Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) đều nhấn mạnh về việc xây dựng và phát triển du lịch Đà Nẵng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch ven biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, thành phố cần có giải pháp quản lý chặt chẽ cơ sở lưu trú có phần phát triển ồ ạt như hiện nay.
Tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa thuộc hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được xem là “con đường khách sạn” với hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 1 - 5 sao mọc lên như nấm. Ảnh: Đ.H.L |
Sôi động thị trường khách sạn cao cấp
Hiện thị trường phòng khách sạn tại Đà Nẵng đang ở trong giai đoạn sôi động nhất từ trước tới nay, thậm chí đã hình thành “con đường khách sạn” ven biển.
Tính đến hết tháng 9-2018, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 752 cơ sở lưu trú (LT) dành cho khách du lịch. Trong đó có 74 khách sạn 4-5 sao và tương đương với 15.218 phòng tập trung chủ yếu ở ven biển tại 2 quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.
Phần lớn các khách sạn, khu nghỉ dưỡng này được quản lý, điều hành bởi các tập đoàn quản lý quốc tế có thương hiệu như Tập đoàn Accor (thương hiệu Novotel, Grand Mercure, Pullman), IHG (thương hiệu InterContinental, Crowne Plaza), Hyatt (thương hiệu Hyatt Regency), Serenity Holdings (thương hiệu Fusion Maia, Fusion Suites), Tập đoàn Route Inn Nhật Bản (thương hiệu Grandvrio Danang ), Tập đoàn SBH - Tây Ban Nha (thương hiệu Risemount), Marriott (thương hiệu Sheraton, Four Points by Sheraton), Hilton…, từ đó khẳng định chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công suất buồng phòng hằng năm tại các khách sạn nêu trên luôn đạt tỷ lệ cao từ 75%-80%.
Có được kết quả này là do các khách sạn cao cấp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, tạo được sự khác biệt và sức cạnh tranh trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, ngoại ngữ và đặc biệt là các kỹ năng chăm sóc khách hàng, giao tiếp, ứng xử.
Việc quản lý, vận hành khách sạn được ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt và chuyên nghiệp được áp dụng trong tất cả các công đoạn vận hành và kinh doanh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi được quản lý, bảo trì bảo dưỡng nâng cấp thường xuyên, công tác tiếp thị quảng bá được tập đoàn quản lý hỗ trợ nên đã góp phần quan trọng mamg lại hiệu quả kinh doanh cho từng khách sạn.
Bên cạnh những tập đoàn quản lý quốc tế thì Đà Nẵng cũng xuất hiện những nhà đầu tư và công ty quản lý của Việt Nam như tập đoàn Vingroup (thương hiệu Vinpearl), Mường Thanh (thương hiệu Mường Thanh), tập đoàn H&K Hospitality (khách sạn Royal Lotus, Bell Maison)…
Tuy chưa có bề dày kinh nghiệm như các tập đoàn quốc tế nhưng các khách sạn được quản lý bởi các tập đoàn trong nước cũng đạt hiệu quả kinh doanh tốt với công suất buồng phòng khai thác hằng năm từ 65%-70%, năng lực quản lý điều hành khách sạn và chất lượng dịch vụ đạt chuẩn đang dần khẳng định mức độ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đánh giá về chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch hạng sang, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết:
Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển đều đạt được mức độ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ngang bằng và có một số điểm vượt trội như thiết kế độc đáo, cơ sở vật chất đạt đẳng cấp sang trọng so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và thực tế ý kiến du khách đánh giá thông qua hệ thống các trang mạng bán phòng trực tuyến trong nước và quốc tế đã chứng minh điều này.
Nhiều khu nghỉ dưỡng đã đạt được những giải thưởng danh giá và ấn tượng như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất châu Á” trong 4 năm liên tiếp (2014-2017) trong khuôn khổ giải thưởng World Travel Awards danh giá; khu nghỉ dưỡng Naman Retreat - “Khu nghỉ dưỡng retreat hàng đầu châu Á” trong 2 năm liên tiếp (2016-2017); khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng được vinh danh là “Khu nghỉ mát ven biển sang trọng - Luxury Ocean View Resort” và “Địa điểm tổ chức lễ cưới sang trọng - Luxury Wedding Destination” do độc giả trang World Luxury Hotel Awards bình chọn… Do đó, việc đưa vào hoạt động các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu đa dạng của du khách.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, năm 2018, thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 2.300 phòng khách sạn thuộc phân khúc 4 sao và 5 sao gia nhập thị trường. Nếu tính nguồn cung khách sạn từ 3 đến 5 sao thì Đà Nẵng đang có khoảng 101 cơ sở với khoảng 11.800 phòng. Riêng phân khúc khách sạn 5 sao được Savills đánh giá đang hoạt động “tốt kỷ lục” tại Đà Nẵng.
Ngoài lợi thế về trang thiết bị cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ tốt, đa dạng, các khách sạn này còn có năng lực phòng hội nghị-hội thảo rất cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là khi ngành du lịch Đà Nẵng đang định hướng thu hút khách du lịch có chi tiêu cao, khách MICE, hướng đến hình thành Đà Nẵng thành trung tâm du lịch ven biển tầm cỡ quốc tế, đặc biệt là sau khi Đại hội thể thao bãi biển Châu Á ABG5 2016, Cuộc thi Marathon quốc tế, Lễ hội pháo hoa quốc tế và Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức thành công tại Đà Nẵng.
Cần quản lý chặt chẽ
Mặc dù việc tăng trưởng nhanh chóng số lượng cơ sở LT du lịch và số lượng phòng đã góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, nhất là vào các dịp cao điểm lễ hội, tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống cơ sở LT trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, làm nảy sinh những cạnh tranh không lành mạnh như hạ giá phòng, chia sẻ lượng khách và làm lãng phí vốn đầu tư của xã hội...
Theo quy luật cung cầu của thị trường, các khách sạn quy mô nhỏ (dưới 3 sao) nếu không có kế hoạch kinh doanh phù hợp, không điều chỉnh đáp ứng thị hiếu nhu cầu của khách và đặc biệt không quan tâm đến chất lượng dịch vụ thì khách sẽ không chọn lưu trú và có thể kinh doanh thua lỗ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà cho biết, số lượng khách sạn cao cấp trên địa bàn thành phố hiện tạm thời đáp ứng đủ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách, chỉ trừ những dịp cao điểm như pháo hoa, lễ 30-4, Tết…
Nhưng nếu số lượng khách tăng mạnh như thời gian gần đây thì sẽ khó đáp ứng đủ. So sánh với các nước trong khu vực - cụ thể là Thái Lan, thì giá thuê phòng các khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cao hơn nhiều. Do đó, thành phố nên có chính sách mở rộng, kêu gọi các công ty lớn đầu tư vào những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4, 5 sao để giá phòng hợp lý hơn.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, lượng khách lưu trú tại khách sạn 4-5 sao hiện nay rất lớn và tăng dần qua các năm vì nhiều lý do như dịch vụ tốt, giá chấp nhận được và nhất là đời sống ngày càng cao.
Lượng khách của Vitours yêu cầu nghỉ dưỡng 4-5 sao ngày càng nhiều và chiếm đại đa số nguồn khách. Cơ sở lưu trú 4-5 sao chủ yếu tập trung phía biển Đà Nẵng và đang tiếp tục gia tăng, nếu xét hiện tại và đang xây dựng với phương tiện vận chuyển khách đến với Đà Nẵng thì trong tầm 5 năm Đà Nẵng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu khách ở 4-5 sao. Tuy nhiên, thành phố cần có giải pháp để hạn chế tính mùa vụ và ngày trong tuần thì sẽ hiệu quả hơn.
Theo ông Thanh Tùng thì hiện tại khách sạn 3 sao trở xuống rất nhiều và tính hiệu quả giảm dần do giá phòng và quy mô không tương xứng với tỷ suất đầu tư; vì vậy gần đây khách sạn 3 sao mới ra đời có xu hướng giảm. Do đó, Sở Du lịch phải được tham gia thẩm định tư vấn ngay từ đầu khi xin cấp phép xây dựng mới khách sạn.
Đồng thời, để tăng hiệu quả của dòng khách sạn 1-3 sao hiện tại cần có sự tăng cường xúc tiến quảng bá nguồn khách phù hợp cho phân khúc này như khách quốc tế đi bằng đường bộ vào miền Trung từ Lào - Thái Lan - Campuchia và kênh tự đi dạng ba lô. Đối với khách trong nước thì cần tiếp cận thêm các địa phương lân cận Đà Nẵng và gần Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Nhìn nhận thực tế đó, mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất lãnh đạo thành phố nên có giải pháp bằng “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế xây dựng ồ ạt cơ sở lưu trú du lịch và các loại hình lưu trú khác.
Theo đề xuất này, thành phố cần bổ sung các loại hình cơ sở lưu trú du lịch và quy định tiêu chí xây dựng cụ thể đối với từng loại hình cho phù hợp quy hoạch. Trên cơ sở đó, hạn chế những loại hình cơ sở lưu trú không được thành phố khuyến khích phát triển.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã thực hiện các giải pháp tuyên truyền khuyến nghị các chủ đầu tư về thực trạng hoạt động kinh doanh khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt ở các khách sạn có quy mô nhỏ.
Thông qua nhiều hình thức như cung cấp thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đến Hiệp hội Du lịch, Hội Khách sạn, cung cấp số điện thoại tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát tờ rơi tại Tổ một cửa của Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, Sở Du lịch khuyến nghị hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thông tin tham khảo trước khi quyết định đầu tư kinh doanh các loại hình cơ sở lưu trú du lịch.
Đặc biệt, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội lập “Đề án phát triển hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, đề án đang được hoàn thiện lấy ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan trước khi trình lãnh đạo thành phố trong tháng 11-2018.
“Việc lập đề án này nhằm đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của thành phố trong thời gian qua và định hướng phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với từng quận, huyện; đồng thời khuyến nghị hạn chế đầu tư xây dựng một số loại hình cơ sở lưu trú để góp phần phát triển du lịch bền vững đồng thời đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư”, bà Trương Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Phấn đấu đón 9 - 9,5 triệu khách du lịch vào năm 2020 Triển khai Chương trình phát triển du lịch 2016-2020, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tiếp và phân phối khách khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đón 9-9,5 triệu khách du lịch, trong đó 3 - 3,5 triệu khách quốc tế, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%, đạt tổng doanh thu 36.400 tỷ đồng; qua đó tạo việc làm cho trên 85.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Theo Sở Du Lịch thành phố, tính đến hết tháng 9-2018, trên địa bàn thành phố có tất cả 752 cơ sở lưu trú du lịch với 33.826 phòng, tăng 116 cơ sở và 8.070 phòng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 74 khách sạn 4-5 sao và tương đương với 15.218 phòng; có 99 khách sạn 3 sao và tương đương với 6.502 phòng; có 523 khách sạn 1-2 sao và tương đương với 11.283 phòng; 11 căn hộ, biệt thự du lịch cao cấp và đạt chuẩn với 337 phòng; 45 nhà nghỉ du lịch, homestay với 486 phòng. Nguồn: Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng |
Đoàn Hạo Lương
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Thêm 14 đoạn, tuyến đường cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- "Nóng" hội thảo phản biện dự án ven sông Hàn
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- Ngày 2-9: Khởi công dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
- Người mua lại căn hộ tại chung cư An Trung 2 có thể bị mất trắng?
- Vụ án Công ty Quảng Đà lừa bán “đất ma”: “Đệ tử ruột” của siêu lừa Nguyễn Thị Bích Thuận sa lưới
- Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt
- Thủ tướng: Nghiên cứu cấp “sổ đỏ” cho loại hình bất động sản mới
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Chuyển hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
- Đề nghị hồ thủy điện báo cáo kế hoạch tích nước định kỳ 10 ngày liên tục
- Thông tuyến sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng- Hội An trước tháng 9-2020
- Từ 13-5 đến 17-7, tạm dừng hoạt động Cảng Sông Hàn
- Xử lý việc tung tin đồn gây sốt đất ảo
- Chi phí không chính thức đang đè nặng lên doanh nghiệp
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Đề xuất giải pháp thanh toán nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất
- Quy định mới về lệ phí trước bạ nhà đất, ô-tô
- Dự thảo hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng từ 1-7-2019