(Cadn.com.vn) - Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng thông tin về việc UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) – Chi nhánh Đà Nẵng triển khai Chương trình vay vốn tái định cư (TĐC) đối với các hộ dân TĐC để trả nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) cho Nhà nước, chúng tôi nhận được nhiều điện thoại, thư từ hỏi nhiều vấn đề như: người vay được lợi gì, điều kiện vay như thế nào, số tiền vay bao nhiêu, lãi suất ra sao, ...
Để bạn đọc rõ hơn các vấn đề này, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Minh - Giám đốc SeABank Đà Nẵng.
P.V: Người dân được lợi gì khi vay từ chương trình này, thưa ông?
Ông Lê Văn Minh: Nhà đất là tài sản quý, không chỉ để ở mà còn phục vụ nhiều mục đích. Đơn cử, khi có giấy tờ hợp pháp về nhà đất (gọi tắt là sổ đỏ - P.V), người dân dễ dàng thực hiện các quyền như: thừa kế, cho tặng con cái, người thân; cho thuê có công chứng; cầm cố, thế chấp; chuyển nhượng mà không bị ép giá như bán phiếu đất. Vì vậy, việc sớm trả nợ tiền SDĐ cho Nhà nước để có sổ đỏ sẽ giúp người dân phòng ngừa nhiều rủi ro do không trả được nợ khi đến hạn, rủi ro về tăng giá, rủi ro về thừa kế,... Nợ Nhà nước đến lúc cũng phải trả, nếu trả sớm người dân còn được hưởng các chính sách ưu đãi của UBND TP (giảm 10% theo từng đối tượng thuộc QĐ 4931). Nếu người dân có kế hoạch vay vốn trả góp hằng tháng hoặc chọn giải pháp gửi Tiết kiệm An cư sẽ dễ dàng trả được nợ.
P.V: SeABank Đà Nẵng có cho vay đối với trường hợp mua lại phiếu đất TĐC?
Ông Lê Văn Minh: Trường hợp nói trên rất rủi ro cho người mua phiếu đất TĐC nếu người chủ đầu tiên của phiếu đất đã mất hoặc thiếu thiện chí. Trong trường hợp này cần tìm lại người chủ đầu tiên để hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định của Nhà nước. SeABank Đà Nẵng sẽ hỗ trợ vốn vay cho cả trường hợp này.
P.V: Điều kiện để được vay như thế nào?
Ông Lê Văn Minh: Những hộ được vay vốn cần đảm bảo có thu nhập ổn định thường xuyên hoặc có phương án kinh doanh khả thi có thể tạo ra thu nhập ổn định thường xuyên để trả góp hằng tháng. Thực hiện chương trình vay vốn TĐC, chúng tôi sẽ cử cán bộ trực tiếp đến từng hộ gia đình, tư vấn các lợi ích của chương trình và gửi danh mục hồ sơ hỗ trợ vay vốn. Đặc biệt, đối với những khoản vay này, chúng tôi nhận tài sản thế chấp chính là sổ đỏ sẽ được cấp hiện đang còn nợ tiền SDĐ của Nhà nước.
Ông Lê Văn Minh: Người dân có thể chọn thời gian vay vốn từ 6 tháng đến 20 năm. SeABank Đà Nẵng hỗ trợ cố định lãi suất vay trong 3 tháng đầu chỉ có 9,9%/năm (áp dụng cho khách hàng vay vốn từ ngày 1-11 đến 31-12-2012), 3 tháng tiếp theo là 14%/năm, từ tháng thứ 7 trở đi được điều chỉnh 3 tháng/lần với biên độ ưu đãi so với mặt bằng chung trên thị trường. Cụ thể như sau: vay từ 6 - 36 tháng: lãi suất vay bằng lãi suất huy động tiền Việt Nam có kỳ hạn niêm yết lãi suất cao nhất +3,2%/năm; từ 37 - 60 tháng + 3,5%/năm; từ 61 - 120 tháng + 3,8%/năm; từ 121 - 240 tháng + 4,1%/năm. Ví dụ: nếu khách hàng vay 36 tháng, vào tháng thứ 7, lãi suất huy động tiết kiệm là 12%/năm thì lãi suất vay là 12% + 3,2% = 14,2%/năm; nếu vào tháng thứ 10 (3 tháng sau), lãi suất huy động tiết kiệm vào thời điểm đó là 10%/năm thì lãi suất cho vay là 10% + 3,2% = 13,2%/năm. Hoặc khách hàng có thể chọn 1 trong 2 cách sau: chọn con cái hoặc anh chị em ruột tham gia cùng trả nợ nếu người đó có cùng quyền lợi hoặc nghĩa vụ hoặc tự nguyện giúp đỡ; chọn tham gia chương trình “Tiết kiệm Đại lợi” hoặc “Tiết kiệm An cư” của SeABank để tích lũy 300 - 500 ngàn đồng/tháng để có tiền trả nợ cho Nhà nước khi đến hạn.
P.V: Ngoài số tiền vay trả nợ cho Nhà nước, người dân muốn vay thêm để làm ăn có được không?
Ông Lê Văn Minh: Chúng tôi đã thiết kế chương trình thành 2 gói sản phẩm hỗ trợ, gói thứ nhất là hỗ trợ vốn vay để người dân trả nợ tiền SDĐ. Còn gói thứ hai, nếu người dân có nhu cầu vay thêm vốn thực hiện các phương án SXKD khả thi và giá trị định giá tài sản đảm bảo của gói thứ nhất còn đủ để đảm bảo, SeABank Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cho người dân vay thêm vốn phục vụ SXKD. Chúng tôi hy vọng đa số các hộ gia đình có đủ điều kiện được hỗ trợ gói này.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Phú Nam
(thực hiện)
|
Theo CAĐN
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng