Ngày 8-1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã làm việc với các đơn vị liên quan xung quanh việc chậm tiến độ hoàn thành gần 2 năm tuyến đường vành đai phía Nam đoạn Hòa Phước - Hòa Khương. Lãnh đạo thành phố chỉ thị, ngày 19-5-2019, tuyến đường trọng yếu này phải hoàn thành đưa vào khai thác.
Vì sao chậm tiến độ?
Đường vành đai phía Nam Đà Nẵng đoạn Hòa Phước - Hòa Khương dài gần 7km, tổng vốn gần 500 tỷ đồng, triển khai thi công từ tháng 9-2015, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng, tuy vậy đến nay dự án vẫn dang dở. Giải thích nguyên nhân chậm trễ hoàn thành, ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc BQL các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP cho biết do vướng mắc trong giải tỏa đền bù và thay đổi quy hoạch. Ông Vỹ nói, lúc đầu dự án chỉ giải tỏa đền bù phần diện tích làm đường, sau đó thấy chi phí, hiệu quả chưa phù hợp nên điều chỉnh giải phóng mặt bằng khai thác thêm quỹ đất vệt 2 bên tuyến đường. Quá trình điều chỉnh này kéo theo các thủ tục, công tác giải tỏa, bố trí tái định cư phức tạp làm tiến độ công trình cũng chậm trễ so với kế hoạch. Hiện tuyến đường hoàn thành khối lượng trên 84%, tương ứng khoảng 405/482 tỷ đồng.
Khó khăn lớn nhất với dự án hiện nay không phải điều kiện thi công hay nguồn vốn mà là các điểm nghẽn còn lại trong khâu giải phóng mặt bằng. Trên toàn tuyến còn 86/1.121 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó tập trung vào 3 điểm nghẽn với tổng chiều dài khoảng 1,4km. Cụ thể khu vực đầu tuyến nối QL1A tại xã Hòa Phước hiện còn vướng 42 hồ sơ, khu vực giao với đường sắt, đường tỉnh lộ tại Lệ Trạch xã Hòa Tiến 42 hồ sơ và khu vực cầu Sông Yên. Sở dĩ vướng mặt bằng tại các điểm này do một số hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù giải tỏa, số khác thì chưa có đất tái định cư (TĐC) bố trí nên các hộ dân chưa thể di dời. Ông Vỹ cho biết, tất cả các điểm nghẽn về mặt bằng đều có phương án chi tiết để giải phóng trước ngày 3-3-2019. Khi có mặt bằng, đơn vị thi công sẽ triển khai ngay, đảm bảo tiến độ hoàn thành trước 19-5-2019 để có thể khánh thành, đưa tuyến đường vào khai thác.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, tuy số hồ sơ giải tỏa còn lại không lớn so với tổng hồ sơ giải tỏa trên toàn tuyến, nhưng chủ yếu lại là các hồ sơ nằm ở mặt tiền trục đường lớn, có những khó khăn nhất định trong bố trí TĐC, nên không thể chủ quan. Ông Dũng đề nghị trong dịp Tết Nguyên đán này cần tranh thủ quan tâm, động viên người dân sớm bàn giao mặt bằng, có thể qua Tết triển khai ngay, không nhất thiết cứ phải chờ tới mốc ngày 3-3-2019. Ngoài ra, việc xây các khu TĐC để bố trí đất cho người dân giải tỏa cũng phải làm nhanh, không để vì lý do này ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng. Ông Dũng lưu ý các khu TĐC phải được xây dựng ở vị trí thuận lợi, có sự kết nối, thay vì nhiều khu TĐC lẻ tẻ, thiếu khớp nối, đồng bộ như tại Hòa Vang hiện nay.
