Người dân thành phố đang hết sức kỳ vọng trong thời gian ngắn nữa, một công viên, quảng trường rộng rãi sẽ mọc lên thay thế cho dự án “siêu treo” Viễn Đông Meridian nằm giữa những con đường du lịch. Cạnh đó, công viên biểu tượng APEC cũng sẽ được mở rộng ở vị trí bên phố bên sông, trở thành không gian hưởng thụ giữa lòng thành phố đáng sống.
Dự án “siêu treo” ngay giữa trung tâm thành phố sẽ được quy hoạch thành công viên, vườn dạo phục vụ người dân, du khách.
Cuối tháng 9 vừa qua, UBND TP đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu vườn dạo phía Đông Nhà hát Trưng Vương, P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu. Đây chính là khu đất thuộc dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian do Cty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ Viễn Đông làm chủ đầu tư nhưng trơ gan cùng tuế nguyệt suốt một thời gian dài biến đất vàng thành khu đất hoang phế, ngổn ngang giá hạ, xà bần, cỏ mọc um tùm. Khu đất vàng 11.170m2 bao bọc bởi 3 con đường ngày nào cũng nườm nượp khách du lịch được “treo” suốt 1 thập kỷ sẽ biến thành công viên công cộng với các hạng mục như quảng trường, sân chơi, cây xanh, thảm cỏ, bãi xe ngoài trời. Ông Nguyễn Văn Hoa, chủ một tiệm ảnh trên đường Yên Bái kể, đây đã từng là một địa điểm sinh hoạt cộng đồng của bao thế hệ người dân Đà Nẵng, cũng từng là điểm dừng chân của du khách gần xa. Nhưng rồi bỗng nhiên dự án vây tôn lại treo suốt 10 năm khiến người ta phải đi vòng, một bên là xe cộ, một bên là hàng rào xập xệ vì thời tiết. “Người dân đang rất trông chờ một công viên, vườn dạo để có thêm một địa điểm sinh hoạt công cộng, xứng với tầm vóc của một thành phố du lịch. Chủ trương có muộn, nhưng rất cần thiết”, ông Hoa trò chuyện.
Cùng thời gian này, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Vườn tượng APEC mở rộng, Q. Hải Châu với tổng diện tích là 8.668m2. Với việc thương thảo, hoán đổi cho các chủ đất trong khu vực này, nơi đây sẽ được quy hoạch thành công viên, vườn dạo kết nối với vườn tượng APEC; khu vực sân khấu, sân phun nước, khán đài phục vụ tổ chức các sự kiện văn hóa; khu vui chơi trẻ em, nhà vệ sinh công cộng ngầm, cây xanh thảm cỏ, và bãi xe công cộng. Tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, khi đề cập đến việc thu hồi, hoán đổi đất của chủ đầu tư để xây dựng các công trình công cộng, thiết chế văn hóa, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, đây không phải là điều đơn giản có thể thực hiện trong ngày một ngày hai, vì phải hoàn thành các khâu thủ tục, đàm phán với doanh nghiệp đến, tính toán kinh phí. Tuy nhiên, đây là điều rất cần thiết, phục vụ mong muốn thực tiễn của người dân.
Là một người thẳng thắn, quyết liệt trong công tác tham mưu, “đấu tranh” cho nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao không giấu được sự vui mừng khi thành phố đang dành một sự quan tâm đặc biệt cho nhiệm vụ này. Ông Hùng cho rằng, đây là thời gian mà cán bộ ngành Văn hóa đang cảm thấy được tôn trọng và nhìn nhận đúng vai trò của mình. Trong công tác tham mưu về mặt chuyên môn cũng như trong vai trò là thành ủy viên, ông Hùng mạnh dạn đề xuất thành phố giữ những thiết chế văn hóa còn lại đồng thời ưu tiên bố trí quy hoạch công viên, vườn dạo, khu sinh hoạt cộng đồng đối với các khu đất thu hồi. Trong một thời gian dài, anh em công tác trong lĩnh vực văn hóa rất tâm tư vì những kiến nghị, đề xuất và cả nhiệm vụ thường xuyên của mình thường bị khuất lấp sau ưu tiên phát triển kinh tế và cơn lốc đô thị hóa. Thiết chế văn hóa không những không được đầu tư mà còn bị thu hồi và “đe dọa” thu hồi. Nhưng một vài năm trở lại đây, câu chuyện này đã khác. Tại một số khu đất vàng, thậm chí đã có những tranh luận nảy lửa giữa ngành văn hóa và các cơ quan quan tham mưu, định hướng về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Theo ông Hùng, một số đơn vị khi nhìn thấy những vị trí đắc địa hoặc quỹ đất có thể khai thác đã nghĩ ngay đến việc quy hoạch cho kinh tế như bãi đỗ xe, thậm chí là trường đua chó, đua ngựa. Nhưng với góc nhìn văn hóa, tiên lượng được những sự xung đột, phá vỡ không gian, ảnh hưởng đến các thiết chế, lãnh đạo Sở và các cơ quan giúp việc đã bằng mọi cách kiến nghị với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố với những lập luận có lý. Thậm chí ngành văn hóa đã đề xuất Thành ủy bố trí một buổi làm việc riêng để bảo vệ quan điểm của mình, phân tích lợi hại trước khi đưa ra chủ trương. Lợi thế của những người làm công tác trong lĩnh vực là bảo vệ quan điểm của mình nhưng vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân, không chỉ hôm nay mà cả thế hệ mai sau. Khác với việc bảo vệ các dự án, thường chỉ mục đích kinh tế trước mắt cho một nhóm người nào đó. Và rất vui là những luận điểm này đều được lãnh đạo thành phố cầu thị lắng nghe và thực hiện. Và như thế mới không có bãi đậu xe mọc sát tường thành Điện Hải, không có trường đua chó, đua ngựa ở khu đất sân vận động Hòa Xuân...
“Thành phố đã có những chủ trương quyết liệt, chỉ đạo cụ thể. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo rõ ràng là cái gì giữ được phải giữ, các dự án treo bị thu hồi sẽ ưu tiên đầu tư cho văn hóa. Chủ trương này rất được lòng dân, anh em văn hóa rất vui mừng, dư luận rất đồng tình, người dân rất phấn khởi”, ông Hùng đánh giá.
(còn nữa)
CÔNG KHANH
Đến năm 2020: 100% nhà văn hóa - khu thể thao cơ sở của Đà Nẵng đạt chuẩn UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đề án, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn được nâng cấp, hoàn thiện theo chuẩn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 80% xã, phường có thiết chế trung tâm văn hóa - thể thao, 20% các phường còn lại có nhà văn hóa, được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm cho hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em. Sau 5 năm thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, đến nay, thành phố có 36/56 phường, xã có các hạng mục thiết chế văn hóa - thể thao (19 nhà văn hóa, 8 khu vui chơi giải trí, 8 công viên vườn dạo, 22 khu thể thao), đạt 64,2%; trong đó 13 trung tâm VH-TT phường, xã cơ bản đủ thành phần chính gồm nhà văn hóa và khu thể thao. C.K |
Các bản tin khác
- Thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi)
- Quy định chặt chẽ việc đầu tư bất động sản
- Đại gia Việt đua nhau đổ tiền vào BĐS nghỉ dưỡng
- Dự án Ga đường sắt Đà Nẵng mới: Giãn tiến độ đến sau năm 2020?
- Tổng kết đề án thí điểm kiện toàn văn phòng ĐKQSDĐ một cấp thành phố
- Ba loại giá đất để tính tiền sử dụng đất
- Từ ngày 1-7, đất dưới 30m2 sẽ vẫn được cấp sổ đỏ
- Đề xuất thay đổi thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch
- Còn 30.000 trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu
- 5 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất
- Lại có đợt giảm lãi suất tiết kiệm?
- GIỚI THIỆU NHỮNG NGHỊ ĐỊNH MỚI RẤT QUAN TRỌNG VỀ LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI
- Đất nền giá tốt cho người dân có nhu cầu nhà ở thật sự
- Đà Nẵng hoàn trả tiền sử dụng đất cho người dân
- Bí thư Thành ủy Trần Tho: Dồn sức làm ngay những dự án giao thông quan trọng
- VietABank triển khai đồng loạt các chương trình ưu đãi
- Lãnh đạo thành phố kiểm tra tiến độ các dự án
- Pháp luật kinh doanh địa ốc: Những băn khoăn từ nghị trường
- Căn hộ 1 tỷ đồng làm nóng thị trường
- Trụ sở bộ, ngành sẽ tập trung tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây