Một công ty địa ốc bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, 9 tháng qua chưa có một nhà đầu tư Hàn Quốc nào tham gia vào dự án mới tại Việt Nam, doanh nghiệp lo ngại tình trạng bán phá giá địa ốc... là thông tin nổi bật trong tuần.
Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết đã thu lý đơn yêu cầu của Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc về việc đề nghị mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Sỹ Ngàn. Lý do là Công ty Sỹ Ngàn mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn.
Cơ quan này yêu cầu Công ty Sỹ Ngàn phải nộp một số báo cáo liên quan đến tài chính và các khoản nợ. Đồng thời, công ty này phải giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán.
Công ty Sỹ Ngàn là chủ đầu tư của dự án Resort 5 sao trên hồ đầu tiên tại Hà Nội - Ngọc Viên Islands. Dự án có tổng diện tích hơn 30 ha với tổng mức đầu tư 70 triệu USD bao gồm 112 phòng khách sạn, 80 căn hộ dịch vụ, 65 biệt thự cao cấp... Hồi cuối năm 2011, Tập đoàn Archi đã mua lại 40% cổ phần của Công ty Sỹ Ngàn.
Nhà đầu tư Hàn Quốc rời thị trường bất động sản Việt Nam
Trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc chưa tham gia vào dự án bất động sản mới nào tại Việt Nam. 4 dự án trị giá gần 1 tỷ USD tại TP HCM, Long An và Ninh Thuận đã bị thu hồi hoặc rút vốn.
Cố vấn tiếp thị cấp cao Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa phân tích, trong vòng 5-10 năm qua các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đã theo đuổi nhiều dự án tại Việt Nam. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự trầm lắng kéo dài của bất động sản Việt Nam từ năm 2008 đến nay đã khiến nhiều nhà đầu tư Hàn rút chân khỏi thị trường.
Trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc chưa tham gia vào dự án bất động sản mới nào tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà |
Chuyên gia này dự báo, nhiều khả năng làn sóng thoái vốn bất động sản của nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ mạnh dần lên do các doanh nghiệp này gặp vấn đề về tài chính, chậm triển khai dự án dẫn đến bị thu hồi. Ngoài ra xu hướng dịch chuyển kinh doanh sang các ngành khác cũng dần lộ rõ, chủ yếu là ngành hàng tiêu dùng.
Thống kê của LOGOS, hiện nay nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn còn 8 dự án liên quan đến bất động sản tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam với tổng kinh phí đầu tư ước tính hơn 1,1 tỷ USD.
"Chống bán phá giá bất động sản"
Tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện một số doanh nghiệp lớn cho rằng, do tình hình khó khăn nên nhiều đơn vị đã tìm mọi cách thoát khỏi cuộc chơi bằng cách phá giá.
Một số doanh nghiệp cho rằng việc phá giá sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án, nhất là phân khúc nhà ở cho người nghèo. "Khi nhà xã hội còn đắt hơn cả nhà ở thương mại, người dân sẽ so sánh. Họ sẽ có tâm lý chờ đợi để mua nhà thu nhập thấp, tội gì mua nhà ở xã hội", lãnh đạo Vinaconex lo ngại. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đề xuất Bộ Xây dựng phải đưa ra chính sách chống bán phá giá.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cho hay, thành phố sẽ kiểm tra những dự án phá giá đó có bán thật như vậy không hay chỉ đưa thông tin gây xáo trộn thị trường.
Các doanh nghiệp địa ốc lo ngại về tình trạng bán phá giá trên thị trường. Ảnh: Chủ đầu tư |
Khu phức hợp casino 4 tỷ đôla khởi công sớm
Ngày 26/10, Công ty Asian Coast Development (Canada) Limited (ACDL) khởi công xây dựng tòa tháp khách sạn thứ hai của MGM Grand Hồ Tràm Beach tại dự án Hồ Tràm Strip dọc bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Công trình gồm 559 phòng và trung tâm vui chơi giải trí mở rộng, sẽ nối liên thông với tòa tháp khách sạn đầu tiên.
Tổng giám đốc Điều hành dự án ông Lloyd Nathan cho hay, trước đây, thời điểm khởi công này dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới. Tuy nhiên, tòa tháp đầu tiên hoàn thành sớm nên tòa khách sạn thứ 2 được đẩy sớm hơn dự kiến.
Tổng số vốn đăng ký của dự án hơn 4 tỷ USD trong vòng 10 năm, trong đó giai đoạn 1 với tổng chi phí gần 500 triệu USD sẽ khai trương vào tháng 1/2013. Theo kế hoạch đến năm 2020, sau khi hoàn thiện toàn bộ dự án sẽ có 9.000 phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao, 180 bàn chia bài, 2.000 máy trò chơi điện tử, các sân golf, vui chơi giải trí.
Dự án Hồ Tràm Strip hiện là dự án khu du lịch phức hợp lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với năm khách sạn chuẩn 5 sao, hai trong số đó được trang bị trung tâm giải trí trò chơi có thưởng, cùng với sân golf cao cấp.
'Bất động sản sẽ hồi sinh vào cuối 2013'
Các chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ có hàng loạt doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì đói vốn. Theo họ phải đến cuối năm 2013, khi ngân hàng hoàn tất tái cấu trúc, vốn cho bất động sản được khơi thông, thị trường địa ốc mới có thể ấm dần. Ông Đặng Hùng Võ, Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng trong năm 2013, khả năng nhiều dự án giá thấp sẽ xuất hiện và nếu đầu ra được khơi thông thì địa ốc sẽ sớm phục hồi.
Phía ngân hàng khẳng định từ tháng 3 đến nay đã 4 lần điều chỉnh lãi suất cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại diện phía nhà băng cũng cho rằng cũng không nên chờ nhà băng tái cơ cấu mới triển khai dự án mà cần tự cân đối dòng tiền để có thể sống được trong bối cảnh hiện nay.
Ngọc Tuyên
Theo vnxpress.net
Các bản tin khác
- Khẩn trương thực hiện tái định cư tại quận Ngũ Hành Sơn
- Phiên họp lần thứ XV của Hội đồng thẩm định Đề xuất quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Bán rẻ căn hộ cũng khó
- Bắt giam một cò đất lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
- Cảnh báo rủi ro trong giao dịch bảo đảm
- BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ CHẠM “ĐÁY”?
- Triển khai bảo đảm tiến độ các dự án tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn
- Đà Nẵng-Quảng Nam khơi thông sông Cổ Cò
- 1.723 tỷ đồng đầu tư đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường vành dai phía Nam
- Giá đất tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố
- 420 tỷ đồng xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Cổ Cò
- Thị trường bất động sản khó “tan băng”
- Thành lập Hội Công chứng TP.HCM
- Nhà đang thế chấp vẫn chứng tặng cho!
- Hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng từ ngày 7/5/2012
- Giấy tờ giả ám ảnh công chứng viên
- Lãnh đạo thành phố tiếp đoàn công tác Hội đồng công chứng Tòa thượng thẩm Douai (Cộng hòa Pháp)
- Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tín dụng: Dòng vốn đã chảy vào BĐS, VLXD?
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 3: Công an lơ là, bọn làm giả nhơn nhơn
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 2: Thiệt hại nặng, xử lý nhẹ