Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 có hiệu lực từ ngày 3-3-2017 cho phép những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay trong thời gian từ ngày 1-7-2004 đến trước 1-1-2008 được hợp thức hóa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến nay, tại TP Đà Nẵng cơ bản hơn 96% số hộ dân đang sử dụng đất đã được cấp GCNQSDĐ...
Nhiều hộ dân đã được hợp thức hóa đất đai của mình khi Nghị định 01 đi vào cuộc sống. |
Từ khi triển khai Luật Đất đai năm 2013 cho đến nay, việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Đà Nẵng đạt được những kết quả đáng kể, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước về đất đai và tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định; đây cũng là một trong những điều kiện phát huy nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên đất đai.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung bên cạnh kết quả đạt được, công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng cấp đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định; tự ý chia tách, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp; vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, quản lý quy hoạch nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 01 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được coi là một bước cởi mở về mặt hành chính cũng như thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Theo đó, một trong những nội dung tại nghị định được nhiều người dân ủng hộ là cho phép những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay trước ngày 1-1-2008 được hợp thức hóa, cấp GCNQSDĐ thay vì mốc thời gian quy định trước ngày 1-7-2004. Theo số liệu thống kê trên địa bàn TP Đà Nẵng: Từ ngày 1-7-2014 đến 30-3-2017 tổng số giấy chứng nhận được cấp: 98.184 giấy; trong đó: hộ gia đình, cá nhân: 83.106 giấy và tổ chức: 15.078 giấy đã góp phần cho Đà Nẵng hoàn thành hơn 96% tổng số thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, Nghị định 01 còn mở rộng thêm 2 đối tượng là trường hợp mua bán bằng giấy viết tay từ ngày 1-1-2008 đến 1-7-2014 có một trong những loại giấy tờ theo Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43 của Chính phủ và trường hợp thứ 2 là những thửa đất được thừa kế chưa làm giấy tờ nhưng người cho thừa kế đã chết cũng sẽ được cấp GCNQSDĐ. Đây chính là cơ sở để tháo gỡ vướng mắc cho người dân khi đến làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, nhất là đối với người dân khu vực nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Nói về Nghị định 01, ông Nguyễn Văn A. (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phấn khởi chia sẻ: "Khu tôi ở nhiều người mua nhà tạm, giấy tờ chủ quyền chỉ là tờ giấy tay có công chứng nên rất lo lắng. Từ khi Nghị định có hiệu lực, tôi cùng nhiều dân ở đây đã hoàn thành thủ tục theo quy định và đã được cấp sổ đỏ, ai cũng vui mừng".
Nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, Nghị định 01 cũng quy định rút ngắn từ 1/3 đến1/2 thời gian thực hiện đối với nhiều thủ tục đăng ký biến động đất đai so với trước đây. Thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng còn không quá 15 ngày (quy định trước đây là không quá 30 ngày), cấp lại GCNQSDĐ không quá 10 ngày (trước đây không quá 30 ngày), cấp đổi không quá 7 ngày (trước không quá 10 ngày). Ngoài ra, những trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một phần diện tích đất tăng thêm không nằm trong giấy tờ sẽ được xem xét hợp thức hóa. Điều này hướng đến giải quyết vướng mắc cho các hộ gia đình, cá nhân khi diện tích đất thực tế và trên giấy tờ không trùng khớp.
Có thể thấy rằng, Nghị định 01 được ban hành trên cơ sở rà soát nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong quá trình thi hành Luật Đất đai. Nghị định đã tạo ra nhiều thuận lợi cho cả phía người dân và các cơ quan hành chính nhà nước. Về phía người dân, nghị định này đã giúp lược giảm trong việc thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ về nghĩa vụ chứng minh, chuẩn bị hồ sơ và cả thời gian chờ kết quả. Còn đối với phía cơ quan nhà nước, cũng có cơ sở pháp lý để xử lý được các hồ sơ đang vướng mắc, điều này tạo ra một hành lang thông thoáng, tránh những rối rắm, thuận lợi hơn trong công tác quản lý đất đai.
TRANG TRẦN
Báo CA Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- "Nóng" hội thảo phản biện dự án ven sông Hàn
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- Ngày 2-9: Khởi công dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
- Người mua lại căn hộ tại chung cư An Trung 2 có thể bị mất trắng?
- Vụ án Công ty Quảng Đà lừa bán “đất ma”: “Đệ tử ruột” của siêu lừa Nguyễn Thị Bích Thuận sa lưới
- Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt
- Thủ tướng: Nghiên cứu cấp “sổ đỏ” cho loại hình bất động sản mới
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Chuyển hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
- Đề nghị hồ thủy điện báo cáo kế hoạch tích nước định kỳ 10 ngày liên tục
- Thông tuyến sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng- Hội An trước tháng 9-2020
- Từ 13-5 đến 17-7, tạm dừng hoạt động Cảng Sông Hàn
- Xử lý việc tung tin đồn gây sốt đất ảo
- Chi phí không chính thức đang đè nặng lên doanh nghiệp
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Đề xuất giải pháp thanh toán nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất
- Quy định mới về lệ phí trước bạ nhà đất, ô-tô
- Dự thảo hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng từ 1-7-2019
- Ngân hàng cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo giao dịch mới