Đó là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa tại buổi kiểm tra thực tế tình hình triển khai đầu tư các lối xuống biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn vào chiều 5-12. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung và lãnh đạo các sở, ngành.
Lãnh đạo thành phố và các sở, ngành thị sát khu vực mở đoạn đầu tiên của tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tại buổi kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, lối đi bộ của công trình lối xuống biển khu vực giữa dự án khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana chỉ rộng 3m là quá hẹp và đa phần tận dụng lại đường đi dạo của khách sạn Furama nên chưa thể hiện được nhiều sự đầu tư của thành phố cũng như sự kỳ vọng của người dân về chủ trương mở lối xuống biển. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa giao các sở, ngành điều chỉnh thiết kế, đầu tư và nghiên cứu bổ sung thêm các dịch vụ bãi tắm để phục vụ người dân, du khách; đồng thời phải phân định rõ ranh giới giữa lối xuống biển và khách sạn để không làm ảnh hưởng đến khách sạn. Tương tự, tại lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng giao điều chỉnh lại thiết kế, đầu tư và nghiên cứu đầu tư bổ sung thêm các dịch vụ bãi tắm, có thể vận dụng theo hướng xã hội hóa.
Đối với lối xuống biển ở phía nam dự án Khu du lịch Future Property Invest, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, mở lối xuống biển chỉ rộng 4m là quá hẹp và không đáp ứng được nhu cầu tiếp cận biển, tắm biển của người dân; vì vậy yêu cầu tạm dừng triển khai lối xuống biển này và giao UBND thành phố nghiên cứu mở rộng lối xuống biển theo hướng làm việc, vận động chủ đầu tư Khu du lịch The Nam Khang nhường một phần đất.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát diện tích giao đất đối với các chủ đầu tư dự án khu du lịch ven biển; giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch, thiết kế tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn với bề rộng từ 3-5m. Bên cạnh đó, các sở, ngành làm việc với các chủ khu du lịch tận dụng nền đường đi dạo dọc biển sẵn có và nghiên cứu hướng xây dựng để tránh phá vỡ cảnh quan cũng như ảnh hưởng đến các khu du lịch. “Phải làm trước tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch nối từ lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương đến lối xuống biển giữa dự án khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana. Tại 2 nút giao giữa đường ven biển và lối xuống biển cũng phải triển khai đầu tư dịch vụ bãi biển để làm điểm nhấn và phục vụ người dân, du khách”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đơn vị được giao làm chủ đầu tư, quản lý dự án xây dựng 5 lối xuống biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn), đến nay, công trình lối xuống biển khu vực giữa dự án khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana đã hoàn thành thi công. Lối xuống biển này dài 330m, rộng 39m, trong đó, lối đi bộ rộng 3m được tận dụng từ phần lối đi lát đá cubic sẵn có của khách sạn Furama, bổ sung lát đá cubic đoạn nối với đường Võ Nguyên Giáp và đoạn dẫn ra bãi biển. Đơn vị cũng cải tạo vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp làm vịnh đậu ô-tô con và lát lại vỉa hè bằng đá sa thạch, trồng thêm cây xanh và cỏ, đầu tư mới hệ thống cấp nước tưới cây, hệ thống điện chiếu sáng trang trí dọc lối đi bộ, lắp đặt biển báo chỉ dẫn “lối đi bộ” trên đường Võ Nguyên Giáp…
Công trình lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương có chiều dài 445m, rộng 15m, trong đó, lối đi bộ rộng 5,7m được tận dụng phần mặt đường từ đường Võ Nguyên Giáp đi vào bổ sung lát đá cubic đoạn cuối và xây bậc cấp dẫn ra bãi biển; trồng thêm cây xanh và cỏ, đầu tư mới hệ thống cấp nước tưới cây, hệ thống điện chiếu sáng trang trí dọc lối đi bộ, lắp đặt biển báo chỉ dẫn “lối đi bộ” trên đường Võ Nguyên Giáp. Hiện nay, đơn vị thi công đang xây dựng phần nền móng tiếp giáp với bãi biển, dự kiến hoàn thành công trình ngày 31-12-2018. 3 lối xuống biển còn lại chưa thi công.
NAM TRÂN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng