ĐNO - Ngày 27-11, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép địa phương được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.
Sân vận động Chi Lăng được bán cho Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. |
Theo công văn số 9227/UBND-STP ngày 27-11, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sân vận động (SVĐ) Chi Lăng - tài sản thi hành án với số tiền hơn 3.900 tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh.
Theo đó, qua rà soát, thành phố Đà Nẵng nhận thấy những vi phạm trong quản lý Nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng… đối với dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng; tuy nhiên do đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa nên không thể thu hồi lại khu đất này để khắc phục các sai phạm đã xảy ra trước đây.
Đồng thời, trong việc thi hành án liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng của thành phố cho thấy quá trình thi hành án có nhiều vướng mắc, sẽ kéo dài gây lãng phí nguồn lực của thành phố, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, người được thi hành án, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, quá trình thi hành án kéo dài với những vướng mắc, bất cập sẽ phát sinh thêm nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Do đó, cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm vụ việc.
Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.
UBND thành phố Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất UBND thành phố thực tế thu nộp ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đều là dạng ngân hàng 100% vốn Nhà nước. Do đó, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND thành phố Đà Nẵng để cho phép thành phố thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các khu đất tại SVĐ Chi Lăng.
TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Khai trương phố điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng trước Tết Dương lịch
- Tồn kho bất động sản đang giảm mạnh
- Nhận diện thủ đoạn quảng cáo nhà đất giá rẻ giăng bẫy khách hàng
- Săn cộng tác viên kinh doanh bất động sản
- Căn hộ diện tích nhỏ: mua dễ, bán nhanh
- Đồng chí Trần Thọ: Tập trung thực hiện tốt 15 vấn đề cụ thể
- Bế mạc kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII: Thông qua 14 nghị quyết
- Tín dụng bất động sản "trỗi dậy"?
- Ngân hàng - bất động sản - người mua nhà: “Chân vạc” và “bình thông nhau”
- Dòng tiền đang đổ vào đâu?
- Tiêu chí mới chọn căn hộ của giới nhà giàu
- 8 thay đổi bước ngoặt của Luật Kinh doanh BĐS
- Cần làm rõ các bất cập trong quản lý đất đai
- Dành quỹ đất thu hút đầu tư
- Họp Ban soạn thảo Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2030
- Tiếp tục tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản
- InterContinental Danang là khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới
- Những lưu ý khi mua nhà đất
- Khai trương trang thông tin điện tử Thành ủy Đà Nẵng
- Hơn 99% hộ gia đình tại Hà Nội đã có sổ đỏ