Vẫn có tới 54,8% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức và 58,2% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự tốt và cần có thêm nhiều nỗ lực của các cơ quan nhà nước.
Tham nhũng vặt,chi phí lót tay còn phổ biến
Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, có 54,8% doanh nghiệp (DN) cho biết phải trả chi phí không chính thức; 58,2% DN trong nước cho biết vẫn tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho DN. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn các doanh nghiệp tư nhân.
“Hiện tượng “tham nhũng vặt” – chi phí bôi trơn nhỏ mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép trong năm 2018 đã giảm so với trước. 54,8% DN phải trả chi phí không chính thức là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2015 là tỷ lệ này là 66,3%) nhưng đây vẫn là một con số rất cao”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% DN cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.
“Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Kết quả điều tra PCI 2018 cũng cho biết, có 7,1% DN phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 30% DN trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% vào năm 2018); 39,3% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%).
Năm 2018 có 48,4% DN đồng ý với nhận định “Chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” (năm 2017 là 54,9%); 28,8% DN lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn (năm 2017 là 31,6%).
Phát sinh ở mọi công đoạn
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), những con số này đúng là đã giảm khá nhiều so với trước đây, nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc đẩy lùi chi phí không chính thức. Tuy nhiên, trong 1 nền hành chính minh bạch, có tới quá nửa (gần 55%) DN vẫn phải trả chi phí không chính thức rõ ràng đây là con số cần lưu tâm, bởi điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của ta chưa thực sự tốt.
Phó Chủ tịch VINASME cho rằng, chi phí không chính thức chủ yếu tồn tại ở những khâu thủ tục hành chính mà DN phải gặp trực tiếp cán bộ công chức, khi DN giao dịch với cơ quan nhà nước để thực hiện quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh, như thực hiện thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận tín dụng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, vận tải, lưu thông hàng hóa, thanh kiểm tra… hay ở những thủ tục hành chính không được áp dụng trên hệ thống điện tử, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi điều kiện kinh doanh, giấy phép con.
“Chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính. Nhưng chi phí này rất khó xác định, khó tiên liệu và không thể định lượng”, ông Tô Hoài Nam cho hay.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VINASME cho biết, trên thực tế, các DN thường có tâm lý ngại động chạm, né tránh nói tới những vấn đề nhạy cảm cũng như những khoản chi trả không chính thức. Mặc dù loại chi phí này có thể tính bằng tiền, nhưng có thể dưới dạng tiêu tốn thời gian (do gây khó khăn), làm tăng chi phí cơ hội, tăng gánh nặng chi phí cho DN, làm cản trở cho sự phát triển của DN, thậm chí có thể dẫn đến mất cơ hội kinh doanh.
“Chi phí không chính thức làm cho giá trị bị đảo ngược, bởi chi phí của DN tăng lên mà phần chi phí này không biết hạch toán vào mục nào. Các thủ tục hành chính khi phải mất chi phí không chính thức bản thân nó cũng tạo nên sự “u u minh minh”, gây nên những khó khăn về mặt tâm lý cho DN. Đồng thời, gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Cần “chính thức hóa" chi phí không chính thức
Đồng tình với quan điểm này, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chi phí không chính thức đang góp phần làm méo mó cạnh tranh, suy giảm lòng tin của DN vào nỗ lực cải cách của Chính phủ, hủy hoại liêm chính trong kinh doanh. Ngoài ra, có thể còn nhiều tác động tiêu cực khác, như: kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức, tham nhũng.
Về nguyên nhân dẫn đến chi phí không chính thức, theo TS. Phan Đức Hiếu là do những hạn chế của hệ thống thể chế, quy định pháp luật.
“Hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính không rõ ràng, không hợp lý, phức tạp và không tiên liệu được đã tạo thành cơ hội cho cơ quan, cán bộ liên quan nhũng nhiễu DN và đòi hỏi chi phí không chính thức”, TS. Phan Đức Hiếu chỉ rõ.
Do đó, TS. Phan Đức Hiếu đề xuất để cắt giảm chi phí không chính thức, nhà nước cần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; giao trách nhiệm cho người đứng đầu bộ phận, cơ quan giải quyết các thủ tục pháp cho doanh nghiệp.
“Trường hợp phát hiện nhũng nhiễu, nhận chi phí không chính thức thì ngoài trách nhiệm người trực tiếp có liên quan, cần xem xét thi hành kỷ luật, cho thôi việc với người đứng đầu bộ phận, cơ quan đó. Có như vậy, thì mới đảm bảo giám sát có hiệu quả trong nội bộ cơ quan trong đấu tranh chống chi phí không chính thức”, TS. Hiếu nêu ý kiến.
Còn đối với DN, ngoài việc nói không với tham nhũng thì cần cố gắng "chính thức hóa" chi phí không chính thức. Điều này có nghĩa là xem xét thuê DN tư vấn chuyên nghiệp để thực hiện thủ tục có liên quan; theo đó, chi phí tư vấn sẽ được chính thức hóa thành chi phí kinh doanh.
“Giải pháp này cũng chưa thực sự giải quyết được vấn đề vì DN vẫn mất chi phí. Tuy nhiên, có tác dụng rất lớn trong xóa bỏ tác động tiêu cực khác từ chi phí không chính thức”, TS. Phan Đức Hiếu nói.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mặc dù chi phí không chính thức, đặc biệt là hiện tượng tham nhũng vặt đã giảm, song thời gian tới, vẫn cần tích cực cải cách hơn nữa môi trường kinh doanh, thực hiện Chính phủ điện tử và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, nâng cao chất lượng công vụ bao gồm cả năng lực và đạo đức của cán bộ công chức.
Cần giảm tiếp xúc trực tiếp người dân – chính quyền
Chủ tịch VCCI cho rằng, biện pháp quan trọng nhất để giảm chi phí không chính thức là phải minh bạch, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính liên quan đến DN.
“Khi chúng ta minh bạch hoá, công khai hoá giao dịch giữa chính quyền và người dân thông qua mạng điện tử thì toàn bộ quá trình sẽ được minh bạch và không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và chính quyền thì sẽ không có dư địa cho sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Đây cũng là cách thức căn bản để có thể giảm thiểu chi phí không chính thức và đảm bảo cho môi trường kinh doanh trở nên tốt hơn và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí không chính thức xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong thực thi quy định của pháp luật. Do đó, để giải quyết tình trạng này, cần cơ chế công khai, minh bạch trong các quy định pháp luật, trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng và trách nhiệm hỗ trợ DN của các hiệp hội DN.
Mặc dù khó có thể loại bỏ hoàn toàn chi phí không chính thức, song giải pháp bao trùm vẫn là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, vì mục đích cuối cùng là xóa bỏ bất hợp lý về thể chế, từ quy định pháp luật đến bộ máy thực thi. Bởi chỉ khi chi phí tuân thủ được xây dựng trên các quy định hợp lý, dễ tuân thủ; hoạt động quản lý nhà nước được công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi thực sự nghiêm túc; kỷ cương thực thi được đảm bảo… thì mới không còn đất dung dưỡng cho các loại chi phí không chính thức.
Theo VOV
Các bản tin khác
- Tách thửa: Lại rối chuyện tính thuế
- Đua ưu đãi kích cầu
- Giá đất tái định cư hộ chính một số dự án trên địa bàn thành phố
- Còn nhiều bất cập trong việc hoạch định chính sách
- Tổng rà soát toàn bộ đất quận Liên Chiểu
- Muốn cho thuê nhà phải lập doanh nghiệp!
- Cảnh giác với những chiêu lừa kiểu mới
- Nhà 1 tỷ đồng đua giảm giá kích cầu
- Đà Nẵng cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất vào sổ đỏ
- Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận các quyền về nhà, đất
- Căn hộ nhỏ giúp "cò đất" kiếm bộn tiền
- Không bố trí tái định cư đối với đất nông nghiệp bị thu hồi
- Đâu khó… có thừa phát lại
- Giá đất tái định cư dự án Ven sông từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm đến Công ty Sông Thu
- Nhà đầu tư ngoại âm thầm săn bất động sản Việt
- VỀ TRÀ BUI
- Đòi chia nhà với con sau 20 năm đi biệt
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Khi nào thị trường BĐS tăng và “nổ”?
- Chậm giao đất, Công ty Quốc Cường Gia Lai bị kiện