Ngày Đô thị Việt Nam (8-11-2018) diễn ra trong bối cảnh ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 950/QĐ-TTg về “Phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”.
Đầu tháng 10-2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu cũng đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Nói vậy để thấy tầm quan trọng của quy hoạch phát triển đô thị.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã định vị được tầm vóc đô thị nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống trong quy hoạch. Sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng được đánh giá là một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam.
Từ một đô thị nhỏ bé trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với diện tích khoảng 5.600ha, sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có diện tích gần 20.000ha, tức gấp hơn 3 lần so với đô thị cũ.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự khai thác quá mức đất đai đã làm nảy sinh nhiều bất cập cho đô thị Đà Nẵng. Thiếu đồng bộ trong cấu trúc đã dẫn đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Cách tiếp cận quy hoạch đô thị hóa các vùng phụ cận và nông thôn tại Đà Nẵng kéo dài quá lâu cộng với việc thiếu đầu tư hoàn thiện chất lượng cơ sở hạ tầng dẫn đến quy hoạch theo kiểu lối mòn tạo nên không gian đô thị rời rạc.
Nhận thức những nguy cơ trên, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương và chỉ đạo thực hiện khắc phục hạn chế để phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược, bền vững. Đó là việc cụ thể hóa đề án “Quy hoạch và phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cụ thể, Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh. Trong đó, thành phố kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị, tạo dựng bản sắc riêng; đồng thời, tái cấu trúc khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn…
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng chia sẻ:
“Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị ở Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ. Sự thay đổi nhanh chóng dẫn tới cấu trúc đô thị có khả năng bị biến dạng và vượt quá sức chịu tải. Những khu đô thị mới không bản sắc tương tự giống nhau tràn ngập khắp vùng”.
Để giải bài toán tổng thể này, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, quy hoạch đô thị cần được tổ chức nhằm hoạch định các khu vực để bảo đảm phát triển cân bằng và bền vững. Do vậy, nhu cầu cấp thiết là pháp lý quy hoạch đô thị cần phải xác lập ổn định, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các phương pháp quy hoạch đô thị đương đại tiên tiến trên thế giới, tiếp cận một cách khoa học để định hướng phát triển đô thị.
Vấn đề tìm bản sắc cho đô thị Đà Nẵng là không mới bởi Đà Nẵng có sông, có núi, có biển nhưng quy hoạch đã xem nhẹ yếu tố bản sắc đô thị. Những động thái khắc phục tồn tại trong công tác quy hoạch đã có ngay những kết quả tích cực.
Đà Nẵng đã định hình được quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan đôi bờ sông Hàn; khôi phục và tôn tạo di tích thành Điện Hải tiến tới quy hoạch quảng trường chung quanh thành Điện Hải. Thành phố cũng đã quyết liệt mở lối xuống biển giúp người dân, du khách thuận lợi hơn trong tiếp cận với cảnh quan thiên nhiên ở các bãi biển; đánh thức vệt bãi biển phía đông qua các quận Thanh Khê, Liên Chiểu. Đơn cử, một tác động nhỏ cũng làm nên một bản sắc cho đô thị Đà Nẵng có thể kể chiếc cầu Vàng trên Khu du lịch Bà Nà Hills.
Việc cầu Vàng (Đà Nẵng) xuất hiện trên trang web kiến trúc uy tín toàn cầu Archdaily và nhiều trang báo quốc tế một lần nữa khẳng định sự độc đáo của công trình mới là kết quả của công tác quy hoạch, thiết kế kiến trúc ở Đà Nẵng, tạo nên sản phẩm du lịch mới cho thành phố.
TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- 'Mua' lại Phòng công chứng nhà nước với giá 1,8 tỉ đồng
- Thị trường BĐS tháng 11/2015 khá ổn định, giá cả ít biến động
- Chính phủ yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin bất động sản
- Đà Nẵng hạ giá bán căn hộ chung cư nhà nước
- Cấm thông tin “ảo”, thị trường bất động sản liệu có minh bạch?
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2015
- Thị trường bất động sản: Thẩm thấu tốt, không lo bong bóng
- Khu đô thị FPT Đà Nẵng: 1,6 tỷ đồng sở hữu một căn nhà phố thông minh
- Sẽ lập hệ thống thông tin nhà ở thống nhất trên toàn quốc
- Thay đổi quan điểm trong sở hữu bất động sản
- Kiến nghị kéo dài thời gian “giải cứu” bất động sản
- Thi công công viên tại bãi đỗ xe ngầm đường Hùng Vương
- Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng
- 3 lưu ý khi chọn mua căn hộ cao cấp
- Dấu ấn cá nhân của nhà đầu tư bất động sản
- Cầu chưa xây, đất đã bị “thổi giá lên trời”
- Địa ốc đón TPP: Cơ hội mới, nhu cầu mới
- Ngân hàng ‘kết hôn’ chặt với địa ốc
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh
- Hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người SDĐ, nhà ở