ĐNO - Sáng 24-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng, nghe báo cáo về vấn đề đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.
Tham dự buổi làm việc, về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng |
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (gọi tắt là dự án) có vai trò quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và liên kết phát triển vùng của thành phố Đà Nẵng trong khu vực miền Trung.
Dự án đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai, tuy nhiên, việc thực hiện còn chậm, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Việc hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định tốn nhiều thời gian, qua nhiều ngành và cấp khác nhau, gặp khó khăn về nguồn vốn...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, để sớm triển khai thực hiện dự án, UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án (giai đoạn 1) từ nguồn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của cả nước theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội và các nguồn ngân sách Trung ương khác theo quy định với số tiền là 3.426,3 tỷ đồng để đầu tư hợp phần A (giai đoạn 1) của dự án.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án; thống nhất giao UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan chủ quản dự án. Trước mắt, bố trí vốn để triển khai xây dựng kè chắn sóng của giai đoạn 1.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung. Hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của các tỉnh miền Trung đều được đưa về cảng Đà Nẵng. Cảng Đà Nẵng hiện tại bao gồm 2 khu bến chính là Tiên Sa và Sơn Trà (Thọ Quang).
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của cảng Đà Nẵng đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Năm 2018, sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng ước đạt 8,4 triệu tấn.
Lượng hàng này sẽ vượt mức năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) sau năm 2020 và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa qua tuyến đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn tăng cao, tạo sự chia cắt và gây ùn tắc giao thông cục bộ qua các tuyến đường này, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người do xe tải gây ra, làm mất an toàn đô thị…, gây bức xức trong dư luận và nhân dân.
Do đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Đây là vấn đề rất cấp bách để sớm chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. Theo đó, cảng Tiên Sa chỉ tiếp nhận các tàu 5 sao, cỡ lớn đến tham quan thành phố, phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố Đà Nẵng, ngành giao thông vận tải, phục vụ mục tiêu đẩy mạnh và tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng đoàn công tác thành phố Đà Nẵng |
Đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về đề xuất, thúc đẩy đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu thay cho cảng Tiên Sa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là vấn đề cấp bách, cần thiết bởi thời gian, số lượng ô-tô vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi qua nội thành quá lớn, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây ùn tắc.
Cảng Tiên Sa có sóng giao thoa lớn, đặc biệt là mực nước thấp nên tàu lớn không vào được. Do đó, vai trò của cảng này đối với thành phố động lực của khu vực không thể phát huy được.
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần xây dựng cảng Liên Chiểu hiện đại, tổng thể để kết nối giao thông cho cả khu vực. Thủ tướng yêu cầu các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND thành phố Đà Nẵng sớm có văn bản báo cáo kết quả buổi làm việc và gửi Thủ tướng trước ngày 10-10 để trình Quốc hội.
Chính phủ cũng hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Đà Nẵng kêu gọi xã hội hoá phát triển cảng từ cầu cảng, bến bãi, phương tiện bốc dỡ và đến nay, có nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các hỗ trợ cụ thể để đưa dự án vào triển khai.
Thủ tướng lưu ý công tác quy hoạch dự án phải làm bài bản, cập nhật thông tin mới nhất về phát triển cảng trên thế giới, tránh tư duy cũ, lạc hậu như việc chia các bến cảng quá nhỏ, khiến tàu lớn không thể cập cảng, do mỗi cảng có các chủ đầu tư khác nhau.
Tin và ảnh: THÀNH LÂN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng