Thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng đang trầm lắng, nhất là đất nền dự án. Một số người “ôm” đất nền dự án đã phải chấp nhận giảm đến 500 triệu đồng so với thời điểm “sốt” giá để xuống hàng càng nhanh càng tốt.
Giao dịch ảm đạm
Dạo quanh một vòng nhiều dự án khu đô thị trên địa bàn TP Đà Nẵng vào thời điểm giữa buổi sáng nhưng hầu hết không khí giao dịch BĐS đều ảm đảm. Tại khu đô thị sinh thái Golden Hills, chúng tôi nhẩm đếm có khoảng 10 phòng giao dịch BĐS hoạt động nhưng chỗ thì khóa cửa im lìm, nơi thì không có bóng dáng khách hàng. Các nhân viên ngồi bấm điện thoại, thi thoảng ngước mặt chờ đón khách khi có tiếng xe chạy ngang qua.
Các điểm giao dịch BĐS im lìm.
Các điểm giao dịch BĐS im lìm.
|
Những quán cà phê trên đường AC-03 trước đây chủ quán không kịp phục vụ thì nay lác đác vài bóng người. Trước đó, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2019, đất nền tại dự án Golden Hills "sốt" giá đến không tưởng khiến nơi đây náo loạn, "cò đất" khắp nơi đổ về, khách hàng cũng tấp nập giao dịch.
Ghé vào quán giải khát có một nhóm 5 người làm nghề môi giới nhà đất đang trao đổi, chúng tôi nghe được những câu chuyện họ nói với nhau chủ yếu liên quan đến khách hàng ký gửi bán nhà hoặc nhờ mua nhà. Phóng viên tò mò vì sao không khí giao dịch BĐS nơi đây vắng vẻ, chị chủ quán "kiêm" môi giới nói, đất nền ở đây đang đứng nên khách đến hỏi mua thưa, giao dịch bây giờ chủ yếu qua điện thoại.
Qua tìm hiểu, từ ngày chính quyền TP Đà Nẵng tháo dỡ những kiot giao dịch BĐS tự phát, tình hình giao dịch ở Golden Hills lắng hẳn.
Tương tự, tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), giao dịch phân khúc đất nền dự án cũng ảm đạm.
Chấp nhận giảm giá để "xả hàng"
Theo tìm hiểu, đất nền một số dự án ở Đà Nẵng đang rớt giá từ 200 đến 300 triệu đồng/lô so với thời điểm "sốt đất" gần nhất.
Làm nghề môi giới BĐS và chuyên thị trường đất nền các dự án, Phan Lan Hương cho biết: "Đất ở Golden Hills đã xuống từ 200 đến 300 triệu đồng/lô, tùy theo vị trí. Hiện giao dịch tại đây kém sôi động hẳn vì nhiều người đầu tư cho rằng mức giá này vẫn cao so với thực tế thị trường". Cũng theo Hương, hiện ở khu C dự án này, đất đường 10m có giá dao động từ 3,1 đến 3,2 tỷ đồng. Trong khi đó, đất đường 7m giao động mức 2,8 tỷ đồng. Còn đất đường 5m có giá từ 2,6 tỷ đồng.
Vào thời điểm cuối tháng 2/2019 vừa qua, đất nền dự án Golden Hills "sốt" bất thường. Nếu như giữa năm 2018, đất khu A dự án này dao động từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/lô tùy theo vị trí, thì ở thời điểm "sốt" vừa qua, giá đất tại đây đã tăng phi mã khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi lô.
Giá đất nền dự án ở Đà Nẵng đang giảm.
|
Tìm hiểu qua nhiều nhà môi giới và những "cò đất", được biết nhiều người "ôm" đất dự án nhưng phải trả lãi ngân hàng đã buộc phải giảm đến 500 triệu đồng/lô với mong muốn "xả hàng" càng nhanh càng tốt. "Những ngày qua, rất nhiều người chấp nhận hạ giá đến 500 triệu đồng mỗi lô đất với mong muốn bán nhanh để tránh ôm lãi ngân hàng nhưng vẫn ít khách hàng hỏi mua", một nhà môi giới cho biết.
Tương tự ở một số dự án thuộc khu vực nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Liên (huyện Hòa Vang), giá đất nền dự án giảm mạnh và rất ít người mua.
Quyết liệt hơn để bình ổn thị trường
Qua điều tra của phóng viên, sở dĩ Đà Nẵng xảy ra những cơn "sốt" đất bất thường là do có một đội ngũ "cò đất" chuyên sử dụng những chiêu thức, mánh khóe để tạo nên những "cơn sốt ảo". Thấy giá đất "sốt", nhiều người lao vào đầu tư và lẽ dĩ nhiên "sập bẫy" của "cò đất". Khi "cơn sốt" đạt đỉnh, "cò" tháo lui và để lại hậu quả chủ yếu cho những nhà đầu tư địa phương, trong đó có nhiều người đi vay ngân hàng mua đất.
Lực lượng chức năng quận Liên chiểu tiến hành tháo dỡ ki ốt kinh doanh BĐS không đúng quy định trên địa bàn.
|
Trước những cơn "sốt đất" bất thường, chính quyền Đà Nẵng đã vào cuộc tích cực và kịp thời. Theo đó, các quận trên địa bàn Đà Nẵng đã tiến hành tháo dỡ hàng trăm ki ốt giao dịch BĐS xây dựng trái phép đã góp phần lập lại trật tự, ổn định tình hình. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã có công văn chỉ đạo Công an TP và các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng "cò đất" tung tin thất thiệt, bịa đặt nhằm "thổi" giá đất.
Tình hình giao dịch đất đai ở Đà Nẵng đang tạm lắng. Đây là tín hiệu tích cực. Song thiết nghĩ, chính quyền thành phố cần quyết liệt hơn, rốt ráo hơn trong xử lý các đối tượng "cò đất" tung tin thất thiệt gây náo loạn thị trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là an ninh kinh tế. Chỉ khi thị trường BĐS bình ổn và trở về với giá trị thực thì những người dân có nhu cầu mua nhà, đất để ở mới có cơ hội.
Các bản tin khác
- Thị trường căn hộ tháng 11: Chạy đua cuối năm
- Thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa bền vững
- Bế mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016: Phát huy sức mạnh đồng thuận, xây dựng TP phát triển bền vững
- Đường Lê Hồng Phong: Yêu Đà Nẵng từ những con phố nhỏ
- College Town Đà Nẵng: Vùng tri thức - Vùng đầu tư tiềm năng
- Danh tính "Top 10 khu đô thị đáng sống nhất Việt Nam"
- Người Việt mua ô tô tăng cao 'chóng mặt'
- Quy hoạch kiến trúc cảnh quan bờ sông Hàn: cần cân nhắc kỹ lưỡng
- TP.HCM: Kiến nghị cho quận huyện được cấp giấy chứng nhận
- Giao lưu trực tuyến về việc cấp giấy CMND 12 số
- Ngân hàng phải sớm có quy trình cấp bảo lãnh bất động sản
- Ngập tràn quảng cáo nhà đất sai sự thật
- UBND TP Đà Nẵng trả lời một số ý kiến bức xúc của cử tri trước kỳ họp thứ 15 HĐND TP Khóa VIII
- Nhà đất Đà Nẵng “sốt” do quỹ đất nội đô khan hiếm
- Bất động sản 'xả hàng'
- Ghi diện tích trên sổ đỏ chung cư thế nào?
- Đô thị sinh thái làm nóng bất động sản Đà Nẵng
- TP.HCM: Từ 7-12-2015 sẽ không còn cấp CMND 9 số cũ
- Đường Lê Hồng Phong: Yêu Đà Nẵng từ những con phố nhỏ
- Văn phòng dịch vụ cho thuê - xu hướng mới đón đầu TPP