Bốn năm địa ốc Việt Nam tăng nóng cũng là giai đoạn các công ty dịch vụ bất động sản ngoại lần lượt nhảy vào thị trường.
Khẩu vị của hầu hết nhà môi giới bất động sản nước ngoài là chọn TP HCM làm trọng điểm đầu tiên, từ đó lan ra các địa bàn khác. Phân khúc họ nhắm đến đều định vị từ cao cấp đến hạng sang.
Ngày 25/7, tại TP HCM đã diễn ra buổi họp báo công bố thành lập Công ty TNHH Propnex Realty (Việt Nam) và lễ ký kết nhượng quyền thương hiệu Công ty Propnex (Singapore). Đây là thương hiệu tư vấn và phân phối bất động sản lớn nhất của đảo quốc sư tử, có trụ sở tại Singapore, Malaysia, Indonesia và điểm đến mới nhất của họ đang là thị trường Việt Nam.
5 năm qua, Propnex luôn chiếm 30% thị phần của các giao dịch mua bán nhà ở tại Singapore và đã niêm yết sàn chứng khoán tại nước này. Tuy mới gia nhập thị trường TP HCM, Propnex không giấu tham vọng thành đơn vị hàng đầu về dịch vụ bất động sản tại Việt Nam và chọn phân khúc cao cấp làm chủ đạo.
Trước Propnex, quý III/2017, nhà môi giới bất động sản Mỹ, ERA Real Estate cũng đã chính thức nhảy vào thị trường Việt Nam. Đây là thương hiệu Mỹ được nhượng quyền tại Singapore và thông qua thị trường này tiến vào Việt Nam.
Tính đến tháng 8/2018, tức sau một năm xâm nhập thị trường mới, ERA đã có 800 nhân viên chính thức (được đào tạo theo chuẩn Mỹ) và 600 cộng tác viên, nhân viên đang trong quá trình huấn luyện. Nhà môi giới này cũng định vị cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, phân phối thị phần bất động sản từ cao cấp đến hạng sang rộng khắp Việt Nam nhưng lấy TP HCM làm thị trường chủ lực.
Đại gia mới này không giấu tham vọng trong 5 năm sẽ là đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu Việt Nam với mạng lưới hơn 50 văn phòng giao dịch trên khắp các tỉnh thành trung tâm và sở hữu 5.000 chuyên viên tư vấn được đào tạo bài bản trên khắp đất nước.
Để thích nghi nhanh với thị trường mới nổi đặc thù như Việt Nam, nhà môi giới Mỹ bắt tay với Eurocapital Group là tập đoàn đầu tư tư nhân có trụ sở tại Việt Nam từ năm 2008, để thành lập ERA Việt Nam. Eurocapital chuyên kinh doanh dịch vụ tài chính và tư vấn đầu tư, trong đó có bất động sản.
Riêng trong năm 2015-2016, doanh nghiệp này đã quản lý khoảng 350 triệu USD giá trị giao dịch. Nhờ bắt tay với đối tác am hiểu thị trường Việt Nam, nhà môi giới Mỹ dù chân ướt chân ráo vẫn tiếp cận được rổ hàng hóa bất động sản cao cấp và hạng sang của nhiều chủ đầu tư lớn trong nước.
Thị trường bất động sản TP HCM đang là điểm nóng hút môi giới bất động sản thương hiệu nước ngoài. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Tháng 9/2016, thương hiệu bất động sản Huttons thuộc top 3 thị trường Singapore cũng đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Huttons có nghiệp vụ tổ chức kinh doanh, môi giới tiếp thị bất động sản cao cấp với tham vọng mở rộng thị trường ra quốc tế giúp cho khách hàng, giúp người mua dễ giao dịch bất động sản trên thị trường quốc tế.
Công ty đặt trụ sở chính ở Singapore và có hai trụ sở liên kết tại Malaysia (Huttons One World SDN Bhd); Philippines (Huttons MHT Co Inc). Như vậy Việt Nam là thị trường thứ ba trong khu vực Đông Nam Á lọt vào tầm ngắm của ông lớn bất động sản này.
Đến sớm hơn các đối thủ, một thương hiệu đến từ Mỹ nữa là Keller Wiliams cũng đã nhảy vào thị trường bất động sản Việt Nam từ tháng 4/2015. Khác với những đơn vị khác, Keller Williams chọn hoạt động ở mảng bất động sản thương mại dưới thương hiệu Keller Williams Commercial Northern Vietnam.
Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp tập trung vào mảng cho thuê và chuyển nhượng đầu tư đối với dự án nhà ở cho thuê, văn phòng, thương mại, công nghiệp. Ngoài ra, đơn vị này còn mở rộng cả chức năng định giá, tư vấn đầu tư phát triển dự án, quản lý bất động sản...
Tổng giám đốc Công ty Viethome, Nguyễn Anh Đào xác nhận: “4 năm gần đây (2015-2018) đúng vào giai đoạn thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra những cơn nóng sốt dai dẳng, nhiều công ty dịch vụ môi giới, tư vấn địa ốc nước ngoài đã lần lượt nhảy vào thị trường đầy sôi động này”.
Ông Đào phân tích, việc các đơn vị hoạt động trong mảng dịch vụ phân phối tư vấn bất động sản nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, nhiều nhất là TP HCM và các điểm nóng bất động sản nghỉ dưỡng, là xu thế tất yếu. Hiện tượng này đã, đang và sẽ còn tiếp tục diễn ra trong tương lai cùng với sự phát triển của thị trường địa ốc.
Chuyên gia này đánh giá, các nhà môi giới ngoại với kinh nghiệm và năng lực tài chính của mình sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư và người mua trong nước. Sự xâm nhập khá mạnh mẽ của môi giới bất động sản theo tiêu chuẩn nước ngoài chắc chắn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa cải tiến dịch vụ, thanh lọc dần bộ máy và chuẩn hoá hoạt động bán hàng. Đây là tương tác tích cực cho thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
CEO Viethome nhận xét, hiện nay luật cho phép nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam không vượt quá 30% dự án, là ưu điểm các nhà môi giới ngoại có thể khai thác bán hàng rất tốt. Tuy nhiên, một dự án muốn đảm bảo an toàn và thành công phải bán được trên 70%. Do đó, các nhà môi giới ngoại này nếu không Việt hóa đội ngũ bán hàng để tiếp cận khách nội địa, sớm muộn sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty môi giới Việt Nam.
Theo các chuyên gia bất động sản, những công ty dịch vụ ngành bất động sản quy mô toàn cầu lần lượt nhắm tới thị trường Việt Nam không còn là điều xa lạ. Thế nhưng, không phải thương hiệu nào cũng kinh doanh thuận buồm xuôi gió khi xâm nhập một thị trường mới với nhiều khác biệt lớn về văn hóa, pháp lý, tập quán.
Thực chất, hàng loạt đơn vị hoạt động trong mảng này đã vào từ rất lâu (lấy mốc từ năm 2005) như: CBRE, Savills, Jones Lang LaSalle... và nhận được nhiều sự chú ý, gây được sức ảnh hưởng trong mảng tư vấn, quản lý bất động sản tại Việt Nam. Riêng mảng môi giới, phân phối sản phẩm, các đơn vị này vẫn phải Việt hóa bộ máy mới đủ sức cạnh tranh với các công ty trong nước đang ngày càng lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn.
Vũ Lê
Theo Vnexpress
Các bản tin khác
- Hợp đồng nhà, đất đã công chứng, có được hủy?
- “Săn” khách ngoại mua nhà
- Bảo vệ cẩn mật dữ liệu công dân, doanh nghiệp
- Bà Nà Hills đón vị khách thứ 1 triệu
- Giao lưu trực tuyến về Công chứng hợp đồng nhà, đất
- Việt Kiều mua nhà: Sẽ không có đột biến
- Khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành tư pháp
- Kết quả cuộc thi sáng tác ca khúc về Ngành Tư pháp và về Ngày Pháp luật nước CHXHCNVN (09/11)
- Quỹ ngoại ồ ạt rót tiền vào bất động sản
- Giao lưu trực tuyến về Công chứng hợp đồng nhà, đất
- 7 lý do khiến nhà giàu Việt đổ tiền vào biệt thự biển
- Đề xuất tháo gỡ thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Người nước ngoài sở hữu nhà tại VN bao nhiêu là vừa?
- Nhà giàu âm thầm đổ tiền vào biệt thự hạng sang
- Hồ sơ mua nhà được vay gói 30.000 tỉ đồng
- Nhập cảnh một ngày là mua được nhà
- Công bố 13 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết
- Ra mắt du thuyền 5 sao đầu tiên tại Đà Nẵng
- Đề nghị hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở để triển khai đầu tư nhà ở xã hội
- Vingroup muốn đầu tư ga Đà Nẵng