Mặc dù đã đạt được những thành tựu nổi bật song trước bối cảnh phát triển mới Đà Nẵng đang vướng vào nhiều “nút thắt” mà nếu không kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ sẽ dẫn tới nguy cơ tụt hậu.
|
Cảng Tiên Sa đã quá tải là trở ngại trong quá trình phát triển Đà Nẵng là Trung tâm logistics của Vùng. |
Nhiều “điểm nghẽn”
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, thành tựu nổi bật của Đà Nẵng là không gian đô thị mở rộng gấp 3 lần, tăng trưởng kinh tế cao gần gấp 1,5 lần trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người cao nhất miền Trung, bước đầu định hình là trung tâm kinh tế - xã hội năng động của khu vực. Tuy vậy, Đà Nẵng chưa đủ để trở thành một trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp có sức cạnh tranh quốc tế cao, ngay cả so với các nước trong ASEAN. Đáng nói hơn, nhiều vấn đề đã hình thành và tích tụ cùng với quá trình phát triển đã bộc lộ thành những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” phát triển làm cho Đà Nẵng không thể phát huy tác dụng đầu tàu tăng trưởng, khó bứt phá để vượt lên, cho dù môi trường đầu tư của TP thuộc nhóm cao nhất nước. Vai trò dẫn dắt phát triển, động lực tăng trưởng của TP cũng vì thế có dấu hiệu suy yếu.
TS Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho biết, “điểm nghẽn” về qui mô nền kinh tế nhỏ đang khiến Đà Nẵng khó thu hút được những tập đoàn lớn đóng vai trò như một nhà đầu tư chiến lược. Kế tiếp, “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn đến không thúc đẩy được quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết đầu tư hạ tầng dùng chung với các địa phương lân cận mà Đà Nẵng là trung tâm chưa phát huy hiệu quả, dẫn tới lợi ích, sức mạnh của các địa phương chưa được như kỳ vọng. Nếu việc liên kết này không đẩy mạnh, Đà Nẵng càng khó là trung tâm, đầu mối giao thông của khu vực, khó vượt lên để cạnh tranh với quốc tế.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - PGĐ Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, “điểm nghẽn” lớn của Đà Nẵng hiện nay là việc huy động nguồn lực cho phát triển. Tốc độ tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển của TP đã giảm mạnh. Mức tăng của thu ngân sách và GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng trong thời gian qua thấp hơn nhiều so với hầu hết các địa phương khác, kéo theo việc Đà Nẵng cũng đã tụt lại so với một số địa phương khác về tốc độ tăng nguồn lực đầu tư phát triển. Đà Nẵng từng là địa phương làm tốt việc khai thác giá trị từ đất cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, dư địa từ việc khai thác đất đai của TP đang cạn dần.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, do chính sách phân lô bán nền của Đà Nẵng đã dẫn đến điểm nghẽn về không gian phát triển. Việc khai thác quá mức quỹ đất ven biển và khu vực ven sông Hàn trong khi khu vực đồng bằng hầu như chưa có chiến lược hợp lý cho tương lai. Môi trường sinh thái đang bị ô nhiễm và việc TP có nhiều khu vực biệt lập (các khu resorts) cho du lịch ở các điểm đẹp nhất tạo ra tính thiếu “bao trùm”, thiếu công bằng với người dân TP. Chưa kể, những cơ chế ưu đãi, đặc thù Trung ương dành cho Đà Nẵng dường như đã tới hạn, không còn mang lại những động lực phát triển mới.
Động lực nào để đột phá?
