Ngày 24-1, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ĐNO trân trọng đăng toàn văn Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.
Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 9,8%/năm, GRDP bình quân đầu người tăng 6,6 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, trong đó ngành Dịch vụ dẫn đầu về tỉ trọng và tốc độ tăng trưởng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao; du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển. Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng và tương đối hiện đại. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người được nâng lên; duy trì được vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành sớm mục tiêu đề ra. Lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên.
Chính trị - xã hội được duy trì ổn định; quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.
Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được sắp xếp lại; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai nghiêm túc, bài bản.
Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế của Đà Nẵng có tăng nhưng còn nhỏ, chỉ chiếm 1,55% GDP của cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước, năng suất lao động chưa cao.
Kinh tế tập thể phát triển chậm; kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới chủ yếu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai.
Ô nhiễm môi trường gia tăng, xử lý chưa hiệu quả. Kết cấu hạ tầng còn thiếu tính đồng bộ, kết nối; chưa phát huy và thể hiện rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên.
Sự liên kết, hợp tác của thành phố với các địa phương trong vùng và cả nước chưa thường xuyên, thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao. Một số dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa gắn chặt với yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định; công tác xoá đói, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.
Công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhất là trong công tác cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa phát huy được vai trò của tổ chức cơ sở Đảng.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số ban, bộ, ngành Trung ương và Đà Nẵng chưa được quan tâm thường xuyên, thiếu quyết liệt. Một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành; một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; chậm triển khai một số công trình, dự án trọng điểm; nguồn thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào đất đai.
Ở một số nơi, một số khâu, chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, hệ thống chính trị còn bất cập; công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực, một số giai đoạn còn yếu kém và có khuyết điểm lớn. Chất lượng cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác nghiên cứu, dự báo, tổng kết thực tiễn chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu chủ động...
II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng và cả nước.
- Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
- Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy cao độ truyền thống văn hoá, cách mạng, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường của người Đà Nẵng. Chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, vững vàng đưa thành phố phát triển đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu đến năm 2030
- Mục tiêu tổng quát
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
- Các chỉ tiêu cụ thể:
+ Giai đoạn 2021 - 2030: Tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm; dịch vụ 12,5 - 13,5%/năm; công nghiệp 11,5 - 12,5%/năm; nông nghiệp 4 - 5%/năm. Các lĩnh vực công nghệ cao đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2% của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn tăng trên 15%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn bình quân tăng trên 10%/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước.
+ Đến năm 2030: Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD; tỉ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%; cơ cấu kinh tế: Ngành dịch vụ 62 - 65%, công nghiệp và xây dựng 28 - 30%, nông nghiệp 1 - 2%; quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người; giải quyết việc làm mới hằng năm trên 3,5 vạn lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất không vượt quá 5,0 lần; người dân được tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn, đặc biệt an toàn trước thiên tai; bảo đảm 100% nước thải nguy hại được xử lý; độ che phủ rừng đạt khoảng 45%.
2.2. Tầm nhìn đến năm 2045
Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Về phát triển kinh tế
- Thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tập trung đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; phát triển hiện đại hoá các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ biển, du lịch, thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới. Tăng cường xúc tiến đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
- Có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố: (1) Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; (2) Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; (3) Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; (4) Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; (5) Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
- Có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.
- Xây dựng và phát triển khu công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Nghiên cứu, xây dựng Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia tại thành phố Đà Nẵng với vai trò là hạt nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn; chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao phục vụ đô thị và du lịch. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường, sinh thái.
- Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục hậu quả liên quan đến các vi phạm về quản lý đất đai theo các kết luận của cấp có thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi của các tổ chức và cá nhân, nguồn thu ngân sách nhà nước. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; chủ động thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP, BOT, BT; có cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
- Chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối miền Trung - Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, Tiểu vùng Mê Công. Kết nối hệ thống giao thông thành phố Đà Nẵng với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm là: Xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa, Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt và phát triển đô thị, dự án phối hợp với tỉnh Quảng Nam, mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hành lang kinh tế Đông Tây 2 (Quốc lộ 14D), mở rộng Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G, khơi thông sông Cổ Cò và hệ thống hạ tầng đường thuỷ, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ công ích với công nghệ hiện đại, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ.
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường)
- Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng.
- Chú trọng công tác quản lý đô thị, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hoà với thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi, bảo đảm các tiêu chuẩn đô thị hiện đại. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng thành phố thông minh"; Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường", Chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng Tây và Tây Bắc theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh; đô thị hoá gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén hiện đại.
- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và xúc tiến, huy động nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch và nội dung liên kết, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển.
2. Về phát triển văn hoá, xã hội
- Xây dựng đời sống văn hoá phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hoá tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực thi và nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là các chính sách xã hội giàu tính nhân văn, như chương trình "5 không", "3 có", "4 an" ; hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hoá người Đà Nẵng.
- Triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm 100% các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; quan tâm vấn đề dân cư, dân số với quy mô, kết cấu phù hợp; quy hoạch lại mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn.
- Có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực. Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư bảo đảm hài hoà, nhân văn, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; thực hiện liên thông, minh bạch về thị trường lao động.
- Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực; chú trọng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tập trung đầu tư phát triển một số ngành công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hoá; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Phát triển thị trường khoa học - công nghệ theo hướng hội nhập.
3. Về bảo đảm quốc phòng, an ninh
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc trên địa bàn; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, biển, đảo, chú trọng vai trò của Đà Nẵng đối với Biển Đông; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần yêu nước, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; thực hiện tốt nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh của Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung và cả nước.
4. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
- Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức và năng lực công tác tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tập trung làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- Phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội. Đối với một số mặt nổi cộm, cần tìm mọi cách khắc phục hiệu quả; kịp thời ngăn ngừa, vô hiệu hoá các phần tử xấu, phản động lợi dụng chống phá; chủ động phát hiện các vấn đề từ xa, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
- Thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ; xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính.
5. Về cơ chế, chính sách đặc thù
- Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, bảo đảm tính tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm.
- Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
- Đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, việc cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
2. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất của thành phố Đà Nẵng; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể cho thành phố Đà Nẵng theo thẩm quyền. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trên lĩnh vực đất đai.
3. Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng chủ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết; phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa Nghị quyết đi ngay vào cuộc sống. Thành uỷ Đà Nẵng chỉ đạo chuẩn bị đề án kiến nghị về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật.
4. Các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Đà Nẵng phát triển theo tinh thần Nghị quyết này.
5. Các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, nhất là các tỉnh uỷ, thành uỷ khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Đà Nẵng, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
6. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
ĐNO
Các bản tin khác
- 10 dự báo giới đầu tư địa ốc không nên bỏ qua năm Đinh Dậu
- Thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam
- Nhiều thủ tục đất đai được rút ngắn trong năm mới
- Săn bất động sản cho thuê - kênh đầu tư hấp dẫn trong 5 năm tới
- Cuộc chiến sống còn của bất động sản nghỉ dưỡng
- Giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ
- Đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động và chất lượng thi công tại các công trình
- Dấu ấn 5 “ông lớn” trên thị trường bất động sản Việt Nam năm qua
- 2 kịch bản trái chiều cho thị trường địa ốc 2017
- M&A bất động sản Việt Nam hứa hẹn lập kỷ lục năm 2017
- Đi đâu, chơi gì dịp Tết?
- Thị trường địa ốc 2016: Một năm được mùa của condotel
- Địa ốc tạo sức hút từ hạ tầng giao thông
- Quận Ngũ Hành Sơn: Vận động bàn giao hơn 1.000 hồ sơ giải tỏa, đền bù
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm
- Ra mắt Tổng công ty MBLand và hai dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại miền Trung
- Đầu tư bất động sản thương mại sẽ hồi phục trở lại vào năm 2017
- Triển khai dự án xe buýt nhanh tại Đà Nẵng
- Đất “cơi nới” trái phép vẫn có thể được cấp sổ đỏ
- Không gian sống xanh trong những 'khu vườn trên cao'