Tại hội thảo chuyên đề “Nhận diện nghề môi giới bất động sản” do Báo Công thương phối hợp với Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam tổ chức ngày 20-4, ông Trần Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nêu những tồn tại trên thị trường BĐS như: nhiều người làm dịch vụ môi giới BĐS không có chuyên môn, không qua đào tạo và không có chứng chỉ hành nghề.
Nguyên nhân gây “sốt” đất vừa qua có một phần do các “cò” đất bịa đặt thông tin để thổi giá. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhiều người làm dịch vụ môi giới BĐS “tay ngang” theo thời vụ, có “sóng” mới tham gia. Có hiện tượng môi giới BĐS tạo lợi ích nhóm, đầu cơ, thổi giá, thu lời bất chính và gây lũng đoạn, bất ổn dẫn đến hiện tượng “bong bóng” trên thị trường.
“Hoạt động môi giới BĐS ở Việt Nam khá lộn xộn và chưa được quản lý tốt. Vấn đề đào tạo chưa được đầy đủ. 90% tiềm năng BĐS hiện nay là không chính xác về mặt vị trí, giá cả và tính pháp lý; vì thế, không thể đạt được mức độ chính xác thông tin về BĐS hoàn toàn và tạo ra thị trường không minh bạch”, ông Trần Hoàng Nam nói.
Trong khi đó, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng thông tin: “Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 quy định điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS tương đối dễ dàng, lỏng lẻo, không quy định phải qua kiểm tra, sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới BĐS. Chính vì vậy, đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, làm cho xong để kiếm tiền. Hiện nay, hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp”.
Đáng chú ý, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, trên thị trường đang diễn ra tình trạng “bất đối xứng thông tin” về BĐS. Người dân không thể biết được diễn biến một cách sát sườn giá cả thị trường BĐS do bị rơi vào bẫy “bất đối xứng thông tin” và phải trả giá đắt khi mua BĐS. “Thị trường BĐS phát triển thiếu minh bạch, chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.
Việt Nam đang đứng thứ 61 về chỉ số minh bạch BĐS, xếp hạng cao nhất trong nhóm “kém minh bạch” và đang ở ngưỡng quá độ lên nhóm “bán minh bạch”. Sự thiếu minh bạch này chính là sự bất đối xứng thông tin. Các công ty tư vấn có vai trò góp phần cung cấp đầy đủ thông tin đáng tin cậy, được kiểm chứng để giảm bớt rủi ro cho người mua nhà, khắc phục tình trạng bất đối xứng thông tin”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
Đề cập đến những phát sinh tại dự án Khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, các dự án khu đô thị do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư và Công ty Hoàng Nhất Nam phân phối…, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, đây là những tồn tại của thị trường và hoạt động môi giới BĐS. Trước hết, các bên liên quan cần phải đàm phán như trong hợp đồng đã đề cập. Nếu không đàm phán, thỏa thuận được thì đưa ra tòa án dân sự để giải quyết. “Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh với sự không chuyên nghiệp của chủ đầu tư, người môi giới cũng như việc không công khai về quy hoạch, tiến độ của các dự án BĐS.
Thị trường BĐS trên thế giới cũng như ở Việt Nam rất phức tạp, những nhà môi giới BĐS phải cùng nhau xây dựng cộng đồng môi giới BĐS của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ về số lượng lẫn trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
HOÀNG HIỆP
Các bản tin khác
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng
- Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2030