Để tạo ra đột phá, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn có 2 yếu tố quan trọng là xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo và thu hút các nhà đầu tư chiến lược gắn với định hướng lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn, cơ bản. Ông Sơn nói: “ Đà Nẵng không nên quá tham trong việc xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển bởi vì nhiều lĩnh vực có thể xung đột với nhau, đặc biệt khi tiềm năng lớn nhất của Đà Nẵng là du lịch, một ngành rất dễ bị tổn thương trước các ảnh hưởng về môi trường. Do vậy, những lĩnh vực mũi nhọn Đà Nẵng cần tập trung bao gồm du lịch, công nghệ cao, logistics; những lĩnh vực cơ bản gồm thương mại, nông nghiệp, y tế, giáo dục”.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hạ tầng đô thị của Đà Nẵng đã bắt đầu quá tải, cần phải qui hoạch lại để đầu tư, đảm bảo cho dân số trên 3 triệu người. Chưa kể, hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương trong vùng cũng chưa thật mạnh. Do đó, hướng qui hoạch mới vẫn phải xác định Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của cả khu vực miền Trung. Ông Sơn nói, xu hướng hiện nay phải phát triển vùng đô thị mới có đủ sức cạnh tranh quốc tế. Nếu muốn là đô thị hạt nhân của vùng, Đà Nẵng trước tiên phải là đầu mối giao thông (sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt), là cửa ngõ quốc tế của vùng. Nhưng nhìn vào thực tại, sân bay, bến cảng đã quá tải, đường sắt vẫn tốc độ thấp, cao tốc mới kết nối tới Quảng Ngãi. Như vậy, nói gì đi nữa, Đà Nẵng vẫn phải dựa vào các dự án động lực trong thời gian tới, như cảng nước sâu Liên Chiểu (để trở thành trung tâm Logistics), Ga đường sắt mới (đáp ứng đường sắt tốc độ cao), mở rộng sân bay về phía Tây (nâng công suất 28 triệu khách/năm), Làng đại học (để trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực cao), Mở rộng quốc lộ 14D (Hành lang kinh tế Đông- Tây 2), Khơi thông sông Cổ Cò (kết nối du lịch với Hội An)...
Ở trong nội đô, ông Sơn cho rằng áp lực ô nhiễm môi trường, kẹt xe, quá tải bệnh viện... khiến việc qui hoạch lại Đà Nẵng phải theo hướng bền vững, kiến trúc xanh. Cụ thể, vịnh Đà Nẵng có thể qui hoạch phát triển thành khu đô thị biển độc đáo với kiến trúc, dịch vụ đặc sắc, tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng về du lịch, thu hút các dòng vốn đầu tư tạo sự lan tỏa chung. Khu vực quanh sân bay có thể qui hoạch thành khu đô thị sân bay. Ông Sơn cũng cho rằng, trong bối cảnh mới, cần qui hoạch phát triển Đà Nẵng là đô thị thông minh, đô thị toàn cầu, đô thị khởi nghiệp sáng tạo. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để là đô thị toàn cầu với chức năng kinh tế tài chính tầm cỡ quốc tế. Để làm được điều này, Đà Nẵng cần thu hút các cơ quan tài chính, dịch vụ thương mại của những nước tiên tiến trên thế giới đến mở văn phòng đại diện hoặc cơ sở sản xuất, cần phổ cập tiếng Anh miễn phí cho người dân. Ngoài ra, Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi đặt biệt cho các DN tiên phong phát triển khu đô thị sáng tạo tại vùng đất còn kém phát triển như phía Tây, Tây Nam TP.
Rõ ràng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 với nhiều thành tựu, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi Đà Nẵng cần nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục, tạo động lực mới để phát triển.
HẢI QUỲNH
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- "Khẩu vị mới" của nhà đầu tư tại bất động sản Đà Nẵng
- Tổng cục quản lý đất đai siết chặt việc quản lý phôi giấy chứng nhận QSDĐ
- Chuẩn hóa môi giới bất động sản: Nhiệm vụ cấp bách
- Những cuộc “tháo chạy” của giới đầu cơ đất nền năm 2018
- Còn nhiều yếu tố nâng đỡ, chưa thể xảy ra "bong bóng" bất động sản
- Thúc đẩy tiến độ các dự án "treo", thương thảo lấy lại SVĐ Chi Lăng
- Thị trường bất động sản có rơi vào chu kỳ khủng hoảng?
- Tỷ phú ngoại tranh phần bất động sản
- Thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Điều thú vị chỉ có tại chương trình ưu đãi "Đêm Bà Nà"
- Dòng đầu tư đổ dồn về Gami Eco Charm "dồn dập" ngay sau ngày ra mắt
- Điểm đến Sơn Trà Hoang sơ Bãi Rạng
- Đà Nẵng: Phúc Hoàng Ngọc công bố và bàn giao dự án Green Home
- Đà Nẵng: Mỗi năm tăng 86 cơ sở lưu trú/6.000 phòng
- Kinh nghiệm quý khi mua chung cư giá rẻ để không ‘tiền mất tật mang’
- Bất động sản nghỉ dưỡng: "Vẫn là kênh đầu tư hiệu quả"
- Biệt thự biển cho thuê mang về thu nhập bền vững cho nhà đầu tư
- Hàn Quốc hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu đường sắt đô thị
- Vệt đô thị mới ven sông Hàn có tòa tháp cao 29 tầng
- Chọn 4 địa điểm xây quảng trường kết hợp công viên biển dọc đường Nguyễn Tất Thành