Hôm nay (10-4), Đà Nẵng tổ chức hội thảo công bố Đề án xây dựng thành phố thông minh (TPTM), là bước cụ thể hóa một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng tới 2030, tầm nhìn 2045.
Đà Nẵng đã xây dựng hiệu quả chính quyền điện tử, trong bối cảnh mới cần chuyển tiếp sang trạng thái cao hơn là TP thông minh (TPTM). Đây là xu hướng nhiều TP tiên tiến trên thế giới đã tiếp cận. Với Đà Nẵng, TPTM là mô hình quản lý đô thị, trong đó CNTT-TT được sử dụng như một công cụ hiện đại dựa trên dữ liệu, thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý.
|
Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng, nền tảng cho các ứng dụng trong TPTM. |
Bước chuyển tiếp từ chính quyền điện tử
5 năm trước Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử (CQĐT) làm nền tảng để xây dựng TPTM. Từ đó đến nay, CQĐT luôn được cập nhật cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... Các ứng dụng một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử, ứng dụng góp ý, phần mềm quản lý hộ khẩu... được triển khai hiệu quả. Cũng từ đây đã hình thành nguồn nhân lực CNTT trong xây dựng, triển khai, vận hành CQĐT (khoảng 500 cán bộ chuyên trách CNTT), nguồn nhân lực tại hơn 900 doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố (khoảng 25.000 người). Nguồn nhân lực này có khả năng xây dựng TPTM, đồng thời có khả năng làm việc với các tập đoàn, đối tác, chuyên gia trong môi trường quốc tế. Có thể nói đây chính là nền tảng quan trọng để TP triển khai xây dựng một số ứng dụng thông minh, đặc biệt tới cuối năm 2018 thì ban hành Đề án xây dựng TPTM định hướng tới 2030.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, hiện TP đã triển khai nhiều ứng dụng thông minh trên nền tảng CNTT, viễn thông trong quản lý đô thị mang lại hiệu quả rõ rệt. Nổi bật như trong lĩnh vực giao thông có Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình, Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Hệ thống giám sát giao thông bằng camera thông minh, Ứng dụng thanh toán đỗ xe trực tuyến... Trong lĩnh vực ANTT, có Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, Hệ thống camera giám sát tàu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang, Ứng dụng phát hiện và cảnh báo cháy rừng. Lĩnh vực môi trường có Hệ thống giám sát, quan trắc tự động trạm xử lý nước thải, Hệ thống giám sát môi trường nước ao, hồ. Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm có Cổng thông tin an toàn thực phẩm, Cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm tra cứu qua tin nhắn SMS, qua Zalo, qua tổng đài điện thoại 1022, thí điểm tra cứu nguồn gốc thực phẩm bán tại chợ Hàn qua QR Code. Lĩnh vực giáo dục có Phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục. Lĩnh vực y tế là ứng dụng Y tế xã phường điện tử tại 100% xã, phường; phần mềm quản lý bệnh viện điện tử tại các Trung tâm y tế; ứng dụng Hồ sơ Y tế điện tử và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố.
|
Chính quyền điện tử là cơ sở quan trọng giúp Đà Nẵng xây dựng TPTM. |
Có thể nói hầu như tất cả các lĩnh vực chủ yếu của đời sống, liên quan trực tiếp tới người dân, từ y tế, giáo dục, thực phẩm, giao thông... Đà Nẵng đều đã triển khai các ứng dụng thông minh. Với cơ sở dữ liệu lớn luôn được cập nhật, nền tảng công nghệ được đầu tư hiện đại, đặc biệt là nhân lực CNTT chuyên trách và công dân điện tử được tăng lên rõ rệt, việc chuyển tiếp từ CQĐT sang TPTM của Đà Nẵng là cần thiết, phù hợp với xu thế, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị trong bối cảnh mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để xây dựng TPTM. Trong đó, lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực CNTT với đội ngũ kỹ thuật để bảo đảm vận hành và xây dựng được lực lượng chuyên gia để tư vấn, phản biện.
Ngoài ra, Đà Nẵng có sự tham gia của các DN CNTT lớn, có khả năng liên kết với các TPTM trên thế giới. Đặc biệt, kỹ năng và ứng dụng CNTT của người dân và DN tại Đà Nẵng khá cao (98% hộ gia đình có máy tính, 97,9% hộ gia đình kết nối Internet, 100% DN kết nối Internet). Các chuyên gia cũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất với Đà Nẵng khi xây dựng TPTM là cần nguồn kinh phí khá lớn và lâu dài, ngân sách TP có hạn, trong khi chưa tạo ra được môi trường tham gia của các DN. Thứ nữa, hạ tầng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT của TP đã triển khai mới chỉ đáp ứng cho việc phục vụ duy trì vận hành CQĐT, tình trạng cát cứ, chưa liên thông và chia sẻ. Trong xây dựng TPTM cần nền tảng IoT là môi trường để kết nối; cơ sở dữ liệu đòi hỏi ở mức cao hơn và rộng khắp để tính toán, xử lý, lưu trữ; nền tảng đủ mạnh để phân tích, triển khai những giải pháp, thuật toán, mô hình hiệu quả... Chưa kể, một thách thức rất lớn là nguy cơ mất an toàn thông tin, bảo mật thông tin riêng của cá nhân, tổ chức trong TPTM.
|
Chatbot, một ứng dụng thông minh được triển khai hỗ trợ du khách đến với Đà Nẵng. |
Đà Nẵng sẽ thông minh thế nào?
Đề án TPTM hướng tới 5 mục tiêu hết sức cụ thể. Đó là quản trị thông minh: ở đó CNTT-TT trở thành công cụ thu thập và phân tích dữ liệu then chốt để hỗ trợ cho quá trình quy hoạch chính sách và ra quyết định tại các cơ quan nhà nước của TP. Quản lý đô thị tinh gọn: Các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. Dịch vụ công thông minh: Cung cấp dịch vụ công thông qua môi trường trực tuyến thay thế cho hình thức giao dịch bằng giấy tờ thủ công, bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện. Cung cấp dữ liệu mở: Dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước được chia sẻ công khai, minh bạch cho tổ chức, người dân cùng giám sát và khai thác dữ liệu để từ đó phát triển các ứng dụng TPTM, hình thành cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu cuối cùng là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Theo đó, việc ứng dụng CNTT-TT để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm (giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, môi trường, an ninh... nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân.
Theo lộ trình, tới năm 2020 Đà Nẵng hình thành hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu thông minh (A bit Smater City) đóng vai trò là nền tảng dùng chung cho các ứng dụng TPTM. Từ 2020-2025 hoàn thiện, thông minh hóa các ứng dụng đã hình thành, thí điểm ở giai đoạn trước để phục vụ doanh nghiệp, người dân, du khách, đồng thời chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, với hạ tầng CNTT-TT đa dạng, rộng khắp, và những kho dữ liệu thu được... sẽ là động lực chính thúc đẩy phát triển TPTM. Từ đây, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo dựa trên dữ liệu, các công nghệ phân tích như: máy học, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo... Những công nghệ này được ứng dụng sâu, phổ biến để hỗ trợ chính quyền, DN, người dân trong việc: nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh gọn bộ máy, nâng cao sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Với lộ trình đó, TPTM Đà Nẵng sẽ phát triển dựa trên 6 trụ cột gồm quản trị thông minh, đời sống thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh. Để hiện thực hóa lộ trình đó, Đà Nẵng sẽ bổ sung nguồn vốn nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng CNTT-TT; ưu tiên tập trung triển khai một số dự án quan trọng, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trong nước liên quan đến TPTM. Tổng kinh phí thực hiện đề án xây dựng TPTM tới năm 2025 là hơn 2.100 tỷ đồng.
Văn Thuấn
Báo Công an TP Đà Nẵng online
Các bản tin khác
- Siết tín dụng bất động sản: Động thái cần thiết để thị trường phát triển bền vững
- Thế giới ước mơ và hạnh phúc qua màn trình diễn của đội Ý
- Bất động sản xoay chiều đầu tư
- Biệt thự trên không, khái niệm mới về nhà ở
- Chủ tịch nước Lệnh công bố 7 Luật
- Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa phát triển
- Nhà đầu tư ngoại nào đang dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam?
- Gần 28 tỷ đồng xây bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại khu vực trung tâm thành phố
- GẶP MẶT NHÂN DỊP BÀ NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLLVTND
- Đà Nẵng qui hoạch lại 7 khu 'đất vàng' của các đại gia
- Doanh nghiệp chuyên doanh bất động sản đầu tiên ở Đà Nẵng lên sàn chứng khoán
- Đà Nẵng sẵn sàng cho tuần lễ GEF 6
- "Ma trận" sàn giao dịch bất động sản
- Bão vành đai (Bài cuối: Không nên đô thị hóa cưỡng bức)
- Đà Nẵng: Ra mắt liên minh doanh nghiệp bất động sản G3
- Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông
- Các tuyến đường thuộc dự án Khu dân cư bàu Gia Phước (Q. Sơn Trà): Chậm thi công do mặt bằng còn "vướng"
- Sẽ lập Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Giải mã tại sao Liên Chiểu thu hút các nhà đầu tư lớn
- Thị trường đất nền: giao dịch giảm, giá không giảm