Trước những vấn đề, thậm chí là thách thức đang đặt ra đối với quy hoạch đô thị Đà Nẵng như đã đề cập, cùng với kiến giải của các chuyên gia, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng - một trong những người có rất nhiều kinh nghiệm về quy hoạch đô thị và đặc biệt tâm huyết đối với sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng để nghe ông “rút ruột”, trải lòng về những vấn đề có liên quan...
“Lấy Quảng Nam làm đối chứng”!
Theo KTS Hồ Duy Diệm, cho đến nay, quy hoạch đô thị Đà Nẵng đã bộc lộ những sai lầm. Những sai lầm được đề cập nêu trên là sai lầm cụ thể về quy hoạch không gian, nhưng sai lầm quan trọng nhất vẫn là sai lầm trong quy hoạch chiến lược.
Để rõ những sai lầm này, theo KTS Hồ Duy Diệm, cần quay lại thời điểm những năm 1997 trở về trước, khi Đà Nẵng còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời điểm này, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, trong đó lấy công nghiệp (sạch, hiện đại, hàm lượng công nghệ cao) làm mũi nhọn; và thành phố Đà Nẵng là trung tâm công nghiệp của cả tỉnh. Song song đó, phải đẩy nhanh phát triển cảng biển, giao thông vận tải, logistics, dệt may, cơ khí chế tạo,... bởi đây là năng lực, điểm mạnh mà Đà Nẵng đang có từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng. Còn dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch,... là phía sau.
Định hướng phát triển chung là vậy, tuy nhiên, từ khi chia tách từ năm 1997, Đà Nẵng đã rời bỏ các điểm mạnh, vị thế sẵn có, năng lực cốt lõi của mình; còn Quảng Nam thì vẫn giữ định hướng phát triển trước đó, mà thực chất là rất ổn để thực hiện. “Quảng Nam biết, nếu không làm công nghiệp thì không thể đẩy nông nghiệp của tỉnh lên được, và quan trọng hơn là không thể giải quyết lao động dôi dư của địa phương. 20 năm trung thành với việc lấy công nghiệp làm trọng tâm, Quảng Nam đã bỏ xa Đà Nẵng. Nhiều người hay ví Đà Nẵng là đầu tàu kéo cả đoàn tàu miền Trung đi, nhưng thực tế hiện nay thì nhiều toa tàu đã nhảy lên trên đầu tàu để đi rồi. Và đến nay, riêng nhà máy ô-tô Trường Hải đã nộp ngân sách lên đến hơn 23 ngàn tỷ cho Quảng Nam, hơn cả tổng thu ngân sách toàn TP Đà Nẵng”,... KTS Hồ Duy Diệm lấy ví dụ. Đồng thời cho rằng, Đà Nẵng sai là đã xem nhẹ phát triển công nghiệp để làm thành phố du lịch, thương mại, dịch vụ, mà theo nghị quyết trước đây thì những lĩnh vực này thuộc tốp 2. “Quảng Nam đúng ra mới thiên về phát triển du lịch, dịch vụ chứ? Quảng Nam có Hội An, có Mỹ Sơn, có hồ Phú Ninh, có đủ loại hình suối nóng lạnh, khu nghỉ dưỡng..., còn Đà Nẵng có rất ít lợi thế này”, KTS Hồ Duy Diệm nhìn nhận.
Theo KTS Hồ Duy Diệm, sai lầm này sau đó Bộ Chính trị “điều chỉnh” bằng Nghị quyết 33 (năm 2003), theo đó định hướng Đà Nẵng phát triển toàn diện, cân đối theo cơ cấu công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong 6 điểm cốt lõi mà Bộ Chính trị nhấn mạnh, thì thứ nhất chiến lược phát triển của Đà Nẵng phải là phát triển công nghiệp dựa vào cơ khí, dựa vào khu cảng biển như Liên Chiểu, Tiên Sa (đây là trung tâm cơ khí phát triển công nghiệp biển, khu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền); thứ hai, phải dời ga Đà Nẵng bắt kịp với nhịp độ của tuyến đường sắt Bắc - Nam, đưa ga Đà Nẵng lên phía Tây thành phố để đường sắt không vào trong nội đô, khi đó, hàng hóa từ cảng Liên Chiểu lên, từ khu công nghiệp ra và nhảy lên đường sắt đi Bắc đi Nam, hạn chế ô-tô tải qua thành phố..., biến nơi đây trở thành khu công nghiệp kéo dài từ chân đèo Hải Vân vào tới Cầu Đỏ. “Như vậy, khi quy hoạch ga Đà Nẵng lên khu vực phía Tây thành phố, tại khu trung tâm sẽ có một diện tích đất rất lớn để lập lại mạng lưới, bù lấp vào những thiếu sót, khiếm khuyết của đô thị. Khu đất này cũng có thể xây những trung tâm thương mại, mà không đến nỗi phải bán cả sân vận động Chi Lăng. Khi ấy, thậm chí tại Ngã Ba Huế cũng không cần làm cầu vượt khác mức nữa, vì đường sắt đã di dời. Từ đó hình thành hệ thống giao thông sắt - bộ - thủy rất hoàn chỉnh, không phá nát nội thành”, KTS Hồ Duy Diệm nêu thực tế.
Cũng theo nhìn nhận của KTS Hồ Duy Diệm, do không thực hiện đúng nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đề ra, đến bây giờ, sau 15 năm nghiệm ra thì thấy sai lầm. Một nhà máy của Quảng Nam đóng góp tới 23 ngàn tỷ đồng cho ngân sách, trong khi Đà Nẵng không có doanh nghiệp nào thực sự có tên tuổi. Bây giờ Đà Nẵng không thể không làm cảng Liên Chiểu, không thể không dời ga Đà Nẵng, tuy nhiên nếu làm thì sẽ phải trả giá rất đắt cho công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư..., trong khi nếu làm 15 năm trước thì nhiệm vụ này sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Phải nắm trong tay đất công sản
Trước những bất cập nêu trên, KTS Hồ Duy Diệm cũng đưa ra một số giải pháp có thể trong chừng mực nào đó khắc phục được. Thứ nhất, là thành phố phải có một tổng kết, đánh giá, nhìn nhận một cách cầu thị, khách quan để thấy được hết tất cả những sai lầm, hạn chế. Không thấy sai lầm là không sửa chữa được. Sai lầm bây giờ rất dễ thấy, vì đã có Quảng Nam bên cạnh làm đối chứng.
Thứ hai, như người xưa đã dạy: “Cháo nóng húp quanh, nợ trả dần”. Tức là, bây giờ Đà Nẵng có “nợ” thì phải trả, còn không trả thì không bao giờ hết “nợ”. Vấn đề là gỡ dần bằng những cái gì? Cái gì bây giờ bí nhất? “Tôi thấy mấu chốt vấn đề của Đà Nẵng hiện nay, cái bí nhất là trong tay không có đất công sản. Phải nắm trong tay đất công sản, còn không có thì không làm được gì hết. Điển hình, khi Đà Nẵng muốn mở rộng Công viên APEC khoảng 6.000m2, thì phải đổi một khu đất 6.000m2 khác, mà khu đất đó lại đắc địa hơn nữa. May là còn có miếng đất công sản tương ứng mà đổi, còn không thì tiền đâu ra mà mua”, KTS Hồ Duy Diệm nói và cho rằng, khi có đất công sản, nếu cần công viên thì lấy miếng đất công sản làm công viên, cần bãi để xe, nhà kho thì đã có sẵn đất công sản để đổi mà không cần phải lo lắng “xin mua, xin đổi như hiện nay”.
Và để có đất công sản, KTS Hồ Duy Diệm đưa ra giải pháp căn cơ nhất là Ban Thường vụ Thành ủy phải có chủ trương để trên cơ sở đó HĐND thành phố ban hành nghị quyết chấp nhận điều chỉnh quy hoạch, trong đó phải đề ra chủ trương trưng dụng đất, phải có thu hồi đất.
Liên quan đến phát triển du lịch, nhất là ở Q. Sơn Trà, KTS Hồ Duy Diệm cho rằng muốn phát triển bền vững thì phải tập trung vào giải quyết vấn đề xây dựng, ô nhiễm môi trường. “Cái này đã trở thành câu chuyện thời sự ở rất nhiều nơi, Đà Nẵng cũng cần phải tỉnh táo để giải quyết. Trở lại vấn đề tiêu chuẩn, ở Q. Sơn Trà có chừng đó đất thì sẽ giải quyết bao nhiêu dân số, mật độ xây dựng ra sao là vừa, chứ không phải ai đến đầu tư anh cũng duyệt, xây mấy mươi tầng cũng đồng ý. Hiện nay đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước thải chảy ra biển không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, tình trạng biển xâm thực do lượng nước ngầm cạn kiệt... Phải tính toán lại, chứ không phải cứ lấy con số càng ngày nhà đầu tư, du khách đến càng nhiều làm mục tiêu, nó tốt cho doanh thu nhưng không tốt cho chuyện lâu dài về môi trường 30-40 năm sau”, KTS Hồ Duy Diệm nhìn nhận. Ngoài ra khẳng định, riêng bán đảo Sơn Trà tuyệt đối không được đụng đến, chỉ để Sơn Trà là rừng quốc gia, là khu du lịch sinh thái, là lá phổi xanh cho toàn thành phố.
Trở lại Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, KTS Hồ Duy Diệm cho rằng bây giờ không thể có Nghị quyết 33 thứ hai nữa. Nghị quyết 33 là ưu việt, nên phải tiếp tục thực hiện triệt để và không ngoài mục tiêu phát triển bền vững của Đà Nẵng.
DOÃN HÙNG
Các bản tin khác
- THƯ CẢM ƠN!
- NỮ ANH HÙNG HẾT LÒNG VÌ CỘNG ĐỒNG
- UBND TP Đà Nẵng trao cờ thi đua năm 2022 cho VPCC Bảo Nguyệt
- Bỏ sổ hộ khẩu, người mua bán nhà đất cần nhớ điều này để tránh không chuyển nhượng được “sổ đỏ”
- 3 việc cần làm ngay trước ngày Sổ hộ khẩu bị khai tử
- Những việc cần làm trước khi bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023
- Bỏ Sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023: Phương án nào để chứng minh thông tin cư trú?
- 31 trường hợp nhà đất được miễn phí trước bạ từ ngày 1/3/2022
- 5 Quy Định Mới Về Sổ Đỏ, Chuyển Mục Đích Sử Dụng Đất
- Hộ chiếu cấp trước 2022 được dùng đến khi hết hạn
- Khuyến khích cấp mới, cấp đổi Sổ đỏ ghi tên cả vợ và chồng
- Đã có hướng dẫn về trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu từ 01/7/2021
- Cách hợp thức hóa đất mua bằng giấy viết tay
- 3 quy định mới người mua nhà từ ngày 01/7/2021 cần biết
- 6 chính sách mới quan trọng có hiệu lực tháng 7/2021
- Từ 01/7/2021, khách đến chơi qua đêm có cần khai báo xã, phường?
- Rủi ro khi để lộ số CMND, Căn cước công dân
- Chính sách mới có hiệu lực tháng 5
- Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào?
- 5 điều những người đang dùng Chứng minh nhân dân phải biết