Để tham gia giao dịch về nhà ở như mua bán, tặng cho thì phải đủ điều kiện, trong đó phải có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ). Bên cạnh đó, pháp luật về nhà ở có quy định những giao dịch về nhà ở không cần Sổ đỏ.
Giao dịch về nhà ở không bắt buộc có Sổ đỏ
Theo khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, khi tham gia vào những giao dịch sau đây nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, gồm:
- Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng).
- Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
- Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu Nhà nước; bán nhà ở xã hội quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở, cụ thể:
+ Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở;
+ Trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
- Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.
- Nhận thừa kế nhà ở.
- Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Giao dịch về nhà ở không cần Sổ đỏ (Ảnh minh họa)
Không cần Sổ đỏ nhưng phải có giấy tờ thay thế?
Tuy không bắt buộc nhà ở phải có Giấy chứng nhận mới được tham gia giao dịch nhưng để đủ điều kiện tham gia giao dịch thì phải có các giấy tờ chứng minh.
Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận như sau:
Trường hợp 1: Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Theo khoản 1 Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, khi thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai cần có giấy tờ sau:
- Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện trên, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì phải có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có giấy phép xây dựng.
Trường hợp 2: Tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương
Căn cứ khoản 2 Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương thì phải có giấy tờ chứng minh về việc xây dựng nhà ở của bên tặng cho.
Trường hợp 3: Mua bán, thuê mua nhà ở xã hội
Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở xã hội (bao gồm cả trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mua, thuê mua nhà ở xã hội) thì phải có các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại Điều 63 Luật Nhà ở năm 2014, cụ thể:
* Việc bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai
Theo khoản 2 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014, việc bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở, có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt và có giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có giấy phép xây dựng.
- Đã hoàn thành việc xây dựng xong phần móng của nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp, thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng của khu vực nhà ở được bán, cho thuê mua theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; đã giải chấp đối với trường hợp chủ đầu tư có thế chấp nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý.
- Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, trừ nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu…
* Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội có sẵn
Theo khoản 3 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014, việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội có sẵn phải tuân thủ các điều kiện sau đây:
- Khu vực nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, để bán đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; nếu chủ đầu tư có thế chấp nhà ở thì phải giải chấp trước khi bán, cho thuê mua nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý.
- Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua, trừ nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu…
- Nhà ở không thuộc trường hợp sau:
+ Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.
+ Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp 4: Thừa kế nhà ở
Theo khoản 8 Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, trường hợp thừa kế nhà ở thì phải có giấy tờ theo quy định sau:
- Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện được tặng cho thì phải có văn bản hoặc hợp đồng tặng cho được lập hợp pháp kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho (nếu có).
- Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện mua, thuê mua thì phải có hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hợp pháp kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở hoặc chứng minh việc đầu tư xây dựng nhà ở của bên bán, bên cho thuê mua.
- Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện đầu tư xây dựng mới thì phải có giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng) và giấy tờ chứng minh có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai của bên để thừa kế.
- Nếu thừa kế nhà ở theo quyết định của Tòa án nhân dân thì phải có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân.
Kết luận: Trên đây là toàn bộ giao dịch về nhà ở không cần Sổ đỏ. Tuy không bắt buộc phải có Sổ đỏ nhưng để đủ điều kiện tham gia giao dịch cần phải có những giấy tờ khác chứng minh (trong bài viết chỉ nêu một số trường hợp phổ biến, để xem toàn bộ hãy xem tại Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).
Khắc Niệm
Theo luatvietnam.vn
Các bản tin khác
- Kỳ thú bãi Đa Sơn Trà
- Thắp lên tình yêu Sơn Trà
- Đầu tư shophouse hiệu quả đến đâu?
- Premier Village Danang Resort - “Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng nhất thế giới dành cho gia đình”
- 6 tác phẩm đoạt giải cuộc thi "Tuyệt vời Đà Nẵng ơi" - mùa 2
- Hoàng Gia Phát ra mắt Siêu dự án Shophouse VIP nhất ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng
- Đà Nẵng tái thiết không gian công cộng (Kỳ 2: Thu hồi, hoán đổi đất vàng để làm công viên)
- Giữ bản sắc đô thị Đà Nẵng
- Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng năm 2018
- ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG Triển khai hiệu quả chương trình "Có nhà ở"
- Kinh doanh địa ốc xoay vốn thời tín dụng bị thắt nguồn
- Những khu vực nào ở Đà Nẵng chỉ được xây tối đa 9 tầng?
- Thiếu đất tái định cư
- Ba Na Hills Golf Club được vinh danh "Sân golf tốt nhất châu Á 2018"
- Mùa lau trắng tinh khôi ở Đà Nẵng
- Dòng vốn bất động sản đổ vào khu vực Tây Bắc Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đi bộ, chợ đêm rộng hơn 3ha
- Đất nền nam Đà Nẵng: Mất dấu trên thị trường ?
- Cần sớm bố trí vốn để khởi công dự án cảng Liên Chiểu
- Chưa cấp sổ đỏ lâu dài cho condotel ở Đà Nẵng