Sổ đỏ giả được làm từ phôi thật qua mặt được cả công chứng viên và có thể đẩy cả chủ đất và người mua vào thế dở khóc dở cười.
Thị trường bất động sản (BĐS) những năm vừa qua có nhiều biến động, giá nhà, đất tăng lên từng ngày tạo ra những cơn sốt đất ở nhiều địa phương.
Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng đã có hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) để giao dịch, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói là những cuốn sổ đỏ giả này lại tinh vi đến mức gần như không thể nhận ra là đồ dỏm.
Làm giấy giả để tráo giấy thật
Hiện đang có hai dạng sổ đỏ giả phổ biến. Thứ nhất là sổ đỏ làm từ phôi thật do Bộ TN&MT cấp cho các địa phương. Vì lý do nào đó, các phôi thật này bị đánh cắp rồi tuồn ra ngoài cho các đối tượng làm giả tự in nội dung lên. Dạng thứ hai là giấy giả hoàn toàn nhưng cũng tinh vi đến mức người dân khó nhận ra.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, tại nhiều nơi từng phát hiện những trường hợp sổ đỏ phôi thật nhưng từ nội dung đến chữ ký trên đó đều là giả để lừa người mua.
Những người làm giấy giả thường đóng vai cò đất hoặc người mua đi tìm nhà, đất để đầu tư. Qua trao đổi với chủ đất thật, nhóm này xin chụp, phôtô giấy tờ rồi lấy các thông tin có trên giấy thật như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, vị trí đất… in lên giấy giả. Sau đó, nhân lúc chủ đất bất cẩn, họ đem giấy giả này tráo đổi với giấy thật. Cũng có trường hợp kẻ gian dựa vào thông tin đăng trên các website mua bán BĐS để làm giấy giả. Táo tợn hơn, kẻ lừa đảo có thể dùng chính giấy giả để giao dịch mà không cần hoán đổi với giấy thật.
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Phó Trưởng Phòng công chứng viên, Phòng Công chứng số 4 TP.HCM, cho biết: “Tại Phòng Công chứng số 4 đã gặp nhiều trường hợp người dân bị lừa tráo sổ đỏ. Bằng thủ đoạn giả làm người mua đất, các đối tượng lừa đảo đã tiếp cận được giấy tờ thật rồi tráo đổi. Nhiều chủ nhà ra đến công chứng mới biết đó là sổ đỏ giả”.
Một sổ đỏ giả được phát hiện ở một văn phòng công chứng. Ảnh: NC
Vẫn có dấu hiệu để truy vết
Các đối tượng lừa đảo thường sẽ cố gắng bán tài sản với giá rẻ hơn so với thị trường và thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh nhất có thể. Nếu nhận thấy các dấu hiệu khả nghi như vậy, người mua phải thận trọng hơn và có sự kiểm chứng giấy tờ thật kỹ lưỡng tại các cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, mặc dù sổ đỏ được làm giả rất tinh vi nhưng ông Nguyễn Lê Tuân, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bình Chánh, cũng chỉ ra một vài chi tiết sai mà người làm giả có thể sơ suất mắc phải. Ví dụ, thay vì ghi “UBND huyện Bình Chánh” thì trên sổ giả lại ghi “UBND quận Bình Chánh”. Ngoài ra, một dấu hiệu nữa là phần chữ ký của sổ giả thường bị run, không sắc nét.
Ông Tuân cho biết trên thực tế văn phòng đã phát hiện ra khá nhiều trường hợp sổ đỏ giả và có trường hợp còn qua được mắt của công chứng viên. Do đó, để bảo vệ quyền lợi và tránh các rủi ro có thể xảy ra, khi thực hiện các giao dịch mua bán nhà, đất, người dân nên thực hiện theo nguyên tắc tìm hiểu kỹ pháp lý lô đất, ngôi nhà (chủ sở hữu lô đất, tình trạng lô đất có thế chấp, tranh chấp gì hay không) và chỉ thực hiện giao dịch trực tiếp với chủ sở hữu BĐS đó.
Khi cấp sổ đỏ cho người dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi trong hồ sơ lưu số phôi và số quyết định cấp. Đây là hai yếu tố quan trọng để biết sổ đỏ là thật hay giả. Chỉ cần so sánh hai số này, nếu một hoặc cả hai đều không có trong hồ sơ lưu tại các địa phương thì đó là sổ giả, kể cả trường hợp sổ giả được in trên phôi thật.
Để thực hiện mua bán nhà, đất, người dân nên nộp hồ sơ mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền để xác minh hiện trạng nhà, đất, tính chính xác của giấy chứng nhận trước khi giao tiền. Ngoài ra, người dân có thể đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi thửa đất tọa lạc để kiểm tra về thông tin chủ đất, tình trạng đất có thế chấp, tranh chấp hay không… Từ đó, xác định được chủ đất thực sự của lô đất và dễ dàng phát hiện ra đó là sổ đỏ giả hay thật.
Nhằm tránh tình trạng các đối tượng xấu có được phôi thật để làm sổ đỏ giả, luật sư Hậu kiến nghị Bộ TN&MT nên giao việc in sổ đỏ cho các tỉnh, TP phát hành theo mẫu đã đưa ra để tránh thất lạc trên đường vận chuyển. Đồng thời, các công chứng viên phải được tập huấn thường xuyên để nhận diện sổ đỏ giả.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, người có hành vi làm, sử dụng sổ đỏ giả để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị truy tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra còn có thể bị truy tố tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với hình phạt cao nhất là phạt tù 3-7 năm. |
Các bản tin khác
- THƯ CẢM ƠN!
- NỮ ANH HÙNG HẾT LÒNG VÌ CỘNG ĐỒNG
- UBND TP Đà Nẵng trao cờ thi đua năm 2022 cho VPCC Bảo Nguyệt
- Bỏ sổ hộ khẩu, người mua bán nhà đất cần nhớ điều này để tránh không chuyển nhượng được “sổ đỏ”
- 3 việc cần làm ngay trước ngày Sổ hộ khẩu bị khai tử
- Những việc cần làm trước khi bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023
- Bỏ Sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023: Phương án nào để chứng minh thông tin cư trú?
- 31 trường hợp nhà đất được miễn phí trước bạ từ ngày 1/3/2022
- 5 Quy Định Mới Về Sổ Đỏ, Chuyển Mục Đích Sử Dụng Đất
- Hộ chiếu cấp trước 2022 được dùng đến khi hết hạn
- Khuyến khích cấp mới, cấp đổi Sổ đỏ ghi tên cả vợ và chồng
- Đã có hướng dẫn về trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu từ 01/7/2021
- Cách hợp thức hóa đất mua bằng giấy viết tay
- 3 quy định mới người mua nhà từ ngày 01/7/2021 cần biết
- 6 chính sách mới quan trọng có hiệu lực tháng 7/2021
- Từ 01/7/2021, khách đến chơi qua đêm có cần khai báo xã, phường?
- Rủi ro khi để lộ số CMND, Căn cước công dân
- Chính sách mới có hiệu lực tháng 5
- Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào?
- 5 điều những người đang dùng Chứng minh nhân dân phải biết