Hoạt động mua bán - sáp nhập bùng nổ với hàng loạt thương vụ thuộc phân khúc nhà ở, thương mại, công nghiệp...
Các hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ xác lập mức kỷ lục mới trong năm 2018.
Là thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực Đông Nam Á, những tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục sôi động với hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thuộc phân khúc nhà ở, thương mại và công nghiệp.
Theo đánh giá của Vietnam Report, xu hướng của nền kinh tế trong thời gian tới là hội nhập sâu, rộng và mở rộng hợp tác. Vì vậy, đã có nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam thông qua M&A.
Tích cực săn lùng những dự án đẹp
Thống kê của Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng đang tích cực săn lùng các dự án "sạch" và "rõ ràng", có thể đáp ứng các điều kiện và lợi nhuận cần thiết.
Điển hình như trong đầu năm 2018, Nomura đã mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng hạng A Sun Wah ở quận 1, Tp.HCM. Đây là dự án thứ hai của Nomura tại Việt Nam sau dự án Phú Mỹ Hưng Midtown tại quận 7; hay CVH Nereus Pte (công ty con của Ltd CapitaLand) mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ với khoảng 685 tỷ VNĐ (tương đương 29,8 triệu USD) để nắm quyền phát triển dự án phức hợp tại khu đất 0,9 ha ở quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đầu quý 2, Frasers Property đã ký thỏa thuận mua lại 24 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 75% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần địa ốc Phú An Khang (PAK) với giá 408,6 tỷ VNĐ (tương đương 18 triệu USD). PAK sẽ tiến hành xây dựng dự án khu dân cư và thương mại trên khu đất phát triển tại quận 2, Tp.HCM do đơn vị này sở hữu.
Không chỉ bó hẹp trong phân khúc nhà ở, các thương vụ vừa qua khá đa dạng với nhiều loại tài sản và loại hình bất động sản, trong đó có phân khúc tiềm năng là khu công nghiệp và logistics.
Trong quý 2 vừa qua, Sembcorp Infra Services (SIS – công ty con của Sembcorp Industries) đã ký kết thỏa thuận đăng kí cổ phần với CRE Asia. Theo đó, SIS sẽ tăng vốn cổ phần lên 20,5 triệu cổ phiếu phổ thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông mới, và CRE Asia đồng ý đầu tư 6,2 triệu USD vào SIS để đổi lấy 6,2 triệu cổ phiếu phổ thông mới, hoặc 30% vốn mở rộng. Vốn mới từ CRE Asia và các khoản vay ngân hàng sẽ tài trợ cho việc phát triển thêm 30.000 m2 diện tích kho tại Việt Nam do SIS đầu tư.
M&A tiếp tục là xu thế thiết yếu
Bên cạnh sự gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài, ngày càng có nhiều giao dịch mang dấu ấn của các nhà đầu tư trong nước.
Về khả năng nở rộ M&A trong năm 2018, JLL nhận định: Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh cũng như từng bước cải thiện tính minh bạch thị trường.
Do sự tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trong khu vực, kỳ vọng các hoạt động M&A sẽ xác lập mức kỷ lục mới trong năm 2018. Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản..., giúp thúc đẩy thị trường M&A phát triển mạnh hơn.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận đầu tư Savills cho rằng, với tầm nhìn một Việt Nam sở hữu nhiều cơ hội và tiềm năng, M&A sẽ tiếp tục là một hình thức mà đại đa số những nhà đầu tư sẽ dùng để tham gia vào thị trường, nhằm hiện thực hóa mục tiêu của họ.
M&A sẽ tiếp tục là xu thế thiết yếu khi thị trường dần trưởng thành hơn và các nhà đầu tư sẽ phải chứng tỏ bản lĩnh, kinh nghiệm, phong độ và cả đẳng cấp của mình để đạt được các cơ hội hợp tác, tham gia vào các thương vụ mới có giá trị và tiềm năng lớn.
Theo Thời báo Kinh tế VN
Các bản tin khác
- Bán 100 căn hộ chung cư thu nhập cho cán bộ công chức
- BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HÀ HÙNG CƯỜNG: TP.HCM là điển hình về xã hội hóa công chứng
- Bong bóng bất động sản còn tiếp tục xì hơi
- Cuối năm, căn hộ sẽ còn giảm giá?
- Một số vấn đề về công tác quản lý Đăng ký và Công chứng theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2006
- Rắc rối số nhà
- MUA LẠI PHIẾU ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ VẪN ĐƯỢC HỖ TRỢ VAY VỐN
- Nhà băng vào cuộc đua giảm lãi suất
- Gắn mác vỡ nợ để bán nhà đất
- Hơn 714 tỷ đồng đền bù giải tỏa và tái định cư Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- Bất động sản “đóng băng”: Từ ông chủ trở thành nhân viên... giữ xe
- Chuyển giao sơ đồ quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ giải toả
- Hưởng lợi từ xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Hộ tái định cư vay vốn ngân hàng trả nợ tiền sử dụng đất như thế nào?
- Phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung phía tây tại KCN Hòa Khánh
- Đà Nẵng: Doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục triển khai dự án
- Rắc rối vì không biết người ủy quyền đã chết
- ĐỀ NGHỊ CÁC NGÂN HÀNG NHANH CHÓNG GIẢM LÃI SUẤT
- Thị trường BĐS đang diễn ra quá trình "chọn lọc tự nhiên"
- Đà Nẵng: Không cho chia nhỏ các lô đất lớn