây sẽ dùng làm phân bón; dùng thức ăn chăn nuôi tái chế để nuôi lợn, gà và cuối cùng là dùng phân bón tái chế để trồng rau.
Cũng theo đại diện Công ty Takematsu Shoji, hiệu quả của Dự án là xây dựng chuỗi tuần hoàn tái chế thực phẩm để chủ động nguồn thải được sử dụng các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn, giảm tải cho bãi chôn lấp chất thải và sản xuất ra thức ăn chăn nuôi an toàn, hợp vệ sinh. Để thực hiện Dự án thử nghiệm, Công ty Takematsu Shoji đề xuất trong 3 năm (dự kiến bắt đầu từ tháng 11-2018), trên diện tích đất khoảng 5 ngàn m2 sẽ xây dựng công xưởng (diện tích sàn khoảng 2 ngàn m2, chiều cao 5m) với mức chi phí đầu tư ban đầu (mua, vận chuyển, lắp đặt thiết bị) khoảng 3 tỷ đồng... Sau khi vận hành, thu nhập ước tính từ tiền bán thức ăn chăn nuôi sẽ đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm.
Ngoài vấn đề rác thải, tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp hai địa phương còn thảo luận nhiều vấn đề khác như dự án phát triển cảng cá Thọ Quang theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững thân thiện với môi trường; giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà; hệ thống cảnh báo, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại TP Đà Nẵng và hệ thống giao thông đô thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, để các đề xuất của 2 thành phố có thể thực hiện được, sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, JICA và IFC và sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như doanh nghiệp TP Đà Nẵng là rất cần thiết. Vì vậy, mong phía đối tác Nhật Bản sẽ tiếp tục cùng hỗ trợ Đà Nẵng trong thời gian tới.
D.HÙNG
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Mua nhà xong, sao lại đóng thêm phí?
- Phát triển nhà ở và bất động sản - kinh nghiệm từ Nhật Bản
- Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
- Nhà mua từ gói 30.000 tỷ đồng, có được phép bán?
- Ngày 25-12, khai trương phố chuyên doanh Lê Duẩn
- Phát triển quận Hải Châu thành đô thị kiểu mẫu hiện đại
- Khung giá “đất vàng” Hà Nội chính thức tăng gấp đôi
- Nhiều loại ôtô được giảm thuế từ 2015
- Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đêm sông Hàn
- Luật nhà ở sửa đổi làm nức lòng giới chuyên gia BĐS
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020
- Đà Nẵng là điểm đến mới thu hút nhất thế giới
- Xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn ao
- Bung hàng đón người nước ngoài mua nhà
- Hơn 500 điểm khuyến mãi phục vụ người dân
- Lo ngại giá đất tăng
- Đà Nẵng: Thị trường bất động sản nội đô sôi động
- Quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố
- M&A giúp thị trường BĐS phát triển ổn định