Thị trường ngân hàng những ngày này đang chứng kiến một cuộc đua ngược về lãi suất, từ mức cao 12,5-13% đang dần được thay thế bằng mốc 12% thậm chí dưới 11% cho các kỳ hạn trên một năm.
Biểu lãi suất huy động bắt đầu áp dụng từ hôm 8/11 của Eximbank đã có thay đổi. Cụ thể, với tiền gửi VND dành cho khách hàng cá nhân, nhà băng giảm khá mạnh các mức lãi suất cao ở hầu hết các loại sản phẩm. Mức cao nhất 12% một năm chỉ còn xuất hiện ở kỳ hạn 12 và 13 tháng thay vì 12,5-12,8% trước đó. Tại ngân hàng Techcombank, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 12% một năm, thay cho mức 12,5% mỗi năm.
Những mốc lãi suất cao 13% một năm đang dần được thay thế bằng 12%, thậm chí dưới 11% một năm. Ảnh: A.Q. |
Ở nhóm các ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động hiện cũng áp dụng khá thấp. Tại LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn 12 và 13 tháng được ngân hàng này chào ở mức 11% một năm, các kỳ hạn đến 24 tháng là 11,5%, chỉ khách hàng gửi tiền kỳ hạn trên 3 năm và lãnh lãi cuối kỳ mới được hưởng mức ưu đãi 12% một năm. Lãi suất huy động kỳ hạn dài của VIB cao nhất hiện chỉ 11% một năm.
Nhân viên giao dịch của một ngân hàng quy mô nhỏ trên đường 3/2, quận 10, TP HCM còn cho biết, không chỉ giảm lãi suất huy động, nhà băng này hiện đang tạm dừng một số chương trình khuyến mại tặng quà và tiền mặt cho khách gửi tiền trong một thời gian. "Sau đó mới tính tiếp", cô nói.
Một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cổ phần có trụ sở tại quận Tân Bình cho biết, khi nguồn vốn dồi dào, cơ cấu đã thuận lợi hơn mà tín dụng tăng trưởng khó khăn thì việc hạ bớt lãi suất huy động cũng là hợp lý.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Toại - phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, tầm này tăng trưởng tín dụng vẫn chậm do các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nên lượng vốn khá dư thừa và các ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước cũng thông tin, dư nợ của nhà băng ông đến nay vẫn âm, nhưng điều này không quan trọng. Vì ngân hàng chủ trương thanh lọc lại tín dụng để nâng cao về chất chứ không chạy theo số lượng.
Ông Phước lý giải thêm, âm ở đây không có nghĩa là không cho vay mới mà là nhiều khách hàng trả nợ cũ, vay nợ mới, nhằm mục đích chuyển lãi suất cao sang lãi suất thấp nên tính chung ra là dư nợ không tăng. Tuy nhiên, số lượng cho vay mới hiện không nhiều nên nhu cầu huy động vốn cũng không cao.
Lý giải về cuộc đua "ngược" về lãi suất huy động này, một chuyên gia tài chính độc lập cho rằng động thái này có liên quan đến câu chuyện lợi nhuận: "Có thể lợi nhuận bị ảnh hưởng nhiều nên các ngân hàng không muốn mất nhiều chi phí huy động vốn nữa. Trong khi đó, lượng vốn dư vẫn nhiều mà cho vay ra thì không thể".
Chia sẻ quan điểm này, một thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng: "Cuối năm, khi tín dụng thì không tăng được mà sức ép đạt chỉ tiêu lợi nhuận của các cổ đông ngày một lớn nên các ngân hàng đành phải cắt giảm chi phí huy động vốn".
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh nhìn nhận, bất chấp việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng trong thời gian qua, lượng doanh nghiệp đến vay vốn vẫn vắng hoe. Vấn đề chính không nằm ở biểu lãi suất, mà tình hình thị trường, đầu ra cho sản phẩm khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng như sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước e ngại khi nghĩ đến vay vốn. "Tín dụng không đẩy ra được thì việc ôm quá nhiều vốn huy động vào lúc này cũng được nhà băng cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Trong đó, giảm lãi suất là vấn đề cần thiết", ông nói.
Thế nhưng, thành viên Hội đồng quản trị một ngân hàng nhỏ ở phía Bắc cho biết, động thái giảm ngược trên mới manh nha ở các nhà băng "mạnh tay" đua lãi suất trung tuần tháng 9. Theo ông này, tình hình tại một số ngân hàng vẫn căng thẳng và câu chuyện giảm lãi suất huy động có thể chấm dứt trong tháng cuối năm. "Năm nào cũng vậy thôi, cuối năm sẽ rất căng thẳng và mặt bằng lãi suất có thể bùng lên", ông này nói.
Lệ Chi - Thanh Lan
Các bản tin khác
- Chùm ảnh đón năm mới 2018 trên thế giới
- Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà năm 2018 là 5%/năm
- Vốn ngoại tăng tốc, tỷ USD chảy vào địa ốc
- 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2017
- 10 sự kiện thành phố Đà Nẵng năm 2017
- Bất động sản sôi động dịp cuối năm
- Thập kỷ tới sẽ là giai đoạn bùng nổ lớn nhất của thị trường bất động sản
- Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Đà Nẵng được đánh giá rất cao
- Tháo gỡ vướng mắc về thời hạn sử dụng đất sản xuất, kinh doanh
- Một số địa điểm vui chơi dịp Tết Dương lịch 2018
- Cú hích từ thị trường bất động sản cửa ngõ Đà Nẵng - Quảng Nam
- Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: Người dân phải được hưởng lợi từ quy hoạch
- Năm 2017: Hơn 388.000 tỷ đồng đổ vào bất động sản
- Cuối năm, quay cuồng cùng đất nền
- Những điều cần biết về thị trường ô tô Việt Nam từ ngày 1-1-2018
- Tính pháp lý của condotel sắp được "giải cứu"?
- Phát triển Đô thị Đà Nẵng bền vững và có tính cạnh tranh cao
- 10 Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018
- Chủ đầu tư "ăn gian" diện tích bị phạt đến 300 triệu đồng, phạt 100 triệu đồng nếu "chây ỳ" bàn giao quỹ bảo trì
- Mở bán đợt 1 căn hộ Monarchy B Đà Nẵng – Ngọc sáng sông Hàn