Mặc dù Đà Nẵng đã phát triển rất nhanh, đem lại những đổi thay thần kỳ trong đời sống xã hội, trở thành một “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”; tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá những mặt được và chưa được, những bất cập và hạn chế trong lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch mà nhiều chuyên gia đã khẳng định Đà Nẵng phát triển không bền vững.
Minh chứng đưa ra là khai thác cạn kiệt tài nguyên đất đai, trong khi các tiện nghi đô thị, cây xanh, môi trường... ít được quan tâm. Hậu quả để lại cho tương lai không hề nhỏ và khó khắc phục. Để trở thành một đô thị tầm cỡ châu Á, phải chăng đã đến lúc Đà Nẵng cần một cuộc “đại phẫu”? Có thể xem các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu đô thị TP Đà Nẵng” mới đây là một kênh tham khảo hữu ích.
Cần dự trữ nguồn tài nguyên đất đai
Trong bài tham luận với tiêu đề “Khát vọng Đà Nẵng ngang tầm đô thị châu Á: Không thể và có thể”, KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam đưa ra quan điểm: “Những gì chúng ta phát triển để thỏa mãn nhu cầu của ngày hôm nay mà không gây tổn hại đến nhu cầu của thế hệ mai sau - đó là phát triển bền vững”.
KTS Hoàng Sừ cho rằng, vì cạn kiệt đất đai xây dựng, những khu vực có giá trị nhất về vị trí, cảnh quan thiên nhiên sông, biển tại Đà Nẵng hầu như không còn. Muốn xây dựng được một thành phố hiện đại, không gian kiến trúc được tổ chức hài hòa với thiên nhiên, tạo nên hình ảnh một đô thị có đặc trưng riêng, hấp dẫn..., việc quan trọng nhất đối với Đà Nẵng lúc này là cần tìm ra nguồn quỹ đất đảm bảo về quy mô và không gian đẹp. Muốn làm được điều này, KTS Hoàng Sừ đưa ra 11 đề xuất cụ thể. Trong đó đáng chú ý và có thể thực hiện ngay được là rà soát và tổng hợp quỹ đất còn lại toàn thành phố, cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai nhằm gia tăng quỹ đất xây dựng các tổ hợp nhà cao tầng; rà soát và thu hồi những khu đất chưa xây dựng ven bờ sông Hàn nhằm mục tiêu gia tăng diện tích cây xanh cao nhất có thể; rà soát quy hoạch ven biển, thu hồi các dự án chậm triển khai để lấy lại đất bố trí bổ sung các dịch vụ vui chơi, tắm biển cho nhân dân. Đồng thời xem xét một số vị trí resort sẽ không gia hạn thuê đất sau 50 năm để thu hồi cho mục tiêu công cộng tương lai; xây dựng trung tâm thành phố mới tại khu vực ngã ba sông...
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, hiện nay, Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh. Để cụ thể hóa mục tiêu này, ông Dũng cho biết, thành phố sẽ “kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên của thành phố làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên trong lòng đô thị là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng (núi, đồi, sông, suối, biển, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cần được gìn giữ như là trụ cột phát triển môi trường sinh thái, đô thị bền vững)”.
Đồng quan điểm với KTS Hoàng Sừ, ông Dũng cũng nhấn mạnh đến khả năng dung nạp, ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng cùng với việc phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng. “Không nhất thiết phải có quy mô dân số quá lớn, khai thác hết quỹ đất để phát triển nóng mà điều quan trọng là chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và dự trữ nguồn tài nguyên đất đai để phát triển bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, xác định vai trò mặt tiền biển của vịnh Đà Nẵng đối với đô thị để tìm kiếm ý tưởng phát triển xứng tầm”, ông Dũng nói. Ngoài ra, phải tái cấu trúc khu trung tâm thành phố theo mô hình đô thị nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn; chú trọng phát triển hệ thống không gian ngầm...
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng nêu quan điểm, thay vì ưu tiên lựa chọn đất phát triển đô thị thì cần thay đổi tư duy theo hướng sinh thái, bản sắc và bền vững hơn, đó là lựa chọn hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên, lựa chọn các giải pháp thân thiện môi trường và bền vững trước (bản sắc và môi trường); thực hiện một “quy hoạch âm bản” hướng đến phát triển bền vững. Quan điểm phát triển đối với các con sông trên địa bàn như là các vùng đệm cảnh quan đô thị, tham gia vào quá trình thoát lũ, phát triển nông nghiệp đô thị và kết hợp du lịch sinh thái. Phát huy quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, hình thành điểm nhấn không gian, cảnh quan đô thị, tiến tới quy hoạch cảnh quan dọc các tuyến ven sông, ven biển sau khi điều chỉnh quy hoạch chung được phê duyệt. Các khu vực đồi núi nói chung, trong đô thị nói riêng xem như là công viên rừng để có giải pháp bảo vệ. “Thời gian đến cấp thiết cần một kịch bản phát triển đô thị hợp lý, cần có sự chỉnh hướng kịp thời về quan điểm, mục tiêu phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược dài lâu, hướng đến một trong những thành phố thân thiện, hấp dẫn và đáng sống”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phát huy tiềm lực của một đô thị biển
Liên quan đến tầm nhìn quy hoạch phát triển không gian đô thị TP Đà Nẵng, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch kiến trúc) đưa ra 8 vấn đề trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh, Đà Nẵng cần phát huy tiềm lực của một đô thị biển - với một trong những cảng biển quan trọng nhất trên toàn quốc, vịnh Đà Nẵng và những bãi biển đẹp nổi tiếng. “Khu du lịch biển từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn hiện nay cần được điều chỉnh quy hoạch để không bỏ phí tiềm năng phát triển. Khu đô thị quanh vịnh Đà Nẵng hiện nay chưa được quy hoạch, đầu tư, và khai thác đúng tầm, trong khi có thể phát triển thành khu đô thị biển độc đáo, với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo nên điểm nhấn cho Đà Nẵng về du lịch, thu hút các dòng vốn đầu tư tạo sức lan tỏa chung”, KTS Sơn gợi mở. Đồng thời kiến nghị cần cẩn trọng với các đề xuất lấn biển hoặc xây dựng đảo nhân tạo trong vịnh Đà Nẵng, không nên vội vã quyết định khi chưa có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đến toàn khu vực.
