Với sự phát triển mạnh của du lịch thành phố, lượng khách đến các bãi biển trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành cũng tăng trưởng trong thời gian qua.
Trước yêu cầu cần quan tâm, phát triển lợi thế của cung đường biển này, đề án “Quản lý và khai thác du lịch tại bãi biển Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020” của ngành du lịch đã và đang được triển khai. Đây chính là cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng bãi biển nhằm thu hút khách trong dịp hè năm 2019.
Bãi biển Nguyễn Tất Thành đẹp nhưng các tiện ích còn khá nghèo nàn, chưa thu hút khách. |
Anh Phạm Thanh Bình (trú quận Hải Châu) nhìn nhận, bãi biển Nguyễn Tất Thành nằm trong vịnh Đà Nẵng rất đẹp, bãi tắm hình vòng cung độc đáo. Từ các bãi tắm này có thể nhìn thấy núi Hải Vân, bán đảo Sơn Trà… nhưng tiếc là khu vực này chưa được quan tâm đầu tư nên hạ tầng còn nhếch nhác. Bãi biển còn có một số cống xả thải trông mất mỹ quan nên chưa thu hút khách du lịch và ngay cả người dân địa phương.
Theo thống kê của Sở Du lịch, dự báo lượng khách tại các bãi biển trên tuyến Nguyễn Tất Thành sẽ tăng trung bình khoảng 15 - 20%/năm do xu thế di dân từ nông thôn đến thành thị, lượng công nhân, sinh viên từ các khu công nghiệp và sự phát triển của các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, khu đô thị mới…
Từ đầu năm 2018, đề án quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020 được triển khai. Có 7 công trình xây dựng cơ bản được phân kỳ triển khai gồm: đầu tư điện chiếu sáng trang trí vỉa hè; cải tạo kè bậc cấp lên xuống biển; hệ thống cấp nước; hệ thống cấp điện hạ thế và chiếu sáng cho các cụm dịch vụ; lối lên xuống biển dành cho xe cơ giới; nhà vệ sinh công cộng, đầu tư bổ sung cây xanh.
Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch đã kêu gọi lắp đặt 34 ghế đá tại khu vực vỉa hè và triển khai đặt hàng 4 sân bóng đá, 12 sân bóng chuyền, 4 bộ xà đơn, 4 bộ xà kép; kêu gọi được 6 tổ chức, cá nhân tham gia khai thác dịch vụ tại tuyến biển Nguyễn Tất Thành; kêu gọi xã hội hóa lắp đặt dù màu tại các tổ kinh doanh dịch vụ và phao màu tại các điểm cho thuê phao…
Ngoài ra, còn có 2 đơn vị tham gia khai thác cụm dịch vụ tổng hợp là Công ty TNHH TMDV Đào tạo đầu tư Green Hope và Công ty CP Thương mại - Du lịch Ecosea. Hiện các đơn vị này đang hoàn chỉnh phương án để báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định…
Ông Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) cho biết, cùng với cơ sở hạ tầng, công tác cứu hộ tại bãi biển này được chú trọng. Ban quản lý đã trang bị 2 thúng composite, 15 bảng báo vùng xoáy, khu vực nguy hiểm bố trí tại 5 trạm cứu hộ; 4 hệ thống phao giới hạn (hệ thống dây phao dài…); đồng thời, triển khai lắp đặt bảng lịch trực cứu hộ tại các trạm cứu hộ để người dân và du khách được biết và bố trí 33 nhân viên trực cứu hộ tại khu vực bãi biển. Nhờ đó, công tác cứu hộ đã ngày càng bảo đảm, tạo sự yên tâm cho người dân và du khách khi tham gia tắm biển tại các bãi tắm công cộng do ban quản lý đảm trách.
Tuy nhiên, ông Phan Minh Hải cho rằng, việc phát triển du lịch dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành dù đã có sự quan tâm, đầu tư ban đầu, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiện ích công cộng gồm điện, nước, vỉa hè, bậc cấp lên xuống biển… chưa được hoàn thiện; bờ biển ngắn không có quỹ đất phát triển dịch vụ; sản phẩm du lịch thiếu sự đầu tư, còn đơn điệu nghèo nàn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; cống thoát nước ra biển gây mùi hôi.
Do bãi biển nằm trong khu vực là vịnh nên nước từ các sông đổ ra biển gây ô nhiễm dẫn đến hạn chế trong việc kêu gọi đầu tư. Thời tiết mùa mưa bão khắc nghiệt cũng gây tâm lý không tích cực cho các nhà đầu tư; còn tình trạng người dân tập trung thuyền thúng, buôn bán hải sản không đúng vị trí quy định gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị, mỹ quan du lịch.
Do đó, để tạo được sự đột phá hấp dẫn cho bãi biển Nguyễn Tất Thành, ngành du lịch thành phố chú trọng vào mục tiêu chính là tạo ra sản phẩm du lịch có sự khác biệt mang tính đặc trưng vùng miền, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng, tái hiện được nét văn hóa của người dân địa phương.
Trong đó, tập trung đầu tư phát triển 2 cụm dịch vụ tổng hợp tạo sự khác biệt trên địa bàn quận Liên Chiểu (khu vực từ khu du lịch Xuân Thiều đến bãi tắm Nam Ô) bao gồm khu tổ chức sự kiện, hoạt động cộng đồng; khu cắm trại lưu động; khu dịch vụ ẩm thực - lưu niệm; khu check in; khu vui chơi cho trẻ em; khu tắm nước ngọt di động; dịch vụ nhà phao nổi; dịch vụ bar bãi biển… để có thể thu hút khách cũng như tạo được không gian vui chơi tắm biển cho người dân địa phương.
Bài và ảnh: SONG KHUÊ
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Nếu còn có ngày mai... lại tính chuyện mua nhà
- Thêm bốn ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói 30.000 tỷ đồng
- PCI 2014: Đà Nẵng bảo vệ ngôi vương
- Thời điểm tốt để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng
- Thay đổi quy định cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
- Thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp
- Hà Nội: Lượng mua bán nhà đất tăng gấp đôi
- Sẽ giảm lãi suất trung và dài hạn ?
- Đề nghị mở rộng ranh giới nội thành Đà Nẵng hướng tây bắc
- Thông xe Nút giao thông cầu vượt Ngã Ba Huế, KĐT Yên Thế Bắc Sơn & Phước Lý hút hàng
- Đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất
- Đầu cơ căn hộ “ăn theo” chu kỳ mới?
- 3 kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm 2015
- Địa ốc hút khách bằng chiêu giao nhà trước, trả tiền sau
- "Không cứ người nước ngoài vào thì giá nhà lại tăng"
- Quy định đối tượng được mua nhà ở chung cư
- Hùng Vương - con đường "vua"
- Căn hộ cao cấp đang "vào vụ"
- Giá bán nhà chung cư do nhà nước đầu tư bình quân 1m2 sàn là 7.285.500 đồng
- Quy định mới về miễn, giảm tiền sử dụng đất