Theo các chuyên gia bất động sản, những đợt "sốt" đất, tăng giá chóng mặt tại TP Đà Nẵng trong thời gian qua có một phần là do giới đầu nậu và cò đất "thổi" giá với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một trong những thủ đoạn "thổi" giá đó, chiêu "dương đông kích tây" khiến cho nhiều người bị "dính" bẫy. Ông Phạm Văn Hưng, nhà ở Q.Thanh Khê cay đắng kể: thấy ai cũng rủ rê đi buôn đất kiếm bạc triệu dễ như chơi nên hồi ra tết 2019, ông quyết định "dấn thân" vào lĩnh vực này. Lúc đó, có một dự án ở Tây Bắc Đà Nẵng đang "hot", ông chạy lên tìm hiểu. Sau khi được một môi giới ở đây "vẽ" ra viễn cảnh trong năm nay, khu vực này sẽ tăng giá mạnh vì sắp tới có nhiều dự án về hạ tầng, du lịch, nghỉ dưỡng... được khánh thành hoặc khởi công và nhất là thấy cảnh nhộn nhịp người kéo về đây tìm hiểu, giao dịch, ông Hưng có ý định mua lô đất ở trục đường 45m với giá 5 tỷ đồng.
|
Khách hàng tham dự và tìm hiểu tại lễ giới thiệu một dự án đất nền ở Đà Nẵng. Ảnh: minh họa |
Đang lưỡng lự xuống tiền cọc thì có một người xuất hiện, nói giọng Bắc, cho biết mới ở Hà Nội vào cần mua lô đất này để mở chi nhánh công ty kinh doanh tại Đà Nẵng với giá 5,5 tỷ đồng với điều kiện phải làm thủ tục công chứng và sang tên đổi chủ. Thấy "ngon" nên ông Hưng liền đặt cọc 500 triệu đồng mua lô đất nói trên đồng thời về vay thêm ngân hàng 2 tỷ đồng để có đủ 5 tỷ đồng chồng tiền mua đất. Tuy nhiên, sau khi sang tên xong, gọi lại "người khách đến từ Hà Nội" đã đề nghị mua lại thì người này không bắt máy nên ông Hưng phải "ôm" lô đất đã mua với giá trên trời từ đó đến nay. Sau này ông Hưng mới biết chiêu "dương đông kích tây" của một số tay buôn bất động sản móc nối với cò đất đã cũ rích nhưng những người mới vào nghề như ông mới bị "sập bẫy".
Thêm một thủ đoạn "thổi" giá đất nữa là chiêu thu gom rồi tạo ra cơn "sốt" ảo với hình thức một nhóm khoảng 10 người tay buôn góp vốn và chủ động bày "cuộc chơi" để dụ khách. Họ mua đất dự án rồi phân nhau đẩy giá theo kiểu người thứ nhất mua 1 đồng, người thứ 2 trong nhóm mua lại với giá 2 đồng đến người thứ 3 đẩy giá lên 3 đồng... và cuộc chơi cứ thế đẩy giá đất lên cao tạo cơn "sốt" trên thị trường. "Thủ đoạn này cũng xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng vẫn rất hiệu quả, đặc biệt tại những khu vực đất nền có tiềm năng hoặc mới phát triển", một tay môi giới bất động sản cho biết. Tiếp đến là chiêu phân phối độc quyền. Dễ nhận thấy là khi bắt đầu công bố dự án mới, các sàn giao dịch sẽ tổ chức sự kiện, mời hàng trăm khách hàng đến giới thiệu dự án rồi công bố thông tin là mình sẽ phân phối độc quyền dự án này đồng thời tung ra lượng sản phẩm rất hạn chế, công bố lượng giao dịch thành công lên đến hơn 90%, thậm chí là 100% để tạo sự khan hiếm trên thị trường, kích thích người mua xuống tiền cho những lần bán tiếp theo.
Bên cạnh đó, thủ đoạn "thổi" giá theo kiểu bán hàng đa cấp cũng được áp dụng. Cụ thể, sau khi chủ đầu tư ra hàng, họ không bán trực tiếp mà giao cho một tổng đại lý hay gọi là F1 thường được các sàn giao dịch công bố là phân phối độc quyền. Từ tổng đại lý F1 sẽ bán cho hàng loạt các đại lý F2 với hình thức bán theo khu, từ các đại lý F2 sẽ bán cho các đại lý F3 với hình thức bán theo phân khu... Cứ thế, đất được bán qua nhiều trung gian mới đến tay khách hàng. Vì đất được bán qua nhiều trung gian nên giá bị đẩy lên cao, nhiều lô giá đội lên 3 - 4 lần so với mức giá gốc chủ đầu tư đưa ra ban đầu. Ngoài những thủ đoạn nói trên, nhằm tạo ra "sốt" đất ảo, một số cò đất còn giả mạo cả văn bản của chính quyền địa phương về việc đầu tư, triển khai, khởi công, khánh thành... các dự án trọng điểm về hạ tầng, nhất là về cầu đường để trục lợi. Đơn cử, đầu tháng 11-2018, trên các trang mạng xã hội đăng tải một văn bản giả của UBND TP Đà Nẵng, thậm chí có cả chữ ký giả của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ với nội dung phê duyệt đầu tư xây dựng công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân để tạo nên cơn "sốt" đất ảo tại các dự án đất nền ở Q.Ngũ Hành Sơn, Q.Cẩm Lệ.
Các chuyên gia bất động sản có cùng đánh giá về những thủ đoạn "thổi" giá, bất động sản nêu trên rất nguy hiểm, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nên tình trạng "bong bóng" trên thị trường bất động sản và nếu "bong bóng" nổ sẽ gây thiệt hại rất lớn. Với những đợt "sốt" ảo thì những ai tham gia sớm, rút khỏi thị trường sớm thì thu được nhiều tiền, giàu lên rất nhanh, còn ai tham gia muộn và chưa kịp rút ra khỏi thị trường thì đổ vỡ, lâm nợ, thậm chí là phá sản... "Nên mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định, không nên đầu tư theo kiểu phong trào sẽ dễ nhận rủi ro, đặc biệt là lúc thị trường đang lên cơn "sốt", anh Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Đầu tư bất động sản An Quốc khuyến cáo.
PHÚ NAM
Theo báo CADN
Các bản tin khác
- Đặt chỗ quyền mua Coco Riverside City với 30 triệu đồng
- Trải nghiệm tháp rơi tự do cao nhất Việt Nam tại Asia Park
- Bất động sản Đà Nẵng “trở mình” với những dự án khủng
- Mercure Bà Nà Hills French Village nhận hai giải thưởng kép tại The Guide Awards 2016
- Đà Nẵng có spa nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á
- Dỡ bỏ rào cản tiếp cận đất đai
- Mơ về bức tranh đêm
- Chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Đà Nẵng
- APEC 2017: Cơ hội đầu tư bất động sản du lịch
- Những con đường "có số"
- Mua nhà đất vùng ven và những rủi ro tiềm ẩn
- Chủ trương về thu nợ tiền sử dụng đất TĐC đối với các hộ nợ 10 năm quy theo vàng 98%
- Luật Đất đai sẽ được sửa thế nào?
- Bất động sản vẫn có sức hút lớn
- Đà Nẵng: Hơn 100 lô thuộc dự án Khu đô thị sinh thái Coco River Garden giao dịch thành công
- Thị trường bất động sản: Vào mùa sôi động
- Sun Group chính thức giới thiệu dự án cao cấp cạnh Hồ Tây
- Hơn 10 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu TĐC phía Tây Trường cao đẳng Lương thực thực phẩm
- “Con đường khó” của Sun Group
- 3 cú hích cho thị trường nhà ở Việt Nam