Du lịch thông minh là yêu cầu tất yếu của thời đại 4.0, đây cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ, bởi sau sức hút từ những danh hiệu thì hiện nay du lịch Đà Nẵng đang phải cạnh tranh với các sản phẩm của những địa phương lân cận. Vì thế, Đà Nẵng cần những sản phẩm mới, có sự đột biến để bứt phá, thu hút khách.
Sản phẩm mới độc đáo cộng với truyền thông tốt sẽ tạo thành hiệu ứng thu hút du khách. Trong ảnh: Cầu Vàng tại Khu du lịch Bà Nà Hills trở thành tâm điểm du lịch thời gian qua. Ảnh: SONG KHUÊ |
Theo các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, phát triển du lịch thông minh, sản phẩm du lịch thông minh đang là xu hướng triển vọng của ngành công nghiệp không khói. Bởi du lịch tự túc có xu hướng ngày càng gia tăng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể tiếp cận được nhiều thông tin về điểm đến.
Bà Hoàng Hương Trà, Giám đốc điều hành và sáng lập Công ty CP Dịch vụ truyền thông Tourzy Media cho rằng, xu hướng của khách du lịch hiện nay là sử dụng nhiều các phương tiện kỹ thuật số, tăng chi tiêu cho các hoạt động trải nghiệm và có nhu cầu cao hơn về tính văn hóa bản địa gắn với các sản phẩm du lịch. Nhờ có công nghệ, khách có thể tự tìm kiếm các thông tin về điểm đến trước khi lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.
Bà Trà đưa ra con số khảo sát do Tourzy Media thực hiện là có đến 81% khách du lịch xem đánh giá phản hồi của khách du lịch khác khi có ý định sử dụng các dịch vụ du lịch, hay như mỗi khách trung bình có khoảng 150 lượt tìm kiếm và lướt các website tham khảo thông tin trước khi hoàn thành các thao tác đặt một dịch vụ nào đó.
Thực tế hiện nay, việc vận dụng công nghệ để phát triển du lịch không còn là điều mới mẻ. Mới đây, sản phẩm cầu Vàng của khu du lịch Bà Nà Hills dù mới đưa vào khai thác chưa lâu, nhưng nhờ sức lan tỏa của công nghệ mà hình ảnh cầu Vàng đã trở thành một hiện tượng, điểm đến rất thu hút du khách trong và ngoài nước. Như vậy, sức hút cho một điểm đến chính là việc đầu tư và cho ra đời những sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ cùng với sự lan tỏa của công nghệ sẽ tạo được thành công cho điểm đến.
Giám đốc một đơn vị chuyên khai thác khách Hàn Quốc cũng chia sẻ, có đến hơn 80% người trẻ Hàn Quốc biết đến các điểm đến của Đà Nẵng như Bà Nà Hills, nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng (nhà thờ Con Gà), các điểm mua sắm… thông qua các trang mạng xã hội, các nhóm (group) từ những chia sẻ của người Hàn Quốc đã từng đi du lịch đến Đà Nẵng.
Hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động dễ dàng giúp du khách tìm hiểu các thông tin về hiện vật có ở Bảo tàng Đà Nẵng. |
Không chỉ dành cho tour, tuyến, một số khu, điểm du lịch cũng sử dụng các ứng dụng công nghệ để phục vụ, thu hút khách du lịch. Mới đây, Bảo tàng Đà Nẵng đã ra mắt hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đây là phương thức giúp du khách tìm hiểu thông tin về nội dung trưng bày của bảo tàng thông qua việc sử dụng thiết bị điện thoại di động thông minh để quét mã RQ Code được gắn cho hiện vật.
Du khách có nhu cầu tìm hiểu chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối wifi (miễn phí tại bảo tàng), tải ứng dụng này trên App Store hoặc Google Play về máy và tiến hành quét mã QR Code thì có thể nghe giới thiệu về nội dung của 600 tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng. Với hệ thống này có thể hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng khách tham quan cùng một lúc có thể nghe nội dung trưng bày của bảo tàng.
Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP SQ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Sông Hàn nhìn nhận, du lịch thông minh là tạo ra những cái mới, tạo được sự khác biệt, trải nghiệm mới, cách thức kinh doanh mới so với cách thức truyền thống.
Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có tài nguyên du lịch rất lớn, nhưng lại đi sau rất nhiều nước trong khu vực vì chưa dùng công nghệ để giảm chi phí, chưa tận dụng hết tri thức để gia tăng giá trị sản phẩm du lịch.
Ông Quân cũng chỉ ra, cái khó khăn nhất là phải thay đổi tư duy, tư duy hiện nay là phải hợp tác, chia sẻ để cùng phát triển; phải tạo ra sự kết nối, hợp tác giữa 3 nhà gồm: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp một cách thường xuyên, tăng tốc và hiệu quả hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, ngành du lịch thành phố cũng nhận thấy sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi các doanh nghiệp du lịch chưa theo kịp xu hướng phát triển.
Do đó, trong thời gian đến ngành sẽ xây dựng du lịch thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý hoạt động du lịch, từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và quảng bá theo hướng trọng tâm, trọng điểm cụ thể và chuyên nghiệp.
Bài và ảnh: SONG KHUÊ
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay