Để vực dậy một cơ thể ốm yếu như thị trường BĐS hiện nay thì cần phải có một liều vitamin đủ mạnh từ nguồn vốn ngân hàng. Năm 2013, room cho tín dụng BĐS như thế nào là mối quan tâm của cả DN BĐS, lẫn người có nhu cầu mua nhà.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói với các nhà báo: “Sau kỳ họp Quốc hội, Bộ Xây dựng sẽ ngồi lại với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đưa ra một số giải pháp hỗ trợ tín dụng thị trường BĐS. Bộ cũng sẽ quyết liệt hơn trong việc kiến nghị và đưa ra những chính sách gỡ hàng tồn kho cho thị trường”.
Thị trường đang chờ những hành động cụ thể của Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý để tìm ra một vài tia hy vọng sáng sủa hơn trước thềm 2013. Trên mọi chính sách, tín dụng BĐS vẫn được quan tâm hàng đầu. Liên quan đến lĩnh vực này, thị trường quan tâm đến 2 khía cạnh. Thứ nhất là tín dụng cho các doanh nghiệp BĐS, tức là tiếp sức cho phía cung. Thứ hai là tín dụng cho người mua nhà, đồng nghĩa với kích cầu. Từ tháng 4/2012, Thống đốc NHNN đã cho phép “tháo van” cho vay BĐS, không hạn chế như trước đây, nhưng phải phù hợp với khả năng của từng ngân hàng, tổ chức tín dụng. Từ vài tháng nay, dư nợ cho vay BĐS của hệ thống ngân hàng cả nước không được công bố, bản thân cơ quan quản lý thị trường BĐS như Bộ Xây dựng cũng không có con số cập nhật. Tuy nhiên, tại kỳ họp của HĐND Tp.HCM tuần qua, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tp. HCM cho biết, đến thời điểm này, thống kê toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố, cho vay lĩnh vực phi sản xuất chiếm 14%; trong đó BĐS chiếm khoảng 10,6% tổng dư nợ, tức khoảng 85.000 tỷ đồng. Cho vay BĐS chiếm tỷ trọng rất lớn tại Tp.HCM, bởi vậy, nếu như nhìn vào con số trên có thể thấy dư địa cho vay BĐS vẫn còn 2% tổng dư nợ theo quy định của NHNN. Hà Nội và các thành phố khác chắc chắn vẫn còn room cho vay BĐS. Nhìn sang năm 2013, theo định hướng đã được NHNN công bố, tăng trưởng tín dụng ở mức 15 - 17%, vậy nên tăng trưởng tín dụng BĐS sẽ “ăn theo” ở con số tương tự. Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Techcombank cho biết, doanh nghiệp BĐS có lịch sử tín dụng tốt, có nguồn trả nợ vẫn được gia hạn nợ và tiếp cận khoản vay mới của ngân hàng. Trên thực tế, những khách hàng của ngân hàng này như Công ty TNHH Hải Phát, CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) vẫn được coi là có lịch sử tín dụng tốt. Hồi quý III năm nay, Sudico đã được gia hạn khoản vay vài trăm tỷ đồng tại ngân hàng này với kỳ hạn tới tận năm 2014. Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinaconex 2 cho rằng, năm 2013 với định hướng gỡ khó cho thị trường BĐS của Quốc hội và Chính phủ, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Có thể các nhà băng và cơ quan quản lý sẽ phân loại doanh nghiệp và dự án, những dự án nào sắp cho ra sản phẩm, có thể hoàn thiện nốt để bán, bàn giao thu tiền về sẽ được ngân hàng bơm vốn… Nói về chủ trương trên, ông Tô Duy Lâm cho biết, vừa qua, Thống đốc NHNN có chỉ thị giao cho NHNN Chi nhánh Tp.HCM chỉ đạo cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiên cứu triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên chuỗi liên kết, trong đó, có chuỗi liên kết liên quan vay BĐS. Đây là chuỗi cho vay liên kết giữa chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng và người mua nhà. Khi tín hiệu khả quan cho việc tiếp cận vốn vay trở lên rõ ràng hơn, câu chuyện được quan tâm hiện nay là lãi suất. Theo khảo sát của phóng viên, lãi suất những doanh nghiệp như Sudico, Vinaconex 2 phải trả ngân hàng thời điểm này vẫn rất cao, từ 15 - 17%/năm. Với định mức lợi nhuận nhiều dự án BĐS