Đầu tháng 12 vừa qua, Chính phủ có văn bản đồng ý cho Đà Nẵng thuê đơn vị tư vấn nước ngoài (Singapore) tham gia nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trên cơ sở đó, thành phố đã triển khai một số công việc cụ thể để hiện thực hóa việc quy hoạch, phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, đặt nền móng vững chắc cho phát triển đô thị.
KTS Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội KTS thành phố đã có cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng về vấn đề này.
Vệt đô thị phía đông thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Cẩm Kim |
* Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch chung đô thị Đà Nẵng trong những năm qua?
- Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013. Qua 5 năm thực hiện, thành phố đã triển khai nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, lập nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị ở các mức độ khác nhau, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Không gian đô thị được mở rộng về phía đông nam và tây bắc theo định hướng chung. Hệ thống giao thông chính trong đô thị được đầu tư nhanh chóng, các tuyến đường vành đai đang dần hoàn thiện. Hệ thống thoát nước cũng như các trạm xử lý nước thải đô thị được đầu tư kịp thời, đã giải quyết nhiều vấn đề tồn tại lâu nay của đô thị. Căn cứ quy hoạch chung được duyệt, thành phố đã phát triển thêm nhiều dự án với quy mô lớn.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cũng đã nảy sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt trước đây, với các điểm cơ bản như quan điểm phát triển đô thị có sự thay đổi, theo hướng đề cao việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhu cầu tiếp cận các mô hình liên kết vùng đô thị để nâng cao cạnh tranh, đô thị có mật độ cao gắn kết giao thông công cộng, đô thị xanh, đô thị nông nghiệp, đô thị sân bay, đô thị đại học..., tương ứng cho từng khu vực đô thị.
* Theo ông, những vấn đề gì cần quan tâm khắc phục trong quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch cho Đà Nẵng trong giai đoạn mới?
- Trong bối cảnh Đà Nẵng hạn chế về quỹ đất tự nhiên, nhưng thời gian qua đô thị lại phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở, do vậy, cần có chiến lược phát triển không gian đô thị tốt hơn nữa để bảo đảm sử dụng đất hiệu quả.
Thành phố cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không bảo đảm điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có các giải pháp tái thiết hữu hiệu, vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng; đồng thời xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo, trong đó có đặt vấn đề tìm kiếm ý tưởng phát triển các khu vực đô thị lân cận. Các vấn đề đặt ra cần nghiên cứu một cách thận trọng và khoa học.
Sự phát triển quá nhanh về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có nhiều thay đổi. Các khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt… nay bị bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới.
Yêu cầu đặt ra là Đà Nẵng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại và điều chỉnh cấu trúc, đồng thời điều chỉnh các chỉ tiêu đô thị cơ bản liên quan đến quy mô dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm đáp ứng nhu cầu của cư dân thành phố.
Quá trình đô thị hóa khu vực ven đô chưa phù hợp với quy luật chuyển đổi cấu trúc từ mô hình nông thôn sang mô hình đô thị mới dẫn đến những bất cập về không gian sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như những kết cấu xã hội truyền thống. Quá trình đô thị hóa cũng làm suy giảm bản sắc tự nhiên các khu vực nông thôn.
Ngành du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, xuất hiện nhiều loại hình lưu trú mới dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng tại một số khu vực không đáp ứng kịp nhu cầu thực tế. Các khu vực nhạy cảm của đô thị, đặc biệt là bán đảo Sơn Trà, cần tìm kiếm quan điểm, giải pháp bảo tồn sinh thái, đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững.
Khi quy mô dân số và du khách ngày càng đông, phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện vận tải du lịch phát triển dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm tại một số thời điểm, xuất hiện nhu cầu đầu tư các nút giao thông khác mức, phát triển giao thông công cộng để đáp ứng. Vấn đề này cần được chủ động nghiên cứu, kể cả phương án giao thông ngầm gắn với không gian ngầm ở trung tâm đô thị.
Nhu cầu phát triển đa dạng không gian công cộng, không gian mở vừa nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng vừa tạo dựng thương hiệu hay bản sắc cho đô thị là đòi hỏi cấp thiết. Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nghiên cứu quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, quy hoạch quảng trường trung tâm, thiết kế đô thị khu vực xung quanh thành Điện Hải.
Tuy nhiên, cần có quan điểm, tầm nhìn tổng thể hơn cho toàn đô thị thay vì phân mảnh, phân khu vực để xem xét như là các giải pháp tình thế.
Về nhu cầu cấp thiết xây dựng thành phố thông minh khi mà Đà Nẵng là một trong 3 địa phương cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được nghiên cứu triển khai thí điểm ở Việt Nam. Hiện nay, Đà Nẵng đã có những tiền đề về hạ tầng thông tin và công nghệ quản lý bảo đảm đáp ứng tiến độ.
Trước những yêu cầu của thực tế đặt ra, theo đề nghị của UBND thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tại Công văn số 680/TTg-CN ngày 17-5-2017; đồng thời đầu tháng 12-2018, Chính phủ đã đồng ý cho Đà Nẵng thuê đơn vị tư vấn nước ngoài (Singapore) tham gia nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
* Các bước thực hiện cơ bản và công tác chuẩn bị mà Sở Xây dựng và tư vấn đã triển khai để điều chỉnh quy hoạch chung?
- Thứ nhất là xin chủ trương và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tại Công văn số 680/TTg-CN ngày 17-5-2017. Hai là, lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung. Về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung, UBND thành phố đã có Tờ trình số 6749/TTr-UBND ngày 28-8-2018 gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 6-12-2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chủ trì hội nghị thẩm định; hiện nay thành phố đang giải trình, bổ sung hồ sơ.
Ba là đã lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án. Hiện thành phố đã ký kết hợp đồng tư vấn chính thức, thời gian tư vấn thực hiện lập đồ án đã đăng ký là 42 tuần. Sở Xây dựng đã chuyển đơn vị tư vấn các tài liệu chuyên môn để nghiên cứu, tiếp cận, đồng thời tiến hành khảo sát thực tế đô thị Đà Nẵng đề có những nhận định ban đầu phục vụ công tác nghiên cứu đồ án.
Trong quá trình nghiên cứu lập đồ án, đơn vị tư vấn sẽ lấy ý kiến các sở, ngành, các đơn vị của địa phương để xây dựng phương án. Các ý tưởng đề xuất sẽ được đưa ra hội thảo lấy ý kiến các tổ chức phản biện xã hội, cộng đồng dân cư và các chuyên gia để nhìn nhận một cách khoa học, đa chiều trước khi UBND thành phố xem xét lựa chọn. UBND thành phố sẽ trình đồ án để Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
* Các yêu cầu về nội dung nghiên cứu quy hoạch đối với tư vấn là gì, thưa ông?
- Trước tiên là nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước thông qua thực trạng phát triển đô thị đến nay. Nhiệm vụ tư vấn quy hoạch là đề ra mục tiêu, tầm nhìn, xác định tính chất đô thị; căn cứ các định hướng của Trung ương, các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, kế thừa và phát triển các kết quả quy hoạch kỳ trước để đề xuất mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế thừa và đề xuất, xác định tính chất đô thị.
Quan điểm, nội dung điều chỉnh quy hoạch nhất quán đó là đề xuất phát triển không gian, cấu trúc, mô hình đô thị, lựa chọn đất phát triển đô thị. Trong đó lưu ý xác định các vùng cảnh quan, các trung tâm, điểm nhấn đô thị; đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho từng khu vực (như dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ...); xem xét tái phát triển, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở cho khu đô thị hiện hữu bảo đảm thông thoáng, hiện đại; xem xét có lộ trình phát triển và mở rộng đô thị; định hướng phát triển không gian ngầm khu vực trung tâm thành phố bảo đảm đồng bộ, hiệu quả là bền vững...
* Vấn đề trọng tâm của hạ tầng kỹ thuật đô thị trong lần đề xuất điều chỉnh quy hoạch lần này để cho Đà Nẵng phát triển bền vững?
- Quy hoạch hạ tầng đô thị nói chung, hạ tầng kỹ thuật đô thị nói riêng là một trong những nội dung vô cùng quan trọng, gắn bó mật thiết, biện chứng với mô hình phát triển, cấu trúc, không gian đô thị. Quy hoạch chung lần này sẽ tập trung các vấn đề cơ bản về hạ tầng kỹ thuật như về giao thông thì đặt vấn đề phát triển sân bay Đà Nẵng trong mối tương quan trong tổng thể phát triển đô thị khi công suất sân bay liên tục quá tải so với dự báo; vấn đề nhà ga và đường sắt đi xuyên tâm đô thị, qua các khu dân cư và giao cắt đồng mức; vấn đề quá tải cảng Tiên Sa và vấn đề tuyến vận tải xuyên tâm đô thị qua đường Ngô Quyền...; vấn đề giao thông công cộng để giải quyết bài toán giao thông cá nhân liên tục tăng cao... Các yêu cầu được đặt ra cho các nhà khoa học để trả lời thấu đáo cho lãnh đạo thành phố.
Về thoát nước thì tập trung giải quyết các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vấn đề ngập lụt và sụt lún đô thị; vấn đề dự trữ vùng đệm thoát lũ dọc các tuyến sông, các vùng trũng thấp thay cho phương án nâng nền phát triển đô thị, xác lập các hồ điều hòa để tích nước... Vấn đề thoát nước đô thị cũng tính toán có phương án, lộ trình tách nước thải và nước mưa...
Việc chủ động phân bổ các nguồn lực đầu tư để hiện thực hóa những ý tưởng tốt trên bản vẽ đi vào thực tiễn là vấn đề mang tính quyết định. Điều chỉnh quy hoạch chung lần này, tôi mong muốn tư vấn quốc tế đề xuất được một kịch bản phát triển đô thị tối ưu, chuyển tải được nhiều ý tưởng mới, khả thi để Đà Nẵng sớm trở thành một trong những thành phố hiện đại, bản sắc và đáng sống.
* Cảm ơn ông
TRIỆU TÙNG thực hiện
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay