Từ cuộc thi quy hoạch và thiết kế kiến trúc hai bờ sông Hàn, một số quy hoạch và thiết kế cảnh quan như: Công viên APEC, quảng trường trung tâm, quảng trường thành Điện Hải…, xuất hiện những ý tưởng mới về một không gian đô thị mới làm chất liệu cho việc hình thành một quãng trường mở.
Mới đây, KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch - Sở Xây dựng đề xuất ý tưởng phát triển quảng trường mở bên bờ sông Hàn. Theo đó, một không gian cảnh quan được mở rộng và kết nối về phía sông Hàn, vươn ra phía bắc là cầu cảng Sông Hàn rồi kéo dài về phía nam qua khu vực trụ sở HĐND (đang chọn làm Bảo tàng Đà Nẵng) và Thư viện khoa học tổng hợp thành phố.
Một không gian kéo dài từ cửa biển Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn lấy 2 trục đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo làm tuyến phố đi bộ có thể kết nối với các quảng trường đang lập quy hoạch gắn với Công viên APEC, các tiểu công viên đôi bờ sông Hàn để tạo ra một không gian có diện tích 300ha phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Trên nền tảng không gian rộng lớn này, quảng trường trung tâm khu vực chợ Hàn có thể làm chức năng tổ chức lễ hội, sự kiện.
Từ đây, dẫn dắt các tour, tuyến tham quan với các điểm đến là Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thưởng ngoạn du lịch đường sông, vui chơi giải trí ở Công viên Châu Á, Helio; cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, xem pháo hoa ven đường Chương Dương (khu đô thị phía nam Trần Thị Lý), mua sắm trên hai tuyến đường ven sông… Một mảnh ghép khá thú vị khi vừa qua một doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư sản phẩm du lịch mới phục vụ cộng đồng là xem biểu diễn nhạc nước trên sông Hàn khu vực ven đường Như Nguyệt.
Trước đó, từ năm 2015, ngành du lịch thành phố đã nêu ra nhiều ý tưởng đưa không gian cảnh quan đôi bờ sông Hàn thành sân khấu văn hóa - lễ hội, chẳng hạn như xây dựng một sân khấu lắp ráp tại khu vực phía tây cầu Rồng để tập trung tổ chức các hoạt động nghệ thuật truyền thống (trục đường Bạch Đằng), triển lãm ảnh nhân các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu ca múa nhạc, tạp kỹ, tổ chức phục vụ khách du lịch đi dạo ban đêm tại thành Điện Hải...
Tuy nhiên, ý tưởng phát triển quảng trường mở hai bờ sông Hàn cần có lộ trình xử lý các vấn đề về hạ tầng đô thị, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa trong đầu tư. KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng phát triển một quảng trường mở cho đô thị Đà Nẵng không khó về các giải pháp kỹ thuật hạ tầng mà cái khó là vấn đề quy hoạch sử dụng đất.
Hiện đôi bờ sông Hàn đã hình thành các tuyến đường song song bờ sông (Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo) và đây chính là đối tượng mang lại bản sắc riêng biệt về không gian cảnh quan. Việc cải tạo tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo sẽ không khó khi phương thức giao thông ở thành phố dần thay thế bằng phương tiện công cộng, phát triển và dung nạp các loại hình di chuyển bằng xe điện, xe đạp, taxi đường sông...
Như vậy, thực tế tổng quan đôi bờ sông Hàn đang hiện hữu các phân khu chức năng, các tiểu quảng trường, công viên là những hệ sinh thái đô thị; từ đây, lắp những “mảnh ghép” thành quảng trường mở. Nhìn về tương lai, dòng sông Hàn phải trở thành “sân khấu lớn” cho không gian lễ hội, sự kiện và là điểm đến du lịch của thành phố, tạo nên diện mạo mới cho thành phố.
Triệu Tùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- THƯ CẢM ƠN!
- NỮ ANH HÙNG HẾT LÒNG VÌ CỘNG ĐỒNG
- UBND TP Đà Nẵng trao cờ thi đua năm 2022 cho VPCC Bảo Nguyệt
- Bỏ sổ hộ khẩu, người mua bán nhà đất cần nhớ điều này để tránh không chuyển nhượng được “sổ đỏ”
- 3 việc cần làm ngay trước ngày Sổ hộ khẩu bị khai tử
- Những việc cần làm trước khi bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023
- Bỏ Sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023: Phương án nào để chứng minh thông tin cư trú?
- 31 trường hợp nhà đất được miễn phí trước bạ từ ngày 1/3/2022
- 5 Quy Định Mới Về Sổ Đỏ, Chuyển Mục Đích Sử Dụng Đất
- Hộ chiếu cấp trước 2022 được dùng đến khi hết hạn
- Khuyến khích cấp mới, cấp đổi Sổ đỏ ghi tên cả vợ và chồng
- Đã có hướng dẫn về trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu từ 01/7/2021
- Cách hợp thức hóa đất mua bằng giấy viết tay
- 3 quy định mới người mua nhà từ ngày 01/7/2021 cần biết
- 6 chính sách mới quan trọng có hiệu lực tháng 7/2021
- Từ 01/7/2021, khách đến chơi qua đêm có cần khai báo xã, phường?
- Rủi ro khi để lộ số CMND, Căn cước công dân
- Chính sách mới có hiệu lực tháng 5
- Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào?
- 5 điều những người đang dùng Chứng minh nhân dân phải biết