Mặc dù đã đạt được những thành tựu nổi bật song trước bối cảnh phát triển mới Đà Nẵng đang vướng vào nhiều “nút thắt” mà nếu không kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ sẽ dẫn tới nguy cơ tụt hậu.
|
Cảng Tiên Sa đã quá tải là trở ngại trong quá trình phát triển Đà Nẵng là Trung tâm logistics của Vùng. |
Nhiều “điểm nghẽn”
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, thành tựu nổi bật của Đà Nẵng là không gian đô thị mở rộng gấp 3 lần, tăng trưởng kinh tế cao gần gấp 1,5 lần trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người cao nhất miền Trung, bước đầu định hình là trung tâm kinh tế - xã hội năng động của khu vực. Tuy vậy, Đà Nẵng chưa đủ để trở thành một trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp có sức cạnh tranh quốc tế cao, ngay cả so với các nước trong ASEAN. Đáng nói hơn, nhiều vấn đề đã hình thành và tích tụ cùng với quá trình phát triển đã bộc lộ thành những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” phát triển làm cho Đà Nẵng không thể phát huy tác dụng đầu tàu tăng trưởng, khó bứt phá để vượt lên, cho dù môi trường đầu tư của TP thuộc nhóm cao nhất nước. Vai trò dẫn dắt phát triển, động lực tăng trưởng của TP cũng vì thế có dấu hiệu suy yếu.
TS Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho biết, “điểm nghẽn” về qui mô nền kinh tế nhỏ đang khiến Đà Nẵng khó thu hút được những tập đoàn lớn đóng vai trò như một nhà đầu tư chiến lược. Kế tiếp, “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn đến không thúc đẩy được quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết đầu tư hạ tầng dùng chung với các địa phương lân cận mà Đà Nẵng là trung tâm chưa phát huy hiệu quả, dẫn tới lợi ích, sức mạnh của các địa phương chưa được như kỳ vọng. Nếu việc liên kết này không đẩy mạnh, Đà Nẵng càng khó là trung tâm, đầu mối giao thông của khu vực, khó vượt lên để cạnh tranh với quốc tế.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - PGĐ Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, “điểm nghẽn” lớn của Đà Nẵng hiện nay là việc huy động nguồn lực cho phát triển. Tốc độ tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển của TP đã giảm mạnh. Mức tăng của thu ngân sách và GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng trong thời gian qua thấp hơn nhiều so với hầu hết các địa phương khác, kéo theo việc Đà Nẵng cũng đã tụt lại so với một số địa phương khác về tốc độ tăng nguồn lực đầu tư phát triển. Đà Nẵng từng là địa phương làm tốt việc khai thác giá trị từ đất cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, dư địa từ việc khai thác đất đai của TP đang cạn dần.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, do chính sách phân lô bán nền của Đà Nẵng đã dẫn đến điểm nghẽn về không gian phát triển. Việc khai thác quá mức quỹ đất ven biển và khu vực ven sông Hàn trong khi khu vực đồng bằng hầu như chưa có chiến lược hợp lý cho tương lai. Môi trường sinh thái đang bị ô nhiễm và việc TP có nhiều khu vực biệt lập (các khu resorts) cho du lịch ở các điểm đẹp nhất tạo ra tính thiếu “bao trùm”, thiếu công bằng với người dân TP. Chưa kể, những cơ chế ưu đãi, đặc thù Trung ương dành cho Đà Nẵng dường như đã tới hạn, không còn mang lại những động lực phát triển mới.
Động lực nào để đột phá?
