Nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới...
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, những yếu tố liên quan đến thị trường này như: lãi suất tín dụng thì đang ở mức hợp lý; cơ chế chính sách ngày càng chặt chẽ; các chủ thể tham gia thị trường đã chuyên nghiệp hơn; lạm phát, giá vàng, chứng khoán... chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Do đó, về tổng thể, từ giờ đến năm 2019, thị trường bất động sản sẽ ổn định, không có biến động lớn.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản diễn biến ra sao trong tháng đầu năm nay, thưa ông?
Trong những tháng đầu năm 2018, nhìn chung thị trường bất động sản cả nước về cơ bản vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú. Nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng rõ rệt, cho thấy dấu hiệu của thị trường bền vững và phát triển và đã có sự sôi động, lan tỏa trên hầu hết các vùng, miền.
Về lượng giao dịch: trong 6 tháng đầu năm 2018, qua báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017); tại Tp.HCM có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017).
Về giá bất động sản: tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 0,08% so với quý 1/2018 và giảm 0,39% so với cùng kỳ năm 2017; giá nhà ở riêng lẻ tăng 1,84% so với quý 1/2018 và tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017. Tại Tp.HCM, giá căn hộ tăng 1,4% so với quý 1/2018 và tăng 3,43% so với cùng kỳ 2017; với phân khúc nhà ở riêng lẻ, mức tăng lần lượt là 3,24% và 10,42%.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm: tính đến ngày 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho còn khoảng 24.072 tỷ đồng, giảm 104.476 tỷ đồng (giảm 81,27%) so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013; còn so với 20/12/2017 thì đã giảm 1.310 tỷ đồng (tương đương 5,16%).
Thị trường bất động sản phát triển đã góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và đảm bảo tính an toàn cho hệ thống ngân hàng... Điều này cho thấy, hệ thống chính sách thị trường bất động sản hiện đang phát huy tích cực và niềm tin của thị trường đang phát triển tốt. Cùng với đó là sự điều tiết của Nhà nước ngày một hiệu quả đối với thị trường này.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà một trong những biểu hiện đó là việc tái diễn những cơn sốt đất nền vừa qua. Ý kiến của ông về thực trạng này?
Thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh tình hình thị trường đất nền tại một số khu vực của một số địa phương như: Hà Đông - Hà Nội, Vĩnh Yên - Vĩnh phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tp.Đà Nẵng, Tp.Nha Trang - Khánh Hòa, Long Thành - Đồng Nai...) diễn ra sôi động, giá đất nền tăng cao tại các đô thị đang phát triển có các công trình hạ tầng đồng bộ; các khu vực đã hình thành hoặc có quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng.
Đáng chú ý, năm 2017 và đầu năm 2018, tại 3 địa phương đang chuẩn bị thành lập đặc khu kinh tế (Vân Đồn - Quảng Ninh, Vân Phong - Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang) đã xảy ra tình trạng phân lô bán nền, chuyển nhượng đất rừng, đất nông nghiệp trái quy định pháp luật diễn ra trên diện rộng, đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số nhà đầu tư lợi dụng thông tin về việc quy hoạch mở rộng đô thị, phát triển các công trình hạ tầng (cầu, đường giao thông, chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành...); chuẩn bị thành lập 3 đặc khu để thu gom đất đai, đẩy giá đất lên cao. Những nhà đầu tư thứ cấp cũng theo tâm lý đám đông mua gom đất, chờ lên giá để bán lại, tạo nên cơn sốt ảo tại các khu vực này.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương (chủ yếu cấp huyện, xã) đã buông lỏng quản lý về giao dịch và sử dụng đất đai, cho phép tách thửa và xác nhận cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng không đúng quy định pháp luật, đồng thời cũng chưa quan tâm tuyên truyền cho người dân biết để chấp hành đúng pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ chức năng quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương triển khai một số giải pháp cần thiết nhằm ổn định thị trường.
Các địa phương chuẩn bị thành lập đặc khu kinh tế cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến như tạm dừng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở; tạm dừng thủ tục tách thửa; tạm dừng các giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cũng như công khai thông tin về quy hoạch tránh rủi ro cho người dân. Sau khi chính quyền địa phương có những giải pháp để chấn chỉnh thị trường, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đã ổn định trở lại.
Thực tế trên cho thấy, nhìn tổng thể, thị trường bất động sản đang phát triển theo hướng bền vững, nhưng cũng luôn tiềm ẩn một số nguy cơ buộc chúng ta phải có những hành động và biện pháp ứng xử kịp thời để đảm bảo cho thị trường tiếp tục phát triển bền vững.
Thực trạng trên cùng với xu hướng thắt chặt tín dụng bất động sản khiến nhiều người lo ngại thị trường sẽ đổ vỡ trong 2019. Ông nghĩ sao?
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng của các tổ chức tín dụng là 529.579 tỷ đồng (tăng 9,21% so với năm 2016), chiếm tỷ trọng 8,14% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản là 4,58% (khá cao so với tỷ lệ nợ xấu chung là dưới 3%).
Ngoài ra, cho vay phục vụ đời sống về nhà ở là 591.533 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 17% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 8,14% tổng dư nợ và vẫn ở trong ngưỡng an toàn. Tuy vậy, một số chuyên gia đánh giá cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái thắt chặt hoạt động huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực bất động sản, nhưng cho vay bất động sản thường có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất cho vay cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh.
Do đó, khi có cơ hội, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung cho vay nhiều đối với lĩnh vực bất động sản. Khi dòng vốn dành quá nhiều vào lĩnh vực này sẽ có tác động đẩy giá bất động sản tăng cao, tạo nguy cơ "bong bóng" bất động sản.
Vậy, theo ông cần có những giải pháp gì để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định?
Để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, không xảy ra bong bóng, hiện tại, cần triển khai một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản.
Thứ hai, nới lỏng tín dụng, tăng hạn mức cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp.
Thứ ba, để bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng, phải xác định việc cho vay để mua nhà ở, bất động sản cần được kiểm soát chặt chẽ, nhất là các đối tượng mua bất động sản để đầu cơ.
Thứ tư, cần sớm ban hành chính sách thuế để chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản (sửa đổi, bổ sung Luật Thuế đất phi nông nghiệp hiện hành hoặc ban hành Luật Thuế tài sản) theo hướng đánh thuế cao đối với các trường hợp có nhiều nhà đất, đánh thuế cao đối với các trường hợp mua bất động sản rồi bán trong thời gian ngắn và ủy quyền cho Chính phủ được điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường khi xảy ra diễn biến bất thường.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ để góp phần vào việc công khai, minh bạch thị trường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Được biết, ngoài giải pháp trên, hiện Bộ Xây dựng cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ nhiều đề án quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản. Xin ông chia sẻ một số thông tin về các đề án này?
Trong năm 2018, bên cạnh việc kịp thời đề xuất, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những giải pháp bình ổn thị trường bất động sản trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; đề xuất các phương án, giải pháp kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Trong đó, trọng tâm là 2 đề án: "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh" và "An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội" đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong Chương trình xây dựng thể chế năm 2018.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tôi tin rằng những đề án trên khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng kiểm soát tốt thị trường bất động sản, đảm bảo thị trường phát triển đúng định hướng, lành mạnh và hiệu quả, tránh đổ vỡ.
Theo Thời báo Kinh tế VN
Các bản tin khác
- Dự án F.HOME: "Về đích" cùng cơ hội nhà ở trung tâm Đà Nẵng
- Kiến nghị xác định khu vực người nước ngoài không được mua nhà
- Chuyển 25.000m2 đất trồng lúa sang xây dựng công trình
- QUẬN HẢI CHÂU Triển khai xây dựng hai tuyến phố chuyên doanh mới
- Xu hướng mới: Bỏ tiền vào nhà phố thương mại
- Ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng
- Quốc hội thông qua 4 Luật
- Dự án nào nóng nhất Đà Nẵng hiện nay?
- Euro Village Đà Nẵng - Sức hút từ một dự án "vàng"
- Đà Nẵng thu hồi các dự án ‘bất động’ trong thời gian dài
- Giá nhà “leo thang” theo giá vật liệu xây dựng
- Giải pháp thu hút FDI vào Đà Nẵng
- Nguy cơ lớn nhất với nhà đầu tư bất động sản thứ cấp hiện nay
- Trung Nam Group khẳng định làm nhà đầu tư điện năng chất lượng, hiệu quả
- Lễ hội Hanami đầu tiên tại Asia Park
- Hình thành khu phố thương mại cao cấp tại Đà Nẵng
- FPT City Đà Nẵng: Dự án tỷ USD đầu tiên chào thị trường quý II/2016
- Biến động gói vay 30.000 tỷ đồng Thị trường Đà Nẵng ổn định
- ‘Bom tấn bất động sản’ của Vingroup 2016
- Những chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 4-2016