Mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay đã không còn phù hợp với giá cả, chi phí sinh hoạt đang ngày một đắt đỏ hơn.
Chị Trần Thu Trang, một công chức hưởng lương ngân sách nhà nước, đã và đang được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc, cho biết chị hiện được giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 9 triệu đồng và cho mỗi một người phụ thuộc như con của chị là 3,6 triệu đồng.
Theo chị, mấy năm gần đây, giá điện sinh hoạt cũng được nhà nước điều chỉnh tăng, giá xăng cũng tăng và thậm chí giá dịch vụ y tế, giá thuốc khám chữa bệnh cũng tăng; Chi phí cho con đi học cũng khá cao nên mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp khi vẫn giữ nguyên.
"Học phí đại học của con tôi khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền ở, tiền ăn và nhiều khoản chi phí khác. Nếu mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng cho một người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho một người phụ thuộc không còn phù hợp với tình hình thực tế nữa", chị Trang nêu ý kiến.
Mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã không còn phù hợp với giá cả, chi phí sinh hoạt đang ngày một đắt đỏ hơn. |
"Luật thuế thu nhập cá nhân cũng được ban hành khá lâu rồi thì cũng phải sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh như thế nào cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay", chị Trang đề nghị.
Tại Hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi (Luật Quản lý thuế số 38) do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, đại diện Tổng cục thuế cho biết: Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế đã thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng CPI theo các công bố của Tổng cục Thống kê để đảm bảo quản lý thuế theo đúng quy định của luật.
Theo số liệu thống kê của ngành Thuế, lấy thời điểm quy chiếu là tháng 7-2013, (thời điểm Luật có hiệu lực thi hành),tính đến tháng 6-2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng thêm hơn 18%, chưa đến mức phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Thế nhưng, dự kiến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2019 này khoảng dưới 4%, dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng có thể vượt trên 20% so với thời điểm thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính thông tin cụ thể: "Theo số liệu thống kê của chúng tôi theo dõi đã đạt được ngưỡng là vượt 20%. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Tài chính, Vụ chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính trình, báo cáo Chính phủ để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh này".
Một vấn đề cũng đang được người dân quan tâm đó là mức điều chỉnh tăng giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào cho phù hợp khi chỉ số giá tiêu dùng tăng.
Bà Lê Thanh, chuyên gia lĩnh vực thuế nêu ý kiến: "Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cần thay đổi trên nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế là một trong những căn cứ để xác định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Thí dụ nó bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người hoặc là dựa vào chỉ số biến động giá thì đó là những căn cứ để xác định mức giảm trừ gia cảnh".
Hiện nay, Tổng cục thuế đang phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Bên cạnh đó là rà soát, đánh giá tổng kết toàn diện chính sách thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian tới.
Với Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh với mỗi người có thu nhập đến ngưỡng phải nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/người; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng/người. Cả 2 mức thuế giảm trừ gia cảnh này đã quá lạc hậu, khi giá cả, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ hơn so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2013.
Theo nhận định của các chuyên gia thuế: việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là phù hợp với thực tế, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và không ảnh hưởng nhiều đến tình hình thu ngân sách. Cái được lớn là: nếu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có những tác động tích cực tới tâm lý, tạo động lực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.
Theo VOV.VN
Các bản tin khác
- Cân nhắc điều kiện sở hữu nhà của người nước ngoài
- Triển khai dự án Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Đà Nẵng
- Quản không có nghĩa là cấm
- Phải tính cả “giá trị triển vọng” khi định giá đất
- Đủ kiểu phí ngân hàng
- Mở rộng diện người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
- Nghị định mới quy định về giá đất
- Từ 1/6: Người bán, tặng xe phải khai báo bằng văn bản
- Vốn rẻ làm nóng thị trường nhà đất
- Rủi ro mua nhà, làm sao tránh?
- Lưu ý khi vay tín chấp
- Từ 16/6: Cho phép thế chấp "nhà trên giấy”
- Được thế chấp nhà ở trong tương lai để có vốn mua nhà
- Thị trường căn hộ đua “đổi vỏ” dự án để thoát hàng
- Nhiều dự án du lịch ven biển chậm tiến độ
- Thể hiện tình yêu nước cũng phải đúng cách
- Căn hộ “vừa túi tiền” đang làm nóng thị trường
- Kinh doanh bất động sản sẽ thoáng đến mức nào?
- Ngân hàng Nhà nước chỉ định 8 ngân hàng thí điểm "liên kết 4 nhà"
- Địa ốc ồ ạt ăn theo cú hích hạ tầng