(Cadn.com.vn) - Tỷ lệ nợ xấu đang là mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng (NH) khi thời hạn kết thúc niên độ tài chính 2012 chẳng còn bao lâu nữa. Chính vì vậy, các ông chủ nhà băng đang gấp rút tận thu nợ xấu bằng nhiều cách để khống chế chỉ tiêu này ở mức hợp lý. Cách nhanh nhất là hạ giá tài sản thế chấp, phát mãi và rao bán miễn sao người đi vay và cả NH thoát cảnh nợ nần dây dưa vào cuối năm.
Hạ giá “sốc” để bán nhanh!
Với mức lãi phạt quá hạn bằng 1,5 lần lãi trong hạn, những người vay tiền buộc phải hạ giá tài sản để bán trả nợ NH. Bởi thế, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tài sản (chủ yếu là bất động sản - BĐS) được xả “ào ạt” với mức giảm 30-50% so với giá gốc ban đầu.
Anh N.T vay một NH ở Đà Nẵng 500 triệu đồng đã chuyển sang nợ xấu với mức lãi phạt lên đến 22,5%/năm (15%/năm x 1,5 lần). Tài sản thế chấp là một lô đất ở đường Nguyễn Hữu Tiến (đường 10m5 KDC Phong Bắc, Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Anh đang rao bán mức giá 670 triệu để trả nợ vay gần 3 tháng nay nhưng vắng bóng người mua. So với mức mua vào 1 tỷ đồng trước đây, giá đã “rớt” hơn 30% và tiếp tục xu hướng giảm thấp. Đây chỉ là một trường hợp điển hình của những người kinh doanh BĐS nhỏ lẻ còn “có cửa” bán tài sản để thanh toán nợ đầy đủ. Một vài trường hợp, tài sản bán được chỉ thu được một phần nợ gốc, chưa tính đến lãi vay trong và quá hạn. Chị P.T.D thế chấp 1 lô đất đường Phạm Hùng (đường 24m) gần cầu Cẩm Lệ (Hòa Xuân) để vay 1,2 tỷ đồng. Cách đây hơn 1 năm, vào thời điểm sốt đất, giá thị trường của lô đất này khoảng 1,7 tỷ đồng nên chị mới vay được số tiền lớn như thế. Đến nay cả chị và NH rao bán 960 triệu đồng nhưng người ta chỉ trả giá tối đa đến 900 triệu đồng.
Liên quan đến trách nhiệm của người vay tiền, các cơ quan chức năng đã cảnh báo hiện tượng các DN có vốn nước ngoài (FDI) bỗng dưng “mất tích”. Dấu hiệu này đang lan rộng, gây nhiều hệ lụy như thất thu thuế, nợ xấu NH, nhiều công nhân bị mất việc làm... Cách đây không lâu, BQL các KCN Đồng Nai cũng vừa rút giấy phép 17 dự án FDI mà chủ nhân đã bỏ trốn để lại nhiều khoản nợ lớn. Trước thực trạng như vậy, các NH cho vay buộc phải đứng ra xử lý những tài sản thế chấp như nhà xưởng, máy móc, thiết bị... Quá trình này gặp nhiều vướng mắc vì tính pháp lý, phán quyết của tòa án, thi hành án và những thủ tục liên quan. Nhiều trường hợp, một NH phải mất hàng năm trời mới giải quyết xong một khoản nợ. Do vậy, để xử lý nợ xấu, không có cách nào khác, các NH phải chủ động hạ nhanh giá bán để rút ngắn thời gian xử lý nợ.
DN nước ngoài D. nhập thiết bị để thực hiện DA sản xuất hàng xuất khẩu với giá trị 3 triệu USD, NH cho vay 70% tổng dự toán với số tiền giải ngân 2,1 triệu USD (tương đương 40 tỷ đồng) được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Hoạt động được 1 năm, chủ DA “cao chạy, xa bay”, thông báo phá sản, để lại nợ vay, thuế và những tháng lương của hàng trăm công nhân. Sau khi phối hợp với các cơ quan chức năng như tòa án, đội thi hành án, giám định, trung tâm đấu giá... NH mới thanh lý được toàn bộ tài sản với giá hơn 5 tỷ đồng!
