LTS: Cách đây 15 năm, ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Qua 15 năm thực hiện nghị quyết, Đảng bộ, chính quyền thành phố bám sát, đề ra nhiều giải pháp then chốt, sáng tạo, quyết liệt và đạt những kết quả quan trọng mang ý nghĩa lịch sử; từ đó đưa Đà Nẵng thành đô thị hiện đại, năng động.
15 năm ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị phát triển năng động và hiện đại. Trong ảnh: Đô thị Đà Nẵng ngày càng mở rộng và vươn cao. Ảnh: THANH TÌNH |
Kể từ số báo hôm nay (1-8), Báo Đà Nẵng bắt đầu loạt bài viết về kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên các lĩnh vực nhằm góp phần làm rõ thêm những kết quả nổi bật đó cũng như đặt ra những vấn đề cần giải quyết, tìm kiếm cơ chế, giải pháp mới để phát triển Đà Nẵng theo chuẩn mực lâu dài trong những năm tiếp theo.
Báo Đà Nẵng
Bài 1: Văn bản có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của Đà Nẵng
“Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.
Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”. Đây là những nội dung cốt lõi được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ban hành vào ngày 16-10-2003.
Đà Nẵng tạo sự đồng thuận cao bằng những cách làm mới
Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị đánh giá: từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, nhất là trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ thành phố, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng và phát triển thành phố đạt được nhiều thành tựu đáng biểu dương, trong một số lĩnh vực đã có cách làm sáng tạo và có những mô hình tốt.
Đà Nẵng luôn duy trì được nhịp độ phát triển kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; thu ngân sách tăng khá, là một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn.
15 năm ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị phát triển năng động và hiện đại. Trong ảnh: Đô thị Đà Nẵng ngày càng mở rộng và vươn cao. Ảnh: V.D |
Đặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt chủ trương gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, quan tâm nhân tố con người, chú trọng đầu tư cho giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, an toàn giao thông...
Trong chỉ đạo điều hành, thành phố đã có cách làm mới, sáng tạo, khơi dậy và phát huy ý chí, nguồn lực của địa phương; tạo được sự đồng thuận trong xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, giữa thành phố với các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng trong khai thác nguồn lực trong dân, khai thác có hiệu quả quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị; làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng; có giải pháp quản lý chặt chẽ, tiết kiệm trong đầu tư xây dựng; chương trình “Thành phố 5 không” được sự đồng tình của nhân dân, đã đem lại kết quả tích cực.
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ các cấp được nâng lên, hệ thống chính trị được kiện toàn, đội ngũ cán bộ trưởng thành một bước. Bước đầu Đà Nẵng đã có một số lĩnh vực phát huy vai trò trung tâm đối với khu vục miền Trung và Tây Nguyên như giáo dục-đào tạo, y tế và công nghệ thông tin...
Tuy nhiên, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố còn một số tồn tại, yếu kém cần được khắc phục. Về chủ quan, chủ yếu là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa đều, chưa tương xứng và ngang tầm với yêu cầu phát triển của thành phố, chưa làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; tính chiến lược về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn chưa được coi trọng; chưa khai thác tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Về khách quan, vị trí, vai trò của Đà Nẵng chưa được xác định và nhận thức rõ; việc quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển để thành phố giữ vai trò trung tâm trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn hạn chế.
Xây dựng Đà Nẵng là hạt nhân, động lực phát triển khu vực
Để thực hiện phương hướng, mục tiêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, theo hướng thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại.
Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thành phố tương xứng với tầm vóc là trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung, có tác động lan tỏa đối với sự phát triển của các tỉnh lân cận, Tây Nguyên và với Hành lang kinh tế Đông-Tây, tiểu vùng sông Mê Kông; có kế hoạch và bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2010 theo hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.
Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp có công nghệ cao, dịch vụ có chất lượng cao, xây dựng trung tâm công nghệ cao; khai thác tiềm năng kinh tế biển. Phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; quan tâm đến đổi mới công nghệ, tiếp cận với công nghệ hiện đại.
Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Sớm xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế.
Đà Nẵng cần tập trung cao nguồn lực địa phương và Trung ương, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại.
Quan tâm phát triển văn hóa-xã hội tương xứng với sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế, tiếp tục giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội và môi trường sinh thái, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành nội chính, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy dân chủ cả trong Đảng và trong xã hội, giữ vững đoàn kết nhất trí trong Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan Nhà nước, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trên địa bàn; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ như: khẩn trương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng để Bộ Chính trị cho ý kiến.
Trong đó, chú ý đến các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Đà Nẵng là hạt nhân, đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Mặt khác, thành phố Đà Nẵng phải nhận thức rõ hơn nữa trách nhiệm của mình với sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để có hướng liên kết, phối hợp tích cực hơn, khẩn trương hơn.
Trên cơ sở đó, cần tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh đồng bộ quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và năm 2020; đồng thời, có giải pháp và bước đi trong việc triển khai cụ thể các quy hoạch chi tiết, phù hợp với yêu cầu xây dựng một thành phố cảng biển, công nghiệp hiện đại theo hướng mở, phát huy mạnh mẽ những lợi thế của thành phố.
Chính phủ sớm có quyết định đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, có tác động đến sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, như: dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Đà Nẵng-Hội An, nâng cấp mở rộng ga hàng không quốc tế Đà Nẵng; nghiên cứu việc chuẩn bị xây dựng cảng Liên Chiểu và đường sắt hai chiều Đà Nẵng-Quảng Ngãi, xây dựng Làng Ðại học Đà Nẵng trở thành 1 trong 3 trung tâm đại học của cả nước; xây dựng khu liên hợp thể thao theo tiêu chuẩn hiện đại đóng vai trò là một trong những trung tâm quốc gia tại Đà Nẵng…
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ra đời sau 6 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2003) và đúng vào thời điểm được Chính phủ công nhận đô thị loại 1 cấp quốc gia (2003) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực to lớn cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng phát huy tinh thần đoàn kết sáng tạo và sức mạnh nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ từ Trung ương và địa phương, huy động mọi nguồn lực để đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW đi vào cuộc sống, đạt những thành tựu to lớn như ngày hôm nay.
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) nêu rõ: tập trung sức xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng với tốc độ nhanh và bền vững, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng, đồng thời là trách nhiệm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương trong cả nước. |
Diệu Minh
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng