* Bộ Chính trị thống nhất ban hành nghị quyết mới về phát triển Đà Nẵng
ĐNO - Ngày 13-12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) (gọi tắt là Nghị quyết 33) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ban hành ngày 16-10-2003.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Q.KHẢI |
Đà Nẵng tiên phong trong cải cách và năng động phát triển
Tại buổi làm việc, trình bày tờ trình Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị (khóa IX), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, thành phố Đà Nẵng đã kịp thời quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 33 và sau đó là Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 thông qua hơn 40 văn bản bao gồm nghị quyết, chương trình hành động, quyết định, kế hoạch.
Sau 15 năm, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, được xem là thành phố đáng sống, là hình ảnh một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.
Cụ thể, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh cả về quy mô và tốc độ. Giai đoạn 2003-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt 10%/năm; so với năm 2003 giá trị GRDP năm 2018 tăng gấp 4,2 lần, ước đạt 63.960 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người tăng gần gấp 7 lần, ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD).
Trong 15 năm qua, thành phố luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức thu ngân sách do Nhà nước giao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 188.740 tỷ đồng, tăng 14,4%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”; trong đó ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 46,7% năm 2003 lên 57,9% năm 2018.
Từng ngành và lĩnh vực kinh tế của thành phố đều phát triển tương đối nhanh, đa dạng, hướng tới chất lượng và hiệu quả.
Cùng với đó, thành phố đã tập trung thu hút được nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển dựa trên việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách với nhiều cách làm mới, sáng tạo như chủ trương “Tạo vốn từ khai thác quỹ đất”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.600 tỷ đồng/2 đợt), cùng với tranh thủ ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu (giai đoạn 2003-2018 gần 10.000 tỷ đồng), vốn vay nước ngoài ODA...
Nhiều năm liền, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai gắn với chương trình “Thành phố 5 không”, “3 có”, Chương “Thành phố 4 an”; nhất là Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước.
Chính trị-xã hội được duy trì ổn định; quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị đang từng bước được sắp xếp lại; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên.
Đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển Đà Nẵng bền vững
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Q.KHẢI |
Những thành tựu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 là rất rõ nét, tuy nhiên, thành phố cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, yếu kém như: vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, còn khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế hiện nay.
Kinh tế tăng trưởng khá cao nhưng năng suất lao động tăng chưa tương xứng; quy mô nền kinh tế còn nhỏ với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút.
Ngoài ra, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất; xuất hiện tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ cho phát triển; việc xây dựng đô thị cảng biển theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc, mang tầm vóc quốc tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
Để tiếp tục xây dựng Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành các cơ chế ưu đãi vượt trội mới cho thành phố để có thêm nguồn lực đầu tư nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thành phố như: triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị đối với Đà Nẵng theo hướng những việc thành phố đảm nhiệm được thì giao cho thành phố, gắn trách nhiệm của thành phố với việc phân quyền.
Bên cạnh đó, trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, đề nghị Trung ương cho phép Đà Nẵng được chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch tùy theo tình hình thực tế phát triển; đồng thời cho phép thí điểm xây dựng mô hình chính quyền cảng tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Lãnh đạo thành phố đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục nghiên cứu việc ủy quyền cho Đà Nẵng được ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài về đầu tư phát triển Đà Nẵng; nhất là ủy quyền cho thành phố được thí điểm về chính sách và cơ chế đặc biệt ưu đãi và có sức cạnh tranh với các đô thị sáng tạo khác trên thế giới trong việc thu hút các doanh nghiệp và chuyên gia, lao động trong lĩnh vực công nghệ cao hoạt động trong “khu đô thị sáng tạo” gắn với Khu công nghệ cao, tập trung vào các nhóm như: chính sách ưu đãi về đất đai; thuế và nhà ở; cơ chế quản lý hành chính Nhà nước, dịch vụ hành chính công thuận lợi; chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp quy mô lớn.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Trung ương ban hành cơ chế áp dụng ổn định và hợp lý tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2030; đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Ban quản lý khai thác cụm biển Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa cảm ơn các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chủ động phối hợp, giúp Đà Nẵng ban hành nhiều văn bản làm cơ sở để thành phố triển khai các nhiệm vụ mà Nghị quyết 33 đã nêu; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để chỉ đạo, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố theo tinh thần Nghị quyết 33 và Kết luận 75, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa mong muốn Trung ương tiếp tục ban hành nghị quyết mới cho thành phố và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng để thành phố phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, cũng như sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung toàn lực để nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, tập trung phát triển vào 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
“Cùng với đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Phát huy cao độ truyền thống yêu nước cách mạng, sự đồng thuận xã hội, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường của người Đà Nẵng để phát triển thành phố hơn nữa”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Phát triển Đà Nẵng nhanh, mạnh, vươn xa hơn nữa
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các Ủy viên Bộ Chính trị và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chụp ảnh chung. Ảnh: Q.KHẢI |
Tại buổi làm việc, các Ủy viên Bộ Chính trị và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương nêu lên những ý kiến đóng góp về định hướng phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với những quan điểm nêu trong báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 và kiến nghị Trung ương cần tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho thành phố Đà Nẵng; đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng giống như thành phố Hồ Chí Minh để tạo đột phá, phát triển bền vững hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, điểm sáng lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả lĩnh vực; nhất là môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đô thị Đà Nẵng mang tầm vóc quốc tế với cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại hóa.
Về định hướng phát triển giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao, từng bước trở thành trung tâm hội nghị quốc tế của cả nước và của cả khu vực.
Song song với đó, việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp của Đà Nẵng phải gắn với công nghệ cao; phải hình thành các trung tâm mua sắm chất lượng cao và chú trọng thúc đẩy dịch vụ logistics phục vụ cho kinh tế biển...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 15 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, sự phối hợp tích cực của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, đạt được những thành tựu to lớn, tạo sự chuyển biến và phát triển toàn diện trên góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Đà Nẵng đã phát triển nhanh, mạnh và đúng hướng; bộ mặt thành phố ngày càng được chỉnh trang, đẹp đẽ hơn; đời sống người dân thành phố ngày càng được nâng cao. Các chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người có nhiều tiến bộ.
Đà Nẵng là thành phố điển hình cho sự năng động, sáng tạo, phát huy tốt các nguồn lực tại chỗ cũng như tận dụng tốt sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương trong suốt quá trình phát triển; nhất là thành phố đã phát triển tương đối hài hòa giữa kinh tế và quản lý đô thị với văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh, không để xảy ra vụ việc phức tạp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt hạn chế của Đà Nẵng trong quá trình phát triển. Tuy có vị thế địa chính trị, điều kiện tự nhiên quan trọng và thuận lợi nhưng thành phố vẫn chưa vươn lên xứng tầm với lợi thế, tiềm năng sẵn có; chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân cả nước nói chung, người dân thành phố nói riêng.
Bên cạnh đó, thành phố vẫn chưa thể hiện rõ vai trò trung tâm, động lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; việc quy hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn vẫn còn chưa cụ thể. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm; công tác quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều vấn đề phát sinh, nổi cộm.
Cơ bản tán thành với mục tiêu, phương hướng xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và những đề xuất, kiến nghị của thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị thành phố cần phát huy, khơi dậy truyền thống văn hóa lịch sử, trung dũng, kiên cường của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng để phát triển vững vàng hơn nữa, phát triển cao hơn nữa theo hướng chú trọng chất lượng, để từng bước đưa Đà Nẵng không chỉ là một thành phố đáng sống mà còn là một thành phố phát triển mạnh mẽ trong cả nước và của cả Đông Nam Á.
“Bộ Chính trị thống nhất đồng ý sẽ ban hành một nghị quyết mới cho Đà Nẵng để phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị thành phố cần tập trung tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể; tập trung phát triển các ngành mũi nhọn mà Đà Nẵng có thế mạnh; phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên; chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung phát triển kinh tế biển và giữ vững an ninh biển, đảo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thành phố cần tập trung chăm lo, quan tâm công tác xây dựng Đảng; khắc phục hậu quả sai phạm trong công tác cán bộ thời gian gần đây. Cùng với đó, thành phố cần chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 với quyết tâm mới, khí thế mới để từng bước tạo dấu ấn, nêu cao tinh thần phấn chấn, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố để chung sức, đồng lòng vì một Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để Đà Nẵng phát triển trên nhiều lĩnh vực thời gian tới, xứng đáng với sự mong mỏi của nhân dân cả nước nói chung và người dân Đà Nẵng nói riêng.
QUỐC KHẢI
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Bất động sản TP.HCM mắc kẹt chính sách
- Không đồng ý cho thi hành án hợp đồng công chứng
- Tạo điều kiện cho Việt kiều mua nhà ở trong nước
- Giảm thời hạn xác nhận tình trạng hôn nhân
- Nhà ngoại ô giá rẻ hút khách
- Bỏ quy định ghi tên cha mẹ trên CMND
- Tín hiệu vui…
- Các chiêu “phù phép” giấy tờ nhà đất
- Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 9/9 đến 14/9
- TỪ THỰC TRẠNG NHÀ KHÔNG PHÉP Cần phải tạo quỹ đất giá rẻ
- Giá khởi điểm đấu giá 36 lô đất mặt tiền đường Hoàng Sa: 13,5 triệu đồng/m2
- Mạnh dạn xóa đồ án quy hoạch kém khả thi
- Thận trọng với 'chiêu' bất động sản lách luật
- Doanh nghiệp cố tình tính nhầm thuế VAT cho người mua nhà
- Cho vay mua nhà đang ấm lên
- 8.500 căn hộ bán theo chương trình nhà ở xã hội
- Sửa luật cho bất động sản
- Việt kiều được mua nhà ở tại các khu dân cư
- Địa ốc: rối vì luật!
- FDI vào BĐS tăng: Thực hay ảo?