Đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018 trên địa bàn thành phố vẫn còn chậm do vướng mắc trong giải ngân vốn, chồng chéo về cơ chế, chính sách, đền bù giải tỏa… Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh giải ngân, bố trí vốn, gỡ các nút khó, nhất là đối với những dự án, công trình động lực trên địa bàn.
Dự án, công trình xử lý ô nhiễm, ngập úng theo ý kiến chỉ đạo của HĐND thành phố phần lớn đều chưa được giải ngân vốn. Trong ảnh: Dự án khu vực dự trữ ven sông Cẩm Lệ dù được bố trí vốn 40 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân do chưa giải phóng mặt bằng. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Dự án Trung tâm Huấn luyện-đào tạo vận động viên tại Khu liên hợp Thể dục-Thể thao Hòa Xuân (giai đoạn 1) được đầu tư xây dựng các hạng mục: nhà tập luyện vận động viên và các hạng mục phụ trợ như: sân bóng đá, khối nhà quản lý, khuôn viên...
Đến nay, nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành nhưng vẫn chưa đưa vào khai thác vì các hạng mục công trình phụ trợ chưa xong.
Ông Trần Phước Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng (nhà thầu thi công) cho biết, dù chuẩn bị nhân lực, thiết bị máy móc, vật tư nhưng công trình phải kéo dài do mặt bằng thi công chưa được bàn giao. Tình hình này cũng diễn ra đối với dự án khu dự trữ ven sông phía nam cầu Cẩm Lệ, trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Hòa Cầm.
Một số dự án có quy mô lớn được bố trí vốn năm 2018 nhưng chậm hoàn thành thủ tục hồ sơ nên phải khởi công xây dựng vào cuối năm như: tuyến đường vành đai phía tây số 2, tuyến đường trục 1 khu đô thị tây bắc, đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh, khu ký túc xá sinh viên phía tây thành phố...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai vốn cho các dự án đầu tư năm 2018 thực sự còn bị động dù đó là công trình cấp thiết. Nhiều dự án đã bố trí vốn nhưng cũng chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng như dự án môi trường nước khu vực phía đông quận Sơn Trà đã bố trí vốn 100 tỷ đồng; dự án bãi đỗ xe số 225 đường Phan Châu Trinh bố trí vốn giai đoạn 1 là 15 tỷ đồng hay dự án Bệnh viện Y học cổ truyền bố trí vốn 20 tỷ đồng.
Dự án bãi đỗ xe số 225 Phan Châu Trinh dù đã bố trí vốn 15 tỷ đồng nhưng vẫn chưa triển khai để giải ngân; mặt bằng dự án vẫn còn ngổn ngang. |
Tính đến ngày 31-10-2018, số vốn giải ngân đầu tư xây dựng chỉ đạt 2.246/5.689 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Nguyên nhân được xác định là do vướng mắc khi triển khai dự án theo Luật Đầu tư công. Đồng thời, các khâu chuẩn bị đầu tư cần đáp ứng theo trình tự thời gian nên thường kéo dài từ 6-9 tháng.
Ngoài ra, việc giải tỏa đền bù cũng gặp nhiều khó khăn, giá trị đền bù thực tế vượt giá trị phê duyệt tổng mức đầu tư. Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư, quản lý dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công; nghiệm thu, quyết toán khối lượng nên việc giải ngân vốn đầu tư đã có chuyển biến vào những tháng cuối năm.
Sở cũng chủ động rà soát, điều chuyển vốn nội bộ giữa các dự án; đồng thời thường xuyên cập nhật các vướng mắc, bất cập giữa Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản luật liên quan để báo cáo các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng và phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019. Đây là thời điểm thành phố có chủ trương đầu tư nhiều dự án công trình động lực phát triển thành phố từ nay đến năm 2020.
Công trình trọng điểm mang tính động lực hiện có 66 dự án, trong đó có 39 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố. Ông Trần Phước Sơn cho hay, thành phố đã phê duyệt đầu tư đối với 5 dự án động lực gồm: các cụm công nghiệp Hòa Cầm, Hòa Nhơn; nâng cấp và cải tạo trạm xử lý nước thải Phú Lộc giai đoạn 2... và phê duyệt về chủ trương đầu tư đối với 12 dự án: Trung tâm phẫu thuật, Trung tâm ghép tạng, Trung tâm Tim mạch giai đoạn 2, nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý và nâng công suất dự án bãi rác Khánh Sơn...
Tổng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư xây dựng năm 2019 ước đạt giá trị 7.650 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị đã tham mưu với UBND thành phố xử lý theo thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019. Đó là ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA theo khoản vốn đầu tư dự kiến là 1.228 tỷ đồng; tập trung vốn cho các dự án công trình, nhóm công trình trọng điểm có tính động lực.
Cụ thể, nhóm công trình mới đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật được thanh toán 70-90% trên tổng mức đầu tư đối với công trình có quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng; thanh toán từ 30-65% trên tổng mức đầu tư đối với công trình có quy mô hơn 10 tỷ đồng.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Cuộc đua tiện ích triệu đô của các đại gia bất động sản
- Tập đoàn Novaland bắt đầu “khuấy đảo” thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Giấc mơ sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trong tầm tay người Việt
- Công bố 2 dự án quy hoạch mới
- Đại gia ngoại đổ bộ vào bất động sản Việt Nam
- Đầu tư vào thị trường bất động sản: Cuộc đua của sức bền
- Lý do biệt thự siêu sang ở nội đô sôi động trên thị trường
- M&A bất động sản: Xu hướng thâu tóm ngược
- Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng: Hấp dẫn nhà đầu tư do vượt trội về hạ tầng
- Khu nghỉ dưỡng nào ở Việt Nam được chọn để tổ chức lễ trao giải World Travel Awards 2016?
- Đại gia Việt mua căn biệt thự biển đắt kỷ lục 330 tỷ
- Bất động sản Đà Nẵng hấp dẫn giới đầu tư
- Trở thành thành viên RCI cùng Wyndham Soleil Đà Nẵng
- Nhà giống resort ở Đà Nẵng hút hồn trên báo ngoại
- Thị trường căn hộ khách sạn hút khách
- Đà Nẵng có gần 6.000 căn hộ khách sạn
- FDI vào địa ốc sôi động từ nhiều hướng
- Giá đất tái định cư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn
- Đại gia địa ốc đua xây 'thiên đường' nghỉ dưỡng
- Căn hộ 50m² cho gia đình 3 người "không góc chết" đẹp như phòng khách sạn ở Đà Nẵng