Hiện nay, các NH đang đối mặt trước thực trạng tài sản đang “ứ đọng” trong khi nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm thấp vào cuối năm. Đối với tài sản đảm bảo có giá trị bán ra thấp hơn nợ vay, khách hàng thường chây ỳ, “thả” tài sản cho NH tự xử lý, nhiều NH phải chấp nhận bán tháo để thu hồi nợ. Với những trường hợp như vậy, NH phải chịu tổn thất bằng cách xử lý từ quỹ dự phòng rủi ro đã trích trước đó. Những tài sản có giá trị lớn hơn nợ vay, thông thường người vay tự tìm đối tác, thỏa thuận giá bán để trả. Trong bối cảnh BĐS có một người mua nhưng trăm người bán, nhiều khi hạ giá rất nhiều lần mới xử lý được một khoản nợ xấu.
“Rớt” giá nhiều nhất là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất và máy móc thiết bị. Với những tài sản như vậy, NH mất rất nhiều vì khó bán, đặc biệt là những loại tài sản chuyên dụng. Anh T.H.D, cán bộ xử lý nợ xấu tại NH V. ở Đà Nẵng tâm sự, giới NH sợ nhất là các tài sản đã bị “thổi giá”, thế chấp nhiều NH hoặc cho vay đồng tài trợ. Đối với loại nợ này, ít nhất là 1 năm, các NH mới xử lý xong vì quá trình thụ lý hồ sơ, khởi kiện, tố tụng, xét xử... rất gian nan và tốn kém. Dù muốn hay không, khi giá trị tài sản không đủ để trả nợ, người vay tiền phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ gốc, lãi hoặc bổ sung tài sản thế chấp khác để đảm bảo cho nợ vay còn lại. Điều này có nghĩa, người vay tiền chịu trách nhiệm vô thời hạn với khoản vay tại NH.
Sau một thời gian vắng bóng, giới “cò đất”, dịch vụ môi giới BĐS đã manh nha hoạt động trở lại khi các NH bắt đầu rao bán tài sản thế chấp giá rẻ để “chạy chỉ tiêu” nợ xấu cuối năm. Có thể thấy, sau một thời gian “khư khư” ôm giá cao, giờ đây cả con nợ và chủ nợ đã nhìn ra cách tốt nhất để giải quyết nợ nần là hạ giá tài sản thế chấp càng nhanh càng tốt. Câu chuyện tài sản thế chấp được ào ạt bán ra như là một quy luật tất yếu của kinh tế thị trường khi cung đã vượt quá xa với nhu cầu thực tế. Và đây cũng là bài học “để đời” cho những NH cứ bám vào BĐS nhằm tăng trưởng “nóng” tín dụng.
Văn Khoa
|
Theo CAĐN
Các bản tin khác
- Những công trình ấn tượng của Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Đầu tư vào bất động sản năm 2018 lãi lớn
- Thị trường bất động sản 2019: Hướng tới nhu cầu mua để ở
- Người mua bất động sản hưởng lợi từ công nghệ 4.0
- Kinh nghiệm vay mua nhà cuối năm
- Đặt nền móng vững chắc cho đô thị Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?
- Thách thức của du lịch Đà Nẵng, nhìn từ “đỉnh ngập”
- Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế của năm 2019
- “Hiện tượng” nhà phố thương mại
- Phát huy nội lực, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững
- 6 câu hỏi nên đặt ra khi đầu tư căn hộ condotel
- Chợ bất động sản online ngày càng sôi động
- Bình yên Chùa Linh Ứng Sơn Trà
- Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu
- Bất động sản Đà Nẵng: Vùng ven sẽ tăng giá sau đợt lụt trái mùa
- Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cùng lúc đón nhận 4 giải thưởng danh giá
- Đón sóng đầu tư bất động sản cuối năm cùng chuyên gia
- Xúc tiến mở tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch ở Ngũ Hành Sơn
- Giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải công khai, minh bạch