5 năm triển khai Luật Công chứng (2007-2012), từ chỗ chỉ có 3 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) thuộc Sở Tư pháp, đến nay thành phố Đà Nẵng đã phát triển được 12 TCHNCC với 22 công chứng viên, trong đó có 9 tổ chức do tư nhân đảm nhận. Luật Công chứng (CC) đi vào cuộc sống, người dân chính là đối tượng hưởng lợi từ chính sách xã hội hóa dịch vụ công này.
Giao dịch tại Văn phòng Công chứng Bảo Nguyệt.
Cạnh tranh làm tăng chất lượng dịch vụ
Từ ngày 1-7-2007, Luật CC có hiệu lực đã chấm dứt cảnh nhiều người dân chen chúc, chờ đợi ở 3 Phòng CC thuộc Sở Tư pháp để làm các thủ tục công chứng, chứng thực bản sao. Việc chứng thực bản sao được phân cấp cho Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã và cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã giúp giảm tải trong cung ứng dịch vụ công. Cùng lúc đó, Luật CC cho phép lập Văn phòng CC do tư nhân đảm nhận hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc hợp doanh, tạo môi trường cạnh tranh nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ CC. Sự ra đời của Luật CC đã đáp ứng xu thế kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu CC hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc do tổ chức, công dân yêu cầu ngày càng tăng cao. Tại Đà Nẵng, Văn phòng CC Bảo Nguyệt là TCHNCC đầu tiên do tư nhân đảm nhận đi vào hoạt động, mở đầu cho sự cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp dịch vụ CC. Tổ chức, công dân có nhu cầu CC thực sự đã trở thành khách hàng của các TCHNCC. Ai phục vụ tốt hơn sẽ thu hút được nhiều khách hàng và lợi nhuận cũng tỷ lệ thuận với số lượng khách hàng. Các TTHNCC đã có thái độ phục vụ khách hàng tận tình, chu đáo, tư vấn thủ tục miễn phí cả trực tiếp và qua điện thoại, lấy chữ ký tận nơi theo yêu cầu khách hàng, miễn phí photo hồ sơ, bố trí chỗ ngồi đợi tiện nghi, có điều hòa nhiệt độ, ti-vi và phục vụ nước uống. Để hạn chế rủi ro, 9 TCHNCC do tư nhân đảm nhận đều mua bảo hiểm nghề nghiệp, trong đó Văn phòng CC Bảo Nguyệt đã mua bảo hiểm nghề nghiệp của hãng Liberty Insurance Limited (Mỹ) với giá trị lên đến 10 tỷ đồng. Năm 2011, Văn phòng CC Bảo Nguyệt được bình chọn lọt vào 100 sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được tin dùng.
Trước yêu cầu phát triển và sự cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ CC, 3 Phòng CC thuộc Sở Tư pháp cũng chuyển sang mô hình tự chủ hoàn toàn về bộ máy biên chế và tài chính để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ CC, nâng cao nguồn thu. Ông Huỳnh Bá Hảo, Trưởng Phòng CC số 1 cho biết: Khi chuyển sang tự chủ thì cán bộ, nhân viên phải thay đổi để nâng chất lượng dịch vụ CC. Sự thay đổi thể hiện ngay từ thái độ tiếp xúc, phục vụ tổ chức, công dân. Làm không tốt, thu nhập của chính mình sẽ bị ảnh hưởng.
Quản lý hiệu quả để phát triển bền vững
Là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước đối với hoạt động cung ứng dịch vụ CC, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND thành phố tạo sự thuận lợi trong việc khuyến khích và cấp phép lập các Văn phòng CC. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp khẳng định: Lãnh đạo Sở rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các TCHNCC phát triển ngay từ khi triển khai Luật CC với mục tiêu tạo ra sự cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ CC để tổ chức, công dân được phục vụ tốt nhất. Để tạo điều kiện cho các TCHNCC hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đúng pháp luật, Sở đã ban hành 17 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức 10 buổi sinh hoạt nghiệp vụ. Đặc biệt, để phòng ngừa, hạn chế rủi ro cho các TCHNCC, nhất là các Văn phòng CC, Sở đã xây dựng các phần mềm dữ liệu dùng chung cho các TCHNCC. Theo đó tất cả các TCHNCC đều có thể truy cập để nhận thông tin về động sản, bất động sản trên địa bàn thành phố cũng như thông tin về đương sự và tài sản đã được cơ quan tòa án, thi hành án áp dụng biện pháp ngăn chặn. Từ đó hạn chế được rủi ro trong quá trình thực hiện CC hợp đồng, đồng thời bảo đảm an toàn pháp lý cho hợp đồng giao dịch. Được Sở Tư pháp tham mưu, cuối tháng 3-2011, UBND thành phố đã thành lập Hội CC nhằm tập hợp các TCHNCC vào một tổ chức để sinh hoạt trao đổi nghiệp vụ, lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động CC. Theo đề xuất của Sở Tư pháp, Thành ủy đã cho phép thành lập chi bộ có 8 đảng viên đang làm việc tại Văn phòng CC trực thuộc Đảng bộ Sở Tư pháp, do đồng chí Giám đốc Sở làm Bí thư. Đây là những mô hình tập hợp các TCHNCC đầu tiên của cả nước, góp phần xây dựng đội ngũ công chứng viên, hệ thống các TCHNCC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thống nhất, ổn định và phát triển bền vững.
Trong 5 năm (2007-2012) các TCHNCC đã thực hiện CC 301.169 hồ sơ hợp đồng, giao dịch, thu lệ phí CC trên 96 tỷ đồng; thù lao CC thu được hơn 2,1 tỷ đồng. Các TCHNCC đã nộp thuế vào ngân sách Nhà nước gần 39 tỷ đồng. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động CC đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách, đồng thời tiết kiệm kinh phí của Nhà nước đầu tư cho công tác CC. |
Bài và ảnh: SƠN TRUNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Vinaconex 25 hợp tác cùng Brightland triển khai dự án tại Làng Đại học Đà Nẵng
- Công bố 9 dự án đã hoàn thành thủ tục chuyển quyền sử dụng đất
- Doanh nghiệp bất động sản tung ưu đãi cuối năm
- Cú đột phá về giá ngoạn mục của Kim Long City Đà Nẵng
- Vận hội mới cho Đà Nẵng sau thành công của APEC 2017
- Bán 110 căn hộ chung cư nhà ở xã hội
- Tại sao bất động sản "lai" hấp dẫn nhà đầu tư như vậy?
- Nợ xấu bất động sản giảm mạnh
- Giới thiệu Dự án Khu đô thị Kim Long City – Khu E
- Những cuộc viếng thăm ý nghĩa
- PGTCorp hoàn thiện hạ tầng, tiến hành bàn giao đất giai đoạn 1 dự án KĐT Mỹ Gia
- Đà Nẵng: Sôi động chuyển nhượng dự án bất động sản
- Các dự án condotel mới mẻ hút nhà đầu tư, đạt thanh khoản cao
- Giá đất ở tái định cư tại các khu dân cư
- APEC 2017 - dấu ấn đối ngoại và thời cơ mới
- Giới đầu tư đổ xô “săn” đất nền Liên Chiểu
- Yếu tố nào cần cân nhắc khi đầu tư đất nền tại Đà Nẵng?
- Bà Nà Hills Golf Club được vinh danh "Sân Golf mới tốt nhất Việt Nam"
- Động lực mới để Đà Nẵng phát triển
- Đà Nẵng công bố 9 dự án đất nền đủ điều kiện bán cho người dân