Sáng 20-1, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đến dự có các ông bà: Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Nguyễn Nho Trung-Chủ tịch HĐND TP, Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng…
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Niềm tự hào đối với một báu vật
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên "sơn kỳ thủy tú" mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng, với hệ thống hang động đá vôi đa dạng về số lượng, phong phú về hình thái; cùng với sự tồn tại của hàng chục ngôi chùa, am, tháp, miếu, hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm. Đồng thời, nơi đây còn lưu dấu của nền văn hóa cổ Chămpa rực rỡ... "Với những giá trị đặc biệt này, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt. Việc xếp hạng di tích, đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của dân tộc", bà Thủy cho biết.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia từ năm 1980. Sau gần 40 năm, nhất là sau ngày thành lập Q. Ngũ Hành Sơn, người Đà Nẵng ra sức gìn giữ và nâng cấp danh thắng này, với tất cả niềm tự hào đối với một báu vật mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng và cũng là nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của ông cha đã dày công gây dựng và trao lại cho đời sau. Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Chính phủ đối với đóng góp đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. "Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn hôm nay, người dân Đà Nẵng càng khắc ghi công đức của các bậc tiền nhân, đã mang lại cho vùng đất này những ngôi cổ tự, góp phần hình thành một trong các trung tâm văn hóa Phật giáo Đàng Trong và làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, các bậc tiền nhân đã để lại cho vùng đất này những chiến công vang dội trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, tiêu biểu là chiến công của AHLLVTND Phan Hiệp từng "đánh tung núi Ngũ Hành diệt Mỹ", ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định.
Trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trịnh Thị Thủy đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng triển khai lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bà Thủy yêu cầu, nội dung quy hoạch cần làm rõ những định hướng bảo tồn như: tiến hành tu bổ, tôn tạo các yếu tố gốc và di sản văn hóa phi vật thể liên quan; xây dựng không gian trưng bày sản phẩm làng nghề đá Non Nước gắn với không gian công viên lịch sử-văn hóa Ngũ Hành Sơn. TP Đà Nẵng xây dựng phương án khai thác du lịch-văn hóa kết nối điểm di tích, danh lam thắng cảnh đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, để Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan.
Ngoài ra, các cấp ngành trên địa bàn TP Đà Nẵng đổi mới công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị di tích, danh lam thắng cảnh bằng những hình thức phù hợp, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trong cộng đồng. Đà Nẵng cũng cần kiện toàn bộ máy quản lý di tích, danh lam thắng cảnh phù hợp với những quy định của pháp luật về phân cấp quản lý di tích, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương trong điều kiện hiện nay. Bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: "Với ý chí và quyết tâm đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng thể hiện trong những năm qua, tôi tin rằng Ngũ Hành Sơn sẽ trở thành một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trở thành điểm đến du lịch ngày càng hấp dẫn của TP Đà Nẵng tươi đẹp".
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ khẳng định, danh thắng Ngũ Hành Sơn được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, người dân Đà Nẵng càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và nâng cấp danh thắng này. Vẫn biết, đã là di tích quốc gia hay là di tích quốc gia đặc biệt thì danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài sản chung, là "quốc bảo" của cả nước. Tuy nhiên, khi được đón nhận vinh dự này, người Đà Nẵng cũng ý thức được rằng, trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung, danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng, trách nhiệm gách vác của cư dân bản địa là rất quan trọng. "Người Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết mình để xứng đáng với trọng trách nêu trên. Kể từ hôm nay, các giá trị văn hóa - lịch sử liên quan đến danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tổ chức nghiên cứu thật sự bài bản, chuyên nghiệp và có hệ thống, nhằm làm tiền đề giáo dục truyền thống văn hóa sâu sắc hơn và quảng bá hình ảnh Ngũ Hành Sơn sâu rộng hơn. Việc trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử cũng như những dự án phát triển kinh tế, khuếch trương du lịch trên địa bàn danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tiến hành nghiêm túc hơn. Chúng tôi ý thức rằng, càng giữ nguyên vẹn Ngũ Hành Sơn về phương diện cảnh quan tự nhiên cũng như về phương diện di sản văn hóa lịch sử, thì càng thu hút du khách thập phương đến với danh thắng này, nghĩa là càng thêm kinh tế, chứ không phải ngược lại", ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở VH-TT chủ trì và phối hợp với UBND Q. Ngũ Hành Sơn cùng các cơ quan hữu quan sớm tham mưu cho UBND TP lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Sở VH-TT hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, tham mưu xây dựng các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trên lĩnh vực này. Cấp ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt các di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật và cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, Sở Du lịch xây dựng phương án khai thác du lịch-văn hóa theo hướng kết nối danh thắng Ngũ Hành Sơn với các danh thắng khác của Đà Nẵng và của các tỉnh lân cận, để di tích quốc gia đặc biệt trở thành điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua của du khách khi đến với TP Đà Nẵng.
LÊ HÙNG
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Đà Nẵng "ghi điểm" nhờ tỷ phú thế giới "đổ bộ"
- Lộ diện các diễn giả ở hội nghị “bí ẩn” tại Đà Nẵng
- Bộ trưởng Xây dựng: 'Thị trường bất động sản còn rất khó khăn'
- Hội nghị 'bí ẩn' tại Đà Nẵng của các đại gia quốc tế
- Thuế TNCN chuyển nhượng bất động sản: Vẫn còn vướng mắc
- Giá đất tái định cư một số dự án trên địa bàn thành phố
- BĐS Đà Nẵng: Nhà phố đang "ngược dòng"
- Sửa đổi Luật Công chứng: Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng
- Giải ngân hơn 220 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
- Hủy quy hoạch xây dựng nhiều tuyến đường ở quận Ngũ Hành Sơn
- Chủ đất cũ “làm khó” khi sang tên
- Kiến nghị cho thế chấp bất động sản ở ngân hàng nước ngoài
- Điều chỉnh, thẩm định một số đồ án
- Xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật
- Nới điều kiện vay gói 30.000 tỷ
- Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số công lý
- DỰ ÁN MỞ RỘNG TRƯỜNG ĐH THỂ DỤC THỂ THAO ĐÀ NẴNG Giải quyết nợ đất tái định cư
- Gỡ khó cho bất động sản từ gói 30.000 tỷ đồng
- Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng bảo vệ thành công Đề tài khoa học cấp cơ sở
- 600.000 “sổ đỏ” đã ký chưa có người nhận