"Chính phủ coi khó khăn của nhà đầu tư là khó khăn của chính mình, coi thành công của họ cũng là sự thành công của chính mình". Khẳng định điều này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay sẽ xem xét giảm thuế và giảm lãi suất theo lạm phát.
"Chính phủ Việt Nam coi khó khăn của các nhà đầu tư là khó khăn của chính mình", Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh tại Diễn đàn VBF 3-12-2012. (Ảnh: Phạm Huyền)
Thông tin quan trọng trên được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ sáng nay, 3-12 tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (sự kiện thường niên diễn ra trước thềm Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ tổ chức ngày 10-12 tới).
Sụt giảm niềm tin vì tăng lương, thuế cao, nợ xấu
Môi trường kinh doanh của Việt Nam năm nay nhận được nhiều phản hồi khá bi quan từ cả phía doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Ông Edmund Malesky, đại diện của USAID cho biết, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư ở Việt Nam đã sụt giảm, đặc biệt sau mùa hè 2012, khi chứng khoán suy giảm mạnh từ tháng 8-2012.
Cuộc điều tra trước đó của tổ chức này phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nếu như mọi năm, số DN lạc quan về triển vọng kinh doanh luôn chiếm trên 70%, năm 2011, dù khó khăn thì tỷ lệ này cũng là 475, nhưng đến năm nay, tỷ lệ này chỉ còn 33%.
Cụ thể hơn, trước 20/8, khảo sát cho thấy 45% DN có kế hoạch mở rộng kinh doanh nhưng sau thời điểm này, chỉ còn có 20%.
"Đó là hậu quả của cú sốc niềm tin. Các DN quan ngại về bất ổn vĩ mô và nợ xấu cao trong nền kinh tế", ông Edmund nói.
Xác nhận mạnh mẽ tình trạng này, ông Susumo Sato, đại diện tổ chức Jetro- Nhật Bản bày tỏ: " Các DN Nhật Bản lo ngại nhất vấn đề tăng lương, hạ tầng vận tải còn thiếu, khung pháp lý vẫn không ổn định".
Theo ông, lương ở Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia khác nhưng lại cao hơn so với các năm trước, đặc biệt ở các ngành nhiều lao động như dệt may.
Áp lực gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh cũng được Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc cho biết: "Nhiều DN, hiệp hội vẫn phải ánh với VCCI về việc họ khó tiêp cận được nguồn vốn với mức lãi suất mà Chính phủ chỉ đạo. Với tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước không tạo thêm khó khăn cho DN, giữ ổn định chính sách, giảm gánh nặng thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa".
Cụ thể hơn, ông Lộc nhắc lại nhiều đề nghị của cộng đồng DN trong thời gian qua nhưng đến nay, vẫn chưa được Chính phủ "duyệt". Ví dụ như việc giảm thuế thu nhập DN từ mức 25% hiện nay xuống 20%, việc ấn định mức tăng lương tối thiểu là 15%/năm, đặc biệt là việc cần tiếp tục giảm lãi suất.
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam thẳng thắn: "Chúng tôi lạc quan triển vọng kinh doanh ở Việt Nam trong trung và dài hạn, nhưng ngắn hạn, các đánh giá hiện đều giảm mạnh. Chẳng hạn như vấn đề DNNN, chúng tôi không cho là có hiệu quả như mong muốn. Tính thiếu hụt minh bạch trong nhiều quy định khiến chúng tôi khó khăn trong phát triển".
Tương tự như vậy, đại diện của Phòng thương mại Hoa Kỳ cũng băn khoăn về sự ổn định tài chính ở Việt Nam, nhất là khi nợ xấu chưa rõ ràng, chưa cải thiện. " Chúng tôi thấy kinh doanh ở Việt Nam hiện khó khăn hơn. Các nhà đầu tư Mỹ đang xem xét lại vì họ cảm thấy không được đón tiếp ở Việt Nam, phải xem xét đầu tư nơi khác", ông Christopher Twomey nói.
Sẽ giảm lãi suất, giảm thuế
Trước những nghi ngại của các DN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ: "Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm nhà đầu tư, coi họ là nhân tố phát triển của kinh tế. Chúng tôi coi khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp là khó khăn của chính mình, coi thành công của DN là sự thành công của chính mình".
Với quan điểm đó, người đại diện Chính phủ nói: "Tôi xin khẳng định tạo mọi điều kiện DN vượt khó khăn, trong đó có tiếp cận vốn, lãi suất. Tới đây, Chính phủ sẽ điều hành xem xét giảm lãi suất theo xu hướng giảm lạm phát".
Về mối lo gia tăng chi phí, Chính phủ đã có lộ trình cải cách giảm thuế đến năm 2015, tầm nhìn 2020, trước mắt thuế thu nhập DN đã có lộ trình giảm trong năm 2013. Chính phủ cũng xem xét rà soát lại các phí, phí lệ phí đảm bảo không tăng gánh nặng DN.
Tuy nhiên, vấn đề tăng lương được Phó Thủ tướng Ninh lưu ý: "Lương tối thiểu ở Việt Nam hiện thấp, chính vì thế, có DN lợi dụng làm cho tiền lương cho công nhân thấp, gây khó khăn cho người lao động.
"Chúng tôi thấy rằng, nếu theo lộ trình, lương tối thiểu đến 2015-2016 mới đảm bảo đủ sống lao động giản đơn nhất. Nếu theo lộ trình đó, năm 2013, sẽ tăng lương tối thiểu 22-25%. Nhưng vừa qua, Chính phủ nhận được nhiều đơn của các hiệp hội, ngành hàng chỉ tăng 17-18% thôi.
"Ngày hôm qua, Thủ tương đã chấp nhận đề nghị này. Với mức tăng 17-18% trong năm 2012, Chính phủ đã tính toán nghiêm túc thì thấy chỉ có 6,6% DN buộc phải điều chỉnh lương tối thiểu vì đang thấp hơn lương tối thiểu chính thức 2013, và chi phí tăng thêm sẽ không quá 1%. Do vậy, tăng lương năm tới sẽ không ảnh hưởng lớn đến DN", Phó Thủ tướng Ninh chia sẻ.
Trong dài hạn và trung hạn, Việt Nam sẽ tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động mọi loại hình đảm bảo tăng trưởng nhanh bền vững. Trước mắt, Chính phủ ưu tiên ổn định vĩ mô, tạo nền tảng phát triển nhanh trong tương lai.
VietNamNet
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng