Nhận diện các nguy cơ, thách thức để từ đó đề ra những giải pháp thiết thực, vừa mang tính chiến lược, vừa phù hợp với thực tế và khai thác tốt nhất tiềm năng của thành phố nhằm đảm bảo phát triển bền vững là nội dung được các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị thảo luận tại hội thảo khoa học "Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng" do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức ngày 8-9 vừa qua.
Toàn cảnh hội thảo.
Nguy cơ hiện hữu
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong 20 năm qua, nói đến diện mạo đô thị Đà Nẵng là nói đến "một cuộc lột xác đầy ngoạn mục". Tuy nhiên, ông Chính cho rằng, với tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức, đó là việc tổ chức giao thông đang đối mặt với nguy cơ ùn tắc, không gian đô thị chưa tạo được điểm nhấn, bản sắc của một đô thị biển; ô nhiễm môi trường từ nước thải, rác thải, khói bụi đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; một số đồ án quy hoạch có nguy cơ đánh mất giá trị văn hóa đặc trưng, hủy hoại môi trường sinh thái và phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhìn nhận, với tốc độ tăng trưởng quá nhanh, tốc độ đô thị hóa quá cao do áp lực gia tăng dân số cũng đã để lại nhiều tồn tại, hạn chế như không gian trung tâm đô thị phát triển thiếu kiểm soát, mật độ dân số quá cao ảnh hưởng đến môi trường sống, dự án đô thị ven biển thiếu kiểm soát, với mức độ dày đặc các dự án ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, thậm chí gây bức xúc trong dư luận...
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) khẳng định, sau 20 năm xây dựng và phát triển, Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hàng loạt các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng ra đời cùng với hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ; đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao, bộ mặt đô thị ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, theo ông Chiến, tăng trưởng nóng trong thời gian qua của thành phố cũng để lại nhiều hệ lụy. Nổi lên là áp lực gia tăng dân số kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao đột biến; hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển đã dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, ngập úng khi mưa, lấn chiếm đất công, xây dựng không phép và sai phép, ô nhiễm môi trường...; việc khai thác đất phát triển nóng về phía Đông, xem nhẹ phía Tây dẫn đến nguồn đất đai xây dựng dần cạn kiệt; đặc biệt là chủ trương phát triển nhà ở đô thị theo hình thức phân lô bán nền, làm cho không gian đô thị chưa tạo được dấu ấn cảnh quan đô thị đặc trưng. "Bên cạnh đó, việc phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng theo kiểu phong trào, nhất là các khu cảnh quan tự nhiên và dọc các bãi biển thiếu quy hoạch tổng thể chung dẫn đến việc mất đi các không gian sinh hoạt cộng đồng, phá vỡ cảnh quan, di sản tự nhiên bị xâm hại", ông Chiến nêu vấn đề.
Mặc dù diện mạo đô thị Đà Nẵng đã thực sự "lột xác", tuy nhiên, theo các chuyên gia, để Đà Nẵng ngang tầm với các đô thị hình mẫu của Châu Á thì cần phải có một cuộc "đại phẫu". Ảnh: C.KHANH
Giải pháp nào?
Ngoài các vấn đề nổi cộm nêu trên, tại Hội thảo, các chuyên gia còn "liệt kê" thêm hàng loạt nguy cơ khác hiện Đà Nẵng đang phải đối mặt trong quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, song hành với hệ lụy, thì nhiều chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp để "khắc chế".
Theo ông Trần Ngọc Hùng, có 4 việc mà Đà Nẵng cần phải thực hiện. Theo đó, cần quy hoạch cải tạo, chỉnh trang khu đô thị trung tâm cũ; định hướng quy hoạch khu cận đô thị; quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông và nâng cao môi trường sống, công trình sinh hoạt cộng đồng. Riêng với cải tạo, chỉnh trang khu đô thị trung tâm cũ, theo ông Hùng "là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn (bài học của Hà Nội khi mở đường trong nội đô được xem là đắt nhất hành tinh, bài học của Cần Thơ trong việc cải tạo mở rộng các con ngõ"... Mặc dù vậy, ông Hùng cho biết đây là việc cần phải hết sức quan tâm, bởi đây chính là tiêu chí của người dân ở đô thị đáng sống, bây giờ không chỉ là diện tích nhà ở m2/người mà là môi trường sống xung quanh như thế nào? Các công trình phúc lợi công cộng thế nào, có nhiều vườn hoa cây xanh mặt nước, có chỗ vui chơi rèn luyện thể thao, khu vui chơi, trường học, bệnh viện... hay không hay chỉ là những "khu ổ chuột kiểu mới"?
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng Vũ Quang Hùng đưa ra giải pháp tương tự. Ông Hùng đề nghị cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có các giải pháp tái thiết hữu hiệu, vừa đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số, vừa đáp ứng được cuộc sống văn minh, hiện đại và thông thoáng. Ngoài ra, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo, trong đó có đặt vấn đề tìm kiếm ý tưởng phát triển vịnh Đà Nẵng và khu vực đô thị lân cận; xem xét ý tưởng phát triển phía Tây khi việc phát triển đô thị ra các hướng Đông, Tây Bắc, Đông Nam của thành phố đã cơ bản hoàn thành. "Các vấn đề đặt ra cần nghiên cứu một cách khoa học và hiệu quả", ông Hùng nói.
"Thành phố đa trung tâm nhưng không có trung tâm chính" là ý kiến của KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam. Theo ông Sừ, quy hoạch chung xác định Đà Nẵng là thành phố đa trung tâm, bao gồm trung tâm Hòa Minh - Hòa Khánh, trung tâm trục cầu Sông Hàn và cầu Rồng, trung tâm Ngũ Hành Sơn và trung tâm Hòa Xuân.
"Định hướng tính chất các trung tâm là vậy nhưng thực ra bố trí đất đai tại vị trí cụ thể lại thiên về phân lô bán nền, đất dành cho xây dựng trung tâm quá ít ỏi nên trung tâm thành phố từ khái niệm là quần thể, là tổ hợp công trình văn hóa, chính trị, thương mại, văn phòng cao cấp, quảng trường... đã biến dạng, chỉ là trục phố được xây dựng tự phát, quy mô nhỏ lẻ đơn điệu. Nếu lãnh đạo thành phố hỏi bây giờ cần xây dựng một trung tâm thật quy mô, hiện đại, hoành tráng như hình mẫu Singapore thì xây ở đâu? Khó có câu trả lời vì vị trí tốt nhất là các khu ven sông Hàn, khu vực ven biển từ Sơn Trà đến Non Nước thì đã phân lô bán nền hết từ lâu, không lẽ xuống cánh đồng Hòa Châu để xây dựng trung tâm thành phố?", KTS Hoàng Sừ nêu vấn đề.
Thiết nghĩ, những ý kiến nêu trên của các chuyên gia, có thể chưa đủ, chưa bao quát hết nội dung liên quan đến một vấn đề rất lớn, sâu và rộng là quy hoạch đô thị Đà Nẵng, tuy nhiên, đây là những kiến giải mà lãnh đạo, ngành chức năng thành phố nên hết sức lưu tâm tiếp thu, ghi nhận. Tất cả cũng chỉ vì một đô thị Đà Nẵng "thông minh, đáng sống" trong tương lai.
DOÃN HÙNG
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Hoa mắt với cách tính lãi suất vay tiêu dùng
- Có nên mua nhà làm của để dành?
- Cuộc giằng co giữa cơ hội - rủi ro của thị trường địa ốc
- Ra mắt Trang thông tin điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đà Nẵng: Hơn 54 tỷ đồng đầu tư Công viên Thanh niên
- Bất động sản: Đón dòng tiền nước ngoài, kiều hối
- Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất
- Cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà trong các dự án bị cầm sổ đỏ
- Xem xét Dự án Công viên Thanh niên
- Thủ tướng chỉ thị lập kế hoạch sử dụng đất 2016- 2020
- Chuẩn bị 98 lô đất bố trí TĐC dự án Trung tâm thương mại chợ Cồn
- Học Bác thì hãy lặng lẽ hiến dâng
- Kỳ họp thứ 9: Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề trọng đại
- Hủy quyết định hỗ trợ lãi suất 10% tiền sử dụng đất
- Ai hưởng lợi khi bỏ giao dịch địa ốc qua sàn
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh nhất cả nước
- Thanh khoản thị trường bất động sản tăng gấp 3 lần
- Toàn cảnh Bảng giá đất năm 2015 của cả nước
- Tháo gỡ ách tắc trong mua bán chung cư
- Doanh nghiệp bất động sản rục rịch đón khách ngoại