KTS Phan Quang Minh (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) cho rằng, cần thúc đẩy phát triển bền vững của cả một dải bờ biển dài gần 30km từ bán đảo Sơn Trà đến Điện Ngọc (Quảng Nam). Theo KTS Minh, trong những năm gần đây, sự phát triển tại khu vực này đã vượt kế hoạch dự kiến và không kiểm soát nổi đối với hạ tầng giao thông, sân bãi hiện có, lượng nhà cao tầng mọc lên không kiểm soát hết, hệ thống nước thải, môi trường... chưa đáp ứng được sự thỏa mãn cũng như nhu cầu của người dân và du khách. Chính vì vậy, theo KTS Phan Quang Minh, cần phải đẩy mạnh công tác quy hoạch kiến trúc cảnh quan, hạ tầng, môi trường... để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch biển tại các vị trí quan trọng trong bản đồ bãi biển của TP Đà Nẵng. “Nếu chúng ta định hướng đúng, lâu dài về việc quy hoạch hạ tầng, giao thông, kiến trúc và môi trường... sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế, du lịch tại các khu vực ven biển phía Đông thành phố. Chúng ta phải quyết tâm xây dựng, cải tạo, thu hồi những mảnh đất liên quan đã chuyển nhượng, những điểm nhấn không gian kiến trúc trên. Những điểm đó không chỉ là lối xuống biển mà phải là điểm nhấn đặc biệt hơn, xứng tầm hơn, phục vụ nhu cầu của người dân, nhu cầu du lịch của cả thành phố, kéo dãn khoảng cách phát triển tập trung dày đặc ở khu trung tâm trong tương lai để thành phố phát triển hơn, xứng đáng là thành phố biển đẹp nhất Việt Nam và trên thế giới”, KTS Minh chia sẻ.
Bên cạnh những kiến giải nêu trên, thì tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, KTS đều đưa ra kiến nghị và giải pháp cụ thể về quy hoạch công viên trung tâm thành phố. Đồng quan điểm nêu trên, KTS Hoàng Sừ cho rằng, sông Hàn và biển Mỹ Khê là ưu thế đặc biệt của Đà Nẵng, là không gian tuyệt vời cho các nhà quy hoạch đô thị tổ chức bộ mặt kiến trúc độc đáo cho thành phố, hoàn toàn có thể tổ chức một không gian hoành tráng xuyên suốt kết nối sông Hàn ra biển Mỹ Khê. Trong không gian rộng lớn đó, bố trí quần thể các hệ thống trung tâm thành phố mới, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, trung tâm mua sắm, các quảng trường lễ hội bên sông, thi pháo hoa quốc tế, nhạc nước, trình diễn ánh sáng, đua thuyền, kết nối quảng trường biển - nơi tổ chức các hoạt động như đại hội thể thao biển châu Á, thể thao bãi biển... “Với một đô thị quy mô 2-3 triệu dân trong tương lai không xa thì việc có các quảng trường sông - biển chứa hàng trăm ngàn người là không thể thiếu”, KTS Hoàng Sừ nói.
Thiết nghĩ, đánh giá và phân tích cái được, cái chưa được không dễ. Phân tích những mặt trái, những thách thức, nguy cơ của thành phố càng khó hơn. Nhưng tin tưởng rằng những kiến giải nêu trên phần nào sẽ gợi mở cho những nhà hoạch định chính sách, những nhà thiết kế quy hoạch suy nghĩ, nhận định và cốt lõi là đưa ra những giải pháp sao cho sự phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới thật sự bền vững.
DOÃN HÙNG
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 1: Trăm kiểu giả mạo
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Xuất hiện những động thái tích cực
- Thí điểm “một cửa” Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
- 24 tỷ đồng bồi thường, bố trí tái định cư dự án Đại học kỹ thuật Y dược
- Người nước ngoài “chê” nhà ở Hà Nội
- ĐÀ NẴNG: ĐỀ XUẤT NÂNG CẤP, MỞ RỘNG NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG
- Nhà đất đang thế chấp cũng được tặng cho
- Công chứng và an toàn pháp lý
- Thông qua 20 đồ án quy hoạch và kiến trúc
- Bình chọn VP Công chứng uy tín VN nhằm khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng
- Mở tín dụng cho bất động sản
- ĐÀ NẴNG: ĐUA TÀI NGHIỆP VỤ CÔNG CHỨNG
- Phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư dự án Khu dân cư tổ 12, phường Mân Thái
- Nhà đất sẽ “bùng nổ” giao dịch?
- Đà Nẵng tăng cường quản lý và sử dụng đất đai
- Không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán
- Dùng vân tay làm… thủ tục hành chính
- Bất động sản giá 'mềm' rục rịch khởi động
- Chính phủ “gật đầu” đề xuất bỏ khung giá đất
- Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với loại đất ở trên địa bàn thành phố