Sau hàng loạt động thái mạnh mẽ của chính quyền để chấn chỉnh thị trường bất động sản, giá đất tại các điểm nóng của Đà Nẵng đã phần nào hạ nhiệt.
“Gần một tháng nay giao dịch rất vắng vẻ. Những đại gia buôn đất từ các địa phương khác rút lui dần nên không khí trầm lắng lắm. “Cò cá mập” đi hết, TP thì cho phá dỡ hết kiốt bất động sản (BĐS) trái phép, cảnh báo thông tin giả mạo khiến giá đất hạ nhiệt, đứng bánh hết” - anh Tài, chủ một đại lý kinh doanh BĐS tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, kể với Pháp Luật TP HCM.
Ngày 24-4, chúng tôi dạo quanh một số điểm nóng về BĐS tại Đà Nẵng sau nhiều động thái chấn chỉnh thị trường của chính quyền địa phương.
Ngồi trong nhà, anh Tài dõi mắt ra con đường Nguyễn Tất Thành nối dài (phường Hòa Hiệp Nam) đang nắng cháy da thịt, mong chờ khách hàng. “Vắng lắm em ơi, mấy tuần nay có thấy ai hỏi mua đất gì đâu. Anh nhận ký gửi hơn chục lô đất từ cách đây một tháng, lúc đó giá chạm đỉnh, giờ có chỗ giảm đến 1 tỉ đồng rồi” - anh Tài buồn buồn.
Theo một số đại lý BĐS tại quận Liên Chiểu, giá đất nền tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng thuộc các khu đô thị như Golden Hills, KimLong City… đang giảm sâu. Chỉ một tháng trước, đất đai tại đây bị giới “cò cá mập” dùng đủ chiêu trò thổi giá, đẩy một nền đất 100 m2 chạm ngưỡng 3,5-4 tỉ đồng. Nay một nền như vậy đang được rao bán 2,8-3,3 tỉ đồng.
Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thị trường cũng trầm lắng. Một nền đất 125 m2 tại Nam Hòa Xuân đang có giá khoảng 3,5 tỉ đồng nhưng rao bán chẳng ai mua. Trong khi trước đây, mức giá đến hơn 4 tỉ đồng. Vào các group mạng xã hội chuyên rao bán BĐS, cò đăng đi đăng lại một nền đất với “giá sập sàn” nhưng số người hỏi ngày càng ít.
Tại các xã thuộc huyện Hòa Vang, nơi chúng tôi từng phản ánh cơn sốt đất trong loạt bài “Cò đất náo loạn miền Trung”, khung cảnh giờ vắng ngắt. Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, tình trạng tung tin đồn thổi giá đất nông thôn không còn diễn ra. “Giờ có ai hỏi mua đất ruộng vườn nữa đâu. Cò bay đi hết rồi” - ông Hành nói.
Ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay sở đã nhận được báo cáo từ một số quận của TP về kết quả xử lý, tháo dỡ kiốt kinh doanh BĐS trái phép.
Cụ thể, tại quận Ngũ Hành Sơn có gần 400 kiốt thuộc diện xây dựng trái phép. Sau thông báo, gần 100 kiốt được chủ nhân tự giác tháo dỡ. Dù không phức tạp bằng nhưng quận Sơn Trà cũng thống kê được khoảng 45 kiốt BĐS trái phép và cho tháo dỡ. Nóng nhất là quận Liên Chiểu, địa phương tiên phong tháo dỡ kiốt BĐS trái phép, 288/300 kiốt đã được tháo dỡ chỉ sau nửa tháng triển khai.
Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, phường nhận thấy các kiốt dễ trở thành điểm mua bán BĐS trái luật nên quyết liệt “trảm” để ổn định tình hình.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định những động thái vừa qua của Đà Nẵng là rất đáng hoan nghênh. Các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc trước những hành vi gây nhiễu loạn, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt khiến thị trường không phát triển lành mạnh.
“Các địa phương cần nhìn bài học ở Đà Nẵng và làm quyết liệt. Không chờ tới lúc phát sinh điểm nóng mà ngay khi chưa nóng cũng cần có hoạt động kiểm soát. Nếu cứ giao dịch theo kiểu thổi giá, đưa giá trị BĐS tăng lên không đúng với giá trị thực thì chính các nhà đầu tư cũng không dám tham gia mua bán” - ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Đính nhận định TP mới chỉ làm được một bước là ổn định thị trường, kiểm soát lại các hoạt động cò mồi thao túng giá đất, mua bán không đúng quy định. Về lâu dài, Đà Nẵng cần tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy các dự án phát triển trở lại theo cách bình thường. Có các hoạt động rà soát, kiểm tra, kết luận dự án nào đủ điều kiện, chủ đầu tư có khả năng thì nên tiếp tục cho triển khai. Dự án nào không đáp ứng được thì xử lý ngay, đưa vào thu hồi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khác.
“Có như vậy thị trường mới có nguồn hàng và phát triển đúng hướng. Tức là có sự đầu tư của các nhà phát triển dự án thì sẽ kéo theo những đầu tư khác về hạ tầng giao thông, dịch vụ kết nối, thị trường mới hứng khởi và có những giao dịch chính thống, đảm bảo phát triển bền vững” - ông Đính nói.
Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khi lực lượng quy tắc đô thị đi thông báo, tuyên truyền thì nhiều người tự giác tháo dỡ kiốt BĐS trái phép nhưng cũng không ít trường hợp chống đối. "Tôi phải động viên anh em rằng cứ tháo dỡ theo quy định, có gì tôi chịu trách nhiệm. Khi đó anh em mới hăng hái làm" - ông Nhường nói.
Sau một tháng dọn dẹp, vỉa hè, đường sá tại các khu dân cư mới đã vắng bóng kiốt. Số ít còn lại hoặc đủ điều kiện hoạt động hoặc đóng cửa kín mít, ít người lai vãng.
Các bản tin khác
- Cách nào để vay được tiền mua nhà?
- Ngân hàng tìm cách kích tín dụng cuối năm
- Phạt 200 triệu đồng khi bán đất chưa được phép “phân lô bán nền”
- Phạt 300 triệu đồng nếu “bán lúa non” dự án
- Tạo sức bật cho kinh tế Đà Nẵng
- Doanh nghiệp BĐS mỏng vốn sẽ bị đóng cửa
- Không phải khai báo thông tin người thân khi giao dịch ngân hàng
- “Không có ông nước ngoài nào mang cả máy bay tiền sang mua hết nhà ở Việt Nam”
- Dễ hớ với lãi suất thả nổi
- BĐS Bất động sản bung sản phẩm né “hàng khủng”
- Đà Nẵng: Bán lô 6 "siêu xe" hơn 7 tỷ đồng
- Tuyệt chiêu phong thủy cho phòng khách
- Bất động sản sẽ “phất” lên vì hạ tầng?
- Sau 31/12/2014: GPLX giấy vẫn sử dụng bình thường
- Chậm làm giấy hồng cho người mua nhà sẽ bị phạt đến 1 tỉ đồng
- Bóc chiêu 'khan hàng' sau ngày mở bán
- Thể lệ và câu hỏi cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
- Đất trong quy hoạch có được chuyển mục đích sử dụng?
- Phong thủy cho người kinh doanh bất động sản
- Mua bán, đầu tư dự án đón sóng từ khối ngoại