Để tạo ra đột phá, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn có 2 yếu tố quan trọng là xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo và thu hút các nhà đầu tư chiến lược gắn với định hướng lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn, cơ bản. Ông Sơn nói: “ Đà Nẵng không nên quá tham trong việc xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển bởi vì nhiều lĩnh vực có thể xung đột với nhau, đặc biệt khi tiềm năng lớn nhất của Đà Nẵng là du lịch, một ngành rất dễ bị tổn thương trước các ảnh hưởng về môi trường. Do vậy, những lĩnh vực mũi nhọn Đà Nẵng cần tập trung bao gồm du lịch, công nghệ cao, logistics; những lĩnh vực cơ bản gồm thương mại, nông nghiệp, y tế, giáo dục”.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hạ tầng đô thị của Đà Nẵng đã bắt đầu quá tải, cần phải qui hoạch lại để đầu tư, đảm bảo cho dân số trên 3 triệu người. Chưa kể, hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương trong vùng cũng chưa thật mạnh. Do đó, hướng qui hoạch mới vẫn phải xác định Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của cả khu vực miền Trung. Ông Sơn nói, xu hướng hiện nay phải phát triển vùng đô thị mới có đủ sức cạnh tranh quốc tế. Nếu muốn là đô thị hạt nhân của vùng, Đà Nẵng trước tiên phải là đầu mối giao thông (sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt), là cửa ngõ quốc tế của vùng. Nhưng nhìn vào thực tại, sân bay, bến cảng đã quá tải, đường sắt vẫn tốc độ thấp, cao tốc mới kết nối tới Quảng Ngãi. Như vậy, nói gì đi nữa, Đà Nẵng vẫn phải dựa vào các dự án động lực trong thời gian tới, như cảng nước sâu Liên Chiểu (để trở thành trung tâm Logistics), Ga đường sắt mới (đáp ứng đường sắt tốc độ cao), mở rộng sân bay về phía Tây (nâng công suất 28 triệu khách/năm), Làng đại học (để trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực cao), Mở rộng quốc lộ 14D (Hành lang kinh tế Đông- Tây 2), Khơi thông sông Cổ Cò (kết nối du lịch với Hội An)...
Ở trong nội đô, ông Sơn cho rằng áp lực ô nhiễm môi trường, kẹt xe, quá tải bệnh viện... khiến việc qui hoạch lại Đà Nẵng phải theo hướng bền vững, kiến trúc xanh. Cụ thể, vịnh Đà Nẵng có thể qui hoạch phát triển thành khu đô thị biển độc đáo với kiến trúc, dịch vụ đặc sắc, tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng về du lịch, thu hút các dòng vốn đầu tư tạo sự lan tỏa chung. Khu vực quanh sân bay có thể qui hoạch thành khu đô thị sân bay. Ông Sơn cũng cho rằng, trong bối cảnh mới, cần qui hoạch phát triển Đà Nẵng là đô thị thông minh, đô thị toàn cầu, đô thị khởi nghiệp sáng tạo. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để là đô thị toàn cầu với chức năng kinh tế tài chính tầm cỡ quốc tế. Để làm được điều này, Đà Nẵng cần thu hút các cơ quan tài chính, dịch vụ thương mại của những nước tiên tiến trên thế giới đến mở văn phòng đại diện hoặc cơ sở sản xuất, cần phổ cập tiếng Anh miễn phí cho người dân. Ngoài ra, Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi đặt biệt cho các DN tiên phong phát triển khu đô thị sáng tạo tại vùng đất còn kém phát triển như phía Tây, Tây Nam TP.
Rõ ràng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 với nhiều thành tựu, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi Đà Nẵng cần nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục, tạo động lực mới để phát triển.
HẢI QUỲNH
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- 10 sự kiện thế giới nổi bật 2015 do TTXVN bình chọn
- Để “bánh ngon” không trở thành thảm họa kinh tế
- Quy định giá đất tái định cư hộ chính 2 khu tái định cư thuộc huyện Hoà Vang
- Đà Nẵng nghiên cứu xây hầm vượt sông Hàn
- Bỗng dưng có hàng ngàn tỉ đồng nhờ nắm thông tin quy hoạch
- Hỗ trợ 25% lãi suất với hộ sớm trả nợ tiền sử dụng đất tái định cư
- Sớm xây dựng hầm chui qua sông Hàn
- Bất động sản nhộn nhịp dịp cuối năm
- Ba người đứng tên chung thửa đất, được không?
- Mua đất chung, giấy đỏ cấp sao?
- Đề xuất xây dựng hầm đường bộ qua sông Hàn
- Sẽ làm hầm chui qua sông Hàn?
- Đất nền, nhà phố tăng tốc đón dòng tiền cuối năm
- Xu hướng bất động sản 2016: Liệu có giảm giá?
- Nhiều sự kiện hấp dẫn chào năm mới 2016
- Thẻ căn cước công dân được cấp như thế nào từ năm 2016
- Đầu tư bất động sản - du lịch hút khách
- Công bố 16 Luật và 7 Nghị quyết
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
- Đà Nẵng bỏ quy định cấm chuyển nhượng “sổ đỏ”