được cơ quan thuế, tài chính tạm tính khoảng 14% như phương án đầu tư họ đưa ra 1 - 2 năm trước, cộng với sự biến động rất lớn về giá cả BĐS trên thị trường lúc này, lãi suất ngân hàng là một gánh nặng. Trong khi đó, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cũng chỉ được tính định mức lợi nhuận 10%. Lãi suất đầu vào đã xuống 9%/năm, hạ lãi suất cho vay các dự án BĐS xuống 11 - 12%/năm là mong ước của các doanh nghiệp BĐS khi nói về tín dụng 2013. Nếu nhìn vào một báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia hồi quý III năm nay sẽ thấy, những ngân hàng cho vay BĐS nhiều nhất đều là những nhà băng có vốn nhà nước như BIDV, Vietinbank, Vietcombank. Chính sách tín dụng phù hợp để doanh nghiệp BĐS sống được thì ngân hàng mới sống được và vốn nhà nước không bị thất thoát. Với người mua nhà, càng về cuối năm, các nhà băng càng tung ra nhiều chương trình ưu đãi cho vay. Tuy nhiên, mức độ hấp thụ cũng rất dè dặt, mà nút cổ chai vẫn chính là lãi suất. Theo ông David Lim, Trưởng nhóm công tác đất đai, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, ở hầu hết các nước, nguồn vốn chính để mua BĐS là bằng nguồn vay ngân hàng. Dù có thể thu xếp vay vốn ngân hàng từ các ngân hàng tại Việt Nam, lãi suất hiện tại ở Việt Nam ở mức 15%/năm. Mức lãi suất cao này đã làm cản bước và làm nản lòng những ai đang muốn mua BĐS. Một cách để khyến khích người mua là các tổ chức tín dụng cần đưa ra các chương trình cho vay dành cho người mua BĐS với mức lãi suất thấp hơn hoặc đưa ra các kỳ hạn thanh toán linh hoạt hơn. NHNN cũng nên trợ cấp cho các khoản vay tín dụng mua nhà để có thể đưa ra các mức lãi suất cho vay ưu đãi hơn. Chẳng hạn, một phương án đó là cung cấp các khoản vay tín dụng cho nững người có thu nhập vừa và thấp để họ mua dạng nhà ở vừa túi tiền. Để có thể thực hiện phương án trên, cần phải đưa ra và thực hiện được các quy định hướng dẫn rõ ràng về điều kiện để được cho vay. Điều này sẽ giúp nhiều người với mức tài chính giới hạn có thể sở hữu được nhà ở. Để giải quyết tình trạng tồn đọng BĐS hiện nay, quan trọng là phải có chính sách rõ ràng và hành động để áp dụng các biện pháp nhằm kính thích các giao dịch BĐS. Cần phải nhanh chóng và linh hoạt trong việc đưa ra các biện pháp có lợi cho mảng BĐS nhằm giải quyết nhanh mọi khiếm khuyết cụ thể hiện có. Giải quyết khủng hoảng nhà đất hiện đã là muộn, nhưng thà muộn còn hơn không.
|
|
(Theo ĐTCK)
|
Các bản tin khác
- Khu nghỉ dưỡng tốt nhất tại Việt Nam dành cho gia đình
- Phú Quốc khai trương cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới
- Giao dịch bất động sản đầu năm tiếp tục khởi sắc
- Hình thành khu phố du lịch An Thượng
- Thị trường giao dịch bất động sản tăng trưởng khá trong tháng đầu năm
- Ba lưu ý khi chọn đầu tư condotel 2018
- Sẽ có thêm 01 bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại Đà Nẵng
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2
- Coi chừng sập “bẫy” đất nền
- Nhiều hoạt động văn hóa, giải trí trước, trong Tết
- Bất động sản tiếp tục là kênh hút đầu tư
- Cảnh giác trong giao dịch bất động sản
- Giá bất động sản năm 2018 khó tăng đột biến
- Công ty Mikazuki đề nghị mở rộng quy mô dự án Khu du lịch Xuân Thiều
- Hơn 46 tỷ đồng khai thác du lịch biển dọc tuyến Nguyễn Tất Thành
- TMS Đà Nẵng khai trương căn hộ mẫu, VRM chính thức độc quyền phân phối Dự án
- Thaco khánh thành trung tâm ô tô tải, bus kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước tại Đà Nẵng
- Top 10 doanh nhân ảnh hưởng lớn trên thị trường bất động sản 2017
- Bất động sản Đà Nẵng sôi động, nhưng rủi ro luôn rình rập nhà đầu tư
- Thẩm định chủ trương đầu tư bến cảng Liên Chiểu