Theo Hội Môi giới BĐS, Đà Nẵng giao dịch đất nền đạt chưa đầy 100 giao dịch thành công, trong khi Vân Đồn chỉ có 165 giao dịch trong suốt 3 tháng
"Thị trường bất động sản cả nước trong quý 1 vừa qua nói chung sụt giảm ở hầu hết các phân khúc. Ngay cả phân khúc đất nền tại một số địa phương đang được cho là tâm điểm như Vân Đồn, Đà Nẵng, Phú Quốc…dù dư luận, báo chí đưa tin khá rầm rộ nhưng thực tế giao dịch rất thấp".
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nêu ra tại Hội thảo "Tiêu điểm bất động sản quý 1 – Xu hướng và cơ hội đầu tư trong quý 2/2019", tổ chức chiều 6/4.
Thị trường sụt giảm mạnh đầu năm
Dẫn chứng cho sự sụt giảm mạnh của thị trường trong quý 1, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho biết, qua báo cáo của các doanh nghiệp thành viên, 3 tháng qua, toàn thành phố Hà Nội có 5.206 sản phẩm mới được chào bán, nhưng số giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 3.200 sản phẩm, phản ánh sức hấp thụ thấp hơn nhiều so với quý 4/2018.
Còn tại Tp.HCM, thị trường trầm lắng cũng được thể hiện qua số lượng sản phẩm mới chào bán chỉ đạt hơn 3.200 sản phẩm, và số lượng giao dịch thành công cũng chỉ đạt khoảng 3.000 sản phẩm.
"Mọi số liệu thống kê trong quý 1 năm nay đều giảm mạnh so với quý trước cũng như cùng kỳ năm trước", ông Nguyễn Văn Đính nói.
Đồng quan điểm trên, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi thừa nhận, quý 1 thị trường bất động sản trầm lắng hơn hẳn các thời điểm trước và sau đó. Bởi lẽ, theo thông lệ, đây là thời điểm có nghỉ Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, theo ông Khởi, trong 3 phân khúc cơ bản của bất động sản thì phân khúc nhà ở cao cấp trầm lắng hơn hẳn, chỉ có nhà ở giá trung bình, nhà giá thấp là vẫn có thanh khoản tương đối. Riêng phân khúc đất nền, theo phản ánh của truyền thông có thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Giám đốc JLL Hà Nội Đặng Văn Quang cho biết, qua khảo sát thực tế của công ty này, thị trường bất động sản Tp.HCM trong quý vừa qua còn trầm lắng hơn cả Hà Nội.
Nguyên nhân là trong năm qua, rất nhiều dự án bất động sản tại Tp.HCM bị vướng mắc bởi các thủ tục, hồ sơ pháp lý nên chưa thể đủ điều kiện bán ra thị trường cũng như đảm bảo tiến độ triển khai.
Điều này thể hiện rõ nhất là tỷ lệ giải ngân dư nợ tín dụng của Tp.HCM chỉ đạt xấp xỉ 14%, trong khi thông thường là cao hơn mức trung bình của cả nước khá nhiều.
Đáng chú ý, theo ông Quang, thị trường đất nền thời gian qua được quan tâm khá lớn nhưng thực tế lượng giao dịch không nhiều. Theo ông, "sốt nóng" vừa qua chủ yếu do sự quan tâm của giới truyền thông cũng như hiệu ứng, tâm lý đám đông.
"Thực tế tỷ trọng giao dịch không đáng kể, không phải lan tỏa quá lớn", ông Quang nói.
Đất nền ở Vân Đồn, Đà Nẵng chỉ "sốt ảo"
Bổ sung thêm cho nhận định nói trên, ông Nguyễn Văn Đính nói rằng, thị trường bất động sản ở một số địa phương như Vân Đồn, Đà Nẵng, Quảng Nam… thời gian qua dư luận đề cập quá nhiều, cộng với báo chí đưa tin nhưng thực tế giao dịch thành công rất thấp.
"Tôi có thể lấy dẫn chứng như ở Đà Nẵng vừa qua, giao dịch đất nền chỉ đạt chưa đầy 100 giao dịch thành công. Còn ở Vân Đồn chỉ có 165 giao dịch trong suốt 3 tháng qua. Và điều đáng nói là giao dịch ở đây chủ yếu vẫn từ 1 phía, giữa các nhà đầu tư với nhau chứ khách hàng có nhu cầu thực thì chủ yếu vẫn ghe ngóng", ông Đính cho hay.
Đặt câu hỏi về sự "sốt nóng, sốt ảo" của phân khúc đất nền thời gian qua, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói rằng: "Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?"
Phản hồi chất vấn này, Phó cục trưởng Nguyễn Mạnh Khởi thừa nhận "có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý". Ông cho biết, trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường đất nền thu hút được sự quan tâm của một số nhà đầu tư. Ngay cả các chủ đầu tư cũng có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của mình sang phân khúc này vì cho rằng khá an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Khởi, tất cả các thông tin về "sốt nóng" hay nổi sóng…đều chưa được kiểm chứng. Ông nhìn nhận, diễn biến đó có trách nhiệm của nhà nước, các địa phương và một phần là các nhà môi giới.
"Thị trường bất động sản từ trước tới nay luôn bị tác động khá lớn bởi chính sách. Hiện nay nhiều dự án đang phải tạm dừng lại để rà soát khiến nguồn cung hạn chế. Cùng với đó, sự vào cuộc của báo chí truyền thông cộng với tâm lý đám đông khiến cho thị trường năm nay bị sốt nóng như vừa qua, nhưng năm sau nhiều khả năng vẫn vậy", ông Khởi nói.
Chốt lại những trao đổi về diễn biến bất thường của thị trường đất nền thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: Tất cả cũng đều xuất phát từ việc thông tin chưa được công khai, minh bạch.
Chính vì điều này nên cơn sốt đất nền tại một số địa phương thời gian qua, theo ông Đính chủ yếu vẫn là "loanh quanh" giữa các nhà đầu tư với nhau, chứ những người có nhu cầu thực vẫn rất ít.
"Nhà đầu tư thì luôn có mục tiêu cao nhất là phải sinh lời. Và một khi họ đã trót rót tiền vào rồi thì họ sẽ tìm mọi cách kích thị trường lên để thoát ra. Trong hầu hết các trường hợp thị trường diễn biến bất lợi thì các nhà đầu cơ là những người chịu thiệt thòi nhất", ông Đính nói.
Dự báo này được củng cố thêm khi có đến 47% số người tham dự hội thảo lựa chọn sẽ rót tiền nhà rỗi vào bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm hoặc các kênh đầu tư khác. Còn về phân khúc, hầu hết vẫn tin tưởng chung cư, đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là những sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm.
Riêng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, GS. Đặng Hùng Võ nhìn nhận "còn rất nhiều tiềm năng để phát triển", vì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, trong khi cơ sở lưu trú, các điểm du lịch chất lượng cao hiện nay vẫn còn hạn chế.
Theo Vneconomy
Các bản tin khác
- Đơn giản hóa TTHC 15 lĩnh vực ngành tư pháp
- Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX: Phát triển đô thị, tạo động lực đột phá
- Giá đất một số khu tái định cư mới
- Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?
- Thị trường bất động sản: Đủ chiêu "câu khách"
- Vì sao giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm?
- Tổ hợp giải trí 11.000 tỷ tại Đà Nẵng sắp vận hành
- 9,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đại Hành-Trịnh Đình Thảo
- Xây dựng đường hầm chui qua đường Trường Sa kết nối dự án The Empire
- “Giải mã” sức hút của Coco Ocean-Spa Resort
- Khu nghỉ dưỡng 3.500 tỷ đồng hướng biển tại Quảng Nam
- Làm giàu từ bất động sản, không dễ như quảng cáo
- Ưu tiên, hỗ trợ cho các hộ dân Cồn Dầu chấp thuận giải tỏa, bàn giao mặt bằng sớm
- Rủi ro khi mua bán đất còn nợ thổ cư
- Bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt thách thức chưa từng có
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội lớn, rủi ro lớn
- Đà Nẵng: Khách du lịch tăng cao, bất động sản hưởng lợi
- VNE chuyển nhượng dự án VNECO Plaza tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng điều chỉnh và thông qua một số dự án kiến trúc quy hoạch quan trọng
- Cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Sơn Trà