Các chuyên gia đánh giá, phải đến cuối năm 2013, khi ngân hàng hoàn tất tái cấu trúc, vốn cho bất động sản được khơi thông, thị trường địa ốc mới có thể ấm dần.
Tại buổi tọa đàm triển vọng thị trường bất động sản năm 2013 ngày 23/10 do báo Đầu tư tổ chức, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển cho rằng sở dĩ thị trường bất động sản khủng hoảng như hiện nay là do kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, đầu ra của thị trường bị tắc. Từ nay đến cuối năm sẽ có hàng loạt doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì đói vốn. Tuy nhiên, theo ông Thắng, để giải cứu cho địa ốc cần phải kích cầu "một cách từ từ, tránh nóng vội". "Không thể kích cầu mạnh giúp địa ốc hồi sinh, để rồi nền kinh tế lại phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao", ông Thắng nhìn nhận.
Năm 2012 được coi là "đáy" của thị trường bất động sản, nhưng "đáy" theo hình chữ V hay chữ U tùy thuộc vào kinh tế vĩ mô điều tiết. Theo ông Thắng, bất động sản sẽ hồi sinh sớm nếu có những chính sách đúng đắn về kiều hối và vàng. Viện trưởng Viện chiến lược phát triển phân tích, trung bình mỗi năm lượng kiều hối đổ về trong nước khoảng 10 tỷ USD. Ngoài ra, lượng vàng nhập khẩu ròng của cả nước khoảng 500 tấn (tương đương 28 tỷ), nếu tính cả lượng tích lũy dưới nhiều hình thức như vàng miếng, nữ trang thì khối dự trữ trong dân hiện nay khoảng gần 40 tỷ đôla.
"Trong bối cảnh vốn địa ốc khan hiếm, nếu đưa được những nguồn lực này vào bất động sản thì thị trường sẽ ấm lên nhanh chóng", ông Thắng nói.
Địa ốc có thể hồi sinh sau hơn một năm nữa. Ảnh: Hoàng Lan |
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest) cho rằng để thị trường bất động sản ấm lên cần có nguồn vốn ổn định. Theo ông Hiệp ngân hàng đang thực hiện tái cấu trúc, và đến giữa năm 2013 mới có thể hoàn tất. Ngân hàng giống như quả tim còn nguồn vốn giống như mạch máu và thị trường bất động sản được ví như cơ thể. "Quả tím khỏe thì mới có mạch máu tốt nuôi cơ thể. Ngân hàng tái cấu trúc xong thì phải đến cuối năm 2013 thị trường địa ốc mới ấm lên", ông Hiệp ví von.
Giới chuyên gia cho rằng, hiện các doanh nghiệp bất động sản đều bị thua lỗ, không ít trường hợp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay, hàng tồn kho lớn... Doanh nghiệp trên diện rộng đang phải đối mặt với nguy cơ 3 dở dang và 3 giảm: đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang. Giá cả sụt giảm, sức mua sụt giảm và giao dịch giảm.
Hơn một năm nữa thị trường địa ốc mới hồi sinh nên theo ông Hiệp, doanh nghiệp nên "chờ thời cơ". Ông Hiệp chia sẻ, công ty ông có mảnh đất đẹp ở Hà Nội nhưng phải chờ đến tháng 7-8 năm sau mới tính đến việc khởi công dự án. "Trước mắt chúng tôi vẫn ở trạng thái cầm cự để cố gắng tồn tại", lãnh đạo GP - Invest nói.
Ông Đặng Hùng Võ, Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng trong năm 2013, khả năng nhiều dự án giá thấp sẽ xuất hiện và nếu đầu ra được khơi thông thì địa ốc sẽ sớm phục hồi. Trọng tâm phải đi tìm lời giải cho hàng chục nghìn căn hộ đang tồn đọng. Và mấu chốt vấn đề là các nhà đầu tư sẽ buộc phải chịu lỗ để tự cứu mình. "Nếu đeo một khối nợ vào 'trận' mới thì nặng nề quá", ông Võ nói.
Tái cấu trúc ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến các chủ đầu tư địa ốc, nhất là doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào ngân hàng. "Các nhà đầu tư phía Nam sẽ hưởng lợi hơn phía Bắc vì trong khi doanh nghiệp phía Bắc huy động 30% từ ngân hàng thì đơn vị phía Nam huy động tới 70%", ông Võ nhận định.
Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng tín dụng, Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, từ tháng 3 đến nay, ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh lãi suất cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp. Cho rằng cũng không nên chờ nhà băng tái cơ cấu mới triển khai dự án mà cần tự cân đối dòng tiền để có thể sống được trong bối cảnh hiện nay. Cho rằng sang năm tới, tín dụng cho bất động sản hạng sang, văn phòng cho thuê vẫn bị kiểm soát chặt chẽ song ông Tần khẳng định: "Ngân hàng vẫn mở hầu bao đối với các dự án sắp hoàn thiện, nhà ở xã hội...".
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn, Quốc hội luôn quan tâm đến khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, nợ xấu của ngân hàng, hàng tồn kho... Hiện hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM tồn khoảng 70.000 căn hộ, một con số không nhỏ nên cần có biện pháp làm ấm thị trường địa ốc.
Bản thân ông Phúc đã từng đi qua Cầu Đuống, Thạch Bàn và chứng kiến các "ông lớn" tồn hàng chục triệu viên gạch bán giá thấp nhưng không ai mua. Thép ở Hải Phòng cũng ế ẩm. "Bởi vậy cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản nhằm cứu 86 ngành liên quan. Tất cả các ý kiến đóng góp sẽ được gửi thẳng lên Quốc hội", ông Phúc cam kết.
Hoàng Lan
Theo Vnexpress.net
Các bản tin khác
- Đa dạng nguồn cung nhà ở chất lượng cao
- Đà Nẵng: Bảng giá đất giảm tới 40%
- Đề nghị công bố hai dự án bãi đỗ xe ngầm
- Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Dự án tàu điện ngầm: Ga chính tại khu vực trước Nhà hát Trưng Vương
- Bán vàng mua đất: Nên hay không?
- Bắt "cò" chung cư thu nhập thấp
- XÂY DỰNG TUYẾN ĐƯỜNG TRỤC CHÍNH ĐÔ THỊ MỚI ĐIỆN NAM - ĐIỆN NGỌC
- Công chứng hợp tác chống giấy tờ giả
- Lãi suất cho vay 9,9%/năm
- Không nên bỏ quy định bắt buộc công chứng hợp đồng nhà, đất
- “Khai tử” tiền giấy 10.000 và 20.000 đồng
- Khách hàng nên chọn kênh đầu tư nào?
- Tổng kết thị trường BĐS tháng 9: Người mua rục rịch “xuống tiền”
- Thông tư số 140/2012/TT-BTC hướng dẫn kê khai miễn giảm thuế 2012
- Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp
- Nhà đất giá 'mềm' rục rịch bán mua
- Giá khởi điểm đấu giá một số lô, khu đất trên địa bàn thành phố
- Hà Nội: "Cò" ngân hàng khiến hàng chục hộ dân mất nhà
- Thị trường BĐS: "Cá bé" đang nuốt "cá lớn"?