Cần minh bạch trong phương án TĐC
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết, đường vành đai phía Nam giai đoạn 1 nối từ QL 1A tại Hòa Phước tới đường ven biển Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành, riêng giai đoạn 2 từ QL 1A tại Hòa Phước tới QL 14B tại Hòa Khương hiện chậm tiến độ gần 2 năm. Việc chậm trễ này chủ yếu do nguyên nhân chủ quan như điều chỉnh quy hoạch, vướng giải phóng mặt bằng và tái định cư, sự chỉ đạo của TP chưa quyết liệt. Theo ông Trung, đây là tuyến đường trọng yếu, khi hoàn thành sẽ kết nối với đường vành đai phía Tây tới Khu CNC, như vậy TP sẽ có tuyến đường vành đai hoàn thiện nối từ núi xuống biển, có ý nghĩa vô cùng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của TP, đặc biệt là H. Hòa Vang. Từ đó, ông Trung đề nghị Hòa Vang cần có giải pháp quyết liệt trong giải phóng mặt bằng để thi công, sớm đưa tuyến đường vào khai thác. Riêng quỹ đất giải tỏa 2 bên vệt đường không sử dụng phân lô bán nền mà dành dự phòng cho tư vấn Singapore quy hoạch.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói, việc chậm tiến độ dự án gần 2 năm đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, xã hội, thậm chí nhiều khi cứ tiền ngân sách là không bao giờ tính làm chậm sẽ thiệt hại thế nào. Đây là một bài học, cần rà soát lại về cách thức triển khai dự án, năng lực của BQL dự án, trách nhiệm của các địa phương. Ông Nghĩa chỉ đạo, đây là đường đô thị, trong thiết kế chưa có vỉa hè, cây xanh vì thế cần xem xét nguồn vốn dự phòng để làm vỉa hè, trồng cây xanh (nên chọn 1 loại cây xanh để trồng). Vừa qua, bên quân đội có nguyện vọng chọn một tuyến đường ở Đà Nẵng đặt tên đồng chí Nguyễn Chơn, do đó ông Nghĩa đề nghị nghiên cứu tên gọi cho tuyến đường này phù hợp.
Ông Nghĩa cũng đánh giá, tuyến đường này kết nối phía Đông và Tây TP, hết sức quan trọng, nếu hoàn thiện thì các khu vực của Hòa Vang đều tiếp cận giao thông đô thị thuận lợi. Do đó cần khẩn trương giải phóng mặt bằng và quản lý quỹ đất 2 bên đường tích hợp với quy hoạch của tư vấn Singapore. Quan điểm của lãnh đạo TP trục này không khai thác mô hình nhà lô mặt tiền mà dành vệt quỹ đất 2 bên dự phòng công cộng như cây xanh, công viên, trường học, bệnh viện hoặc các trung tâm giới thiệu, giao dịch sản phẩm nông sản của nông dân Hòa Vang. Ông Nghĩa nói, trong vướng mắc về mặt bằng, cái khó nhất là chọn vị trí TĐC cho dân thì người dân đã đồng tình. Vấn đề còn lại phải khẩn trương hoàn chỉnh thiết kế, làm đúng thiết kế tổng thể mặt bằng và hạ tầng. Tổng thể mặt bằng phải được công khai với tất cả người dân trong diện giải tỏa đồng thời cho người dân đăng ký, chọn lựa vị trí, nếu có 2 người dân cùng chọn 1 vị trí sẽ bốc thăm.
“Phải minh bạch trong phương án TĐC theo hướng từng vị trí phải xác định con số tuyệt đối về giá trị để người dân có thể lựa chọn. Những người không cần mặt tiền kinh doanh chọn bên trong phải rẻ hơn bên ngoài, chứ không phải mấy ông giải tỏa đền bù cho ở đâu, ban phát thế nào, cho mấy lô, to hay bé, mặt đường lớn hay nhỏ, tất cả phải quy ra vị trí cụ thể. Chúng ta đã làm rồi nhưng chưa phản ánh đúng. Với TP, Bí thư hay Chủ tịch cũng không phải là người có quyền quyết định chuyện lô đất ở đâu, bao nhiêu lô đất, không thuộc thẩm quyền của một cá nhân nào. Tóm lại phải minh bạch”- ông Nghĩa nhấn mạnh. Ngoài ra ông Nghĩa cũng đề nghị các sở ngành của TP hỗ trợ Hòa Vang về nguồn kinh phí để người dân nếu có nhu cầu thuê nhà, tạo điều kiện sớm bàn giao mặt bằng triển khai dự án.
Với những động thái quyết liệt, nhiều khả năng đường vành đai phía Nam đoạn Hòa Phước- Hòa Khương sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 19-5-2019 như cam kết.
HẢI QUỲNH
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay