TAY KHÔNG BẮT GIẶC!
Thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay là một phương thức đảm bảo nợ vay nhằm giúp người vay có thể thế chấp bằng chính tài sản đã đi vay từ NH. Thế nhưng thời gian qua, cách làm này đã dẫn đến nhiều rủi ro bởi NH không tuân thủ đầy đủ những điều kiện tối thiểu khi áp dụng biện pháp đảm bảo này. Để “lách” vốn tự có tham gia vào dự án, khách hàng thường định giá thật cao đối với các tài sản hình thành từ vốn vay. Và dĩ nhiên, NH là người chịu thiệt hoàn toàn vì trên thực tế, họ đã cho vay 100% giá trị của tài sản được lấy đảm bảo cho chính món vay đó.
Một DN vay vốn kinh doanh thủy sản với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Tất nhiên, tài sản đảm bảo nợ vay là ao hồ, nhà xưởng, dây chuyền cùng các trang thiết bị liên quan được hình thành trong tương lai. Điều quan tâm ở đây, khó ai có thể xác định đúng giá trị thanh toán quyết toán dự án để đưa vào biên bản định giá cùng hợp đồng thế chấp chính thức sau khi hoàn tất công trình. Kiểu “tay trong, tay ngoài”, cán bộ NH có thể trực tiếp (hoặc thông đồng với cơ quan thẩm định giá) cố ý nâng giá trị lên hàng trăm tỷ đồng để vay được nhiều tiền theo tỷ lệ tham gia vốn tự có tối thiểu đã quy định. Và như thế, mặc dù không có đồng vốn “dắt lưng” nào, khách hàng vẫn vay NH theo quy định do giá dự toán công trình đầu tư được “thổi” lên vô tội vạ. Đến khi mất khả năng chi trả, NH chỉ còn cách bán tài sản với giá trị còn lại... khoảng vài tỷ đồng.
Những khách hàng “tay không bắt giặc” thường câu kết với cán bộ NH biến chất để “đánh quả” từng khoản tín dụng. Họ có thể vô hiệu hóa quy trình kiểm soát nếu các NH không có chế tài kiểm soát chéo các hành vi đáng ngờ trong giao dịch. Không ít các vụ việc liên quan đến TSTC đã xảy ra do NH không kiểm tra vốn tự có tham gia thực chất vào tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai. Mới đây, Tòa án tỉnh Ninh Thuận đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Cty CP đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ với 28 năm tù cho nguyên giám đốc NH PHÁT triển Ninh Thuận cùng các đồng phạm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến phạm tội là các bị cáo không kiểm tra tài sản hình thành từ vốn vay nhưng vẫn ký giải ngân liên tục trong một thời gian dài, gây thất thoát tài sản...
|
Nhiều khoản vay trở thành nợ xấu bởi tài sản thế chấp được “thổi” giá lên quá cao so với giá trị thật do những “khuất tất” trong thẩm định. (Ảnh có tính minh họa).
|
BIẾN “VỊT” THÀNH “THIÊN NGA”
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất vốn, gây thất thoát tài sản trong tín dụng là cố ý làm trái hoặc non kém trong nghiệp vụ thẩm định, đặc biệt là các bước định giá TSTC nợ vay. Thông thường, để quyết định mức cho vay, NH tự đánh giá hoặc thuê các tổ chức kiểm định độc lập nếu tài sản khó xác định giá trị. Thế nhưng quy trình này đã bị lợi dụng ngay trong biên bản xác định giá trị tài sản đảm bảo, những cán bộ liên quan cố tình nâng khống giá trị tài sản với mục đích “rút ruột” NH càng nhiều càng tốt. Màn ảo thuật biến “vịt” thành “thiên nga” là ngón nghề khá quen thuộc của một số cán bộ thẩm định tinh tướng và biến chất.
Năm 2012 là năm có nhiều cán bộ NH vướng vào vòng lao lý. Qua thực trạng này, dư luận cho rằng, chính các NH đã buông lỏng quản lý, kiểm soát đối với cán bộ thẩm định, dẫn đến vi phạm pháp luật. Nợ xấu diễn biến phức tạp, thanh tra đã phát hiện nhiều tài sản đảm bảo “ảo” dẫn đến khó đòi hoặc mất trắng. Cách đây không lâu, hàng chục nông dân ở H. Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang hoang mang vì NH thúc nợ, kê biên nhà đất do cho mượn sổ đỏ để người khác vay tiền. Điều đáng chú ý, trên hồ sơ thế chấp, những tài sản này được các cán bộ thẩm định “vẽ” thêm rất tài tình, “nâng đời” hoành tráng các TSTC, đất vườn thành đất ở, tăng diện tích xây dựng, nhà cấp 4 trở thành nhà cao tầng, có cửa hàng kinh doanh...
Một “chiêu” trắng trợn hơn là không cần nâng giá trị “ảo” mà dùng ngay tài sản “ảo” để lừa đảo NH. Trường hợp của Đặng Nam Hải (trưởng phòng cá nhân) và Nguyễn Chu Ngọc (giám đốc một số DN) là điển hình của sự câu kết phạm tội. Họ đã bắt tay nhau “thẩm định” 7 bìa đất giả để lập hồ sơ vay NH Eximbank Vinh (Nghệ An) hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Hải còn lợi dụng chức vụ của mình lập nhiều hồ sơ vay vốn ảo gây thất thoát cho NH Eximbank gần 35 tỷ đồng. Một vụ án khác khiến dư luận bàng hoàng là việc thiếu trách nhiệm của cán bộ NH khi đối tượng lừa đảo dùng sổ đỏ “phôi thật, nội dung giả” thế chấp vay vốn NH. Do quản lý lỏng lẻo, Phùng Văn Thúy (cán bộ hợp đồng của Phòng TN-MT H. Gia Lâm - Hà Nội) đã lấy trộm 27 phôi sổ đỏ thật, sau đó cùng Lê Bá Quỳ và đối tượng khác làm 21 sổ đỏ giả để làm hồ sơ vay vốn NH. Với kiểu thẩm định “mắt nhắm, mắt mở” của một cán bộ NH, các đối tượng trên đã “thụt két” hơn 70 tỷ đồng từ 5 NH...
Lợi dụng những kẽ hở trong quy định đảm bảo tiền vay, tội phạm ngày càng tinh vi, tìm cách móc nối với cán bộ NH để rút vốn vay bất hợp pháp, gây thất thoát tài sản. Những vụ việc liên quan đến cán bộ NH ngày càng nhiều khiến cho dư luận đặt vấn đề về khả năng quản trị điều hành, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các cấp NH. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đạo đức kinh doanh của cán bộ NH cần phải được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu và phòng ngừa những rủi ro từ TSTC.
Văn Khoa
Theo Báo CAĐN
|