(Cadn.com.vn) - Với số tiền bơm ra dự kiến 100.000-150.000 tỷ đồng (tương đương 7,5 tỷ USD) cùng với việc hạ lãi suất (LS) trong thời gian tới, NHNN đã thể hiện sự quyết tâm trong kế hoạch xử lý nợ xấu và giải cứu bất động sản (BĐS). Liệu rằng, vào thời điểm quý II và III năm 2013, thị trường BĐS có được “đánh thức”?
Lãi suất giảm trước thềm năm mới
Mặc dù chưa có thông báo chính thức nhưng các số liệu vĩ mô cho biết, LS sẽ giảm vào thời gian tới. Chỉ số CPI tháng 12 ở mức dưới 0,5% và lạm phát cả năm khoảng 7% là cơ sở để các cơ quan điều hành có thể giảm LS trong vài ngày tới. Các chuyên gia dự đoán, mức giảm trong đợt này có thể từ 1-2% vào thời điểm trước Tết Dương lịch 2013.
Trong một báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) tiếp tục khuyến nghị giảm LS cơ bản và trần ngắn hạn thêm 1%. Theo NFSC, có 3 cơ sở chính để giảm ngay LS. Thứ nhất, lợi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm vào cuối năm. Thứ hai, lạm phát đang được kiểm soát chặt, giảm dưới mức 8%. Thứ ba là tỷ giá ổn định, tình trạng USD hóa giảm đáng kể và việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của người dân.
Mặt bằng LS cho vay của các nhà băng trong thời gian gần đây đã hình thành quanh mức 12%, kể cả cho vay tiêu dùng để mua nhà. Do vậy, LS huy động và LS cơ bản được kiến nghị giảm khoảng một điểm phần trăm so với LS quy định hiện nay. Trước đó, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch NFSC nhấn mạnh, xu hướng giảm LS là chắc chắn, NHNN sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để quyết định thời điểm giảm. Đồng quan điểm, ông Phạm Viết Muôn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, LS đã có nhiều cơ sở để hạ trong bối cảnh CPI đi xuống.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS ở TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, NHNN sẽ giảm LS trong vài ngày đến. Trước thông tin nêu trên, thị trường chứng khoán ngày 19-12, hàng loạt cổ phiếu BĐS đã đồng loạt tăng trần, khiến chỉ số VN-Index và HNX-Index của 2 sàn TPHCM và Hà Nội “bật dậy” với hàng triệu đơn vị giao dịch.
Dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng Đà Nẵng vẫn rất thành công trong
đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. |
Nợ xấu có liên quan đến bất động sản
Dẫn báo cáo từ NHNN, Bộ Xây dựng đã đưa ra số liệu đáng quan ngại mới nhất về thị trường địa ốc với tổng dư nợ BĐS đến ngày 31-10 khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng +3,6% so với thời điểm cuối năm 2011. Trước đó, tại phiên đăng đàn trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đã cho biết đến cuối tháng 8, dư nợ của đối tượng này khoảng 203.000 tỷ đồng với số nợ xấu chiếm 6,6%. Như vậy, sau 2 tháng, dư nợ BĐS tăng trên 4.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng BĐS khoảng 1,24 triệu tỷ đồng (tương đương 60 tỷ USD), chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng hay 64,3% dư nợ tín dụng có bảo đảm bằng tài sản. Với “tảng băng” lớn đến như vậy, thị trường BĐS trong năm qua đã thật sự gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng mạnh đến nhiều ngành, an toàn của hệ thống NH và đời sống của người dân. Chính vì vậy “nút thắt” nợ xấu NH có nguồn gốc từ BĐS được xem là nguyên nhân căn bản cần phải được tháo gỡ trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương và đồng thuận của các ngành liên quan.
Về phân loại dư nợ BĐS, NHNN cho biết, vay xây dựng KCN, khu chế xuất 14.957 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm cuối năm 2011. Vay xây dựng khu đô thị 36.926 tỷ đồng, tăng 40,3%, vay xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê 29.273 tỷ đồng, giảm 10,9%, vay sửa chữa, mua nhà để ở, để ở kết hợp cho thuê 49.587 tỷ đồng, tăng 6,0%... Nợ xấu khoảng 13,5% tổng dư nợ BĐS. Hiện cả nước có 2.399 dự án (theo thống kê của 44 tỉnh), xấp xỉ 71.000ha đất đang được dành cho BĐS.
Những giải pháp kích hoạt
Biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với nợ xấu và thị trường BĐS đã được đưa ra sau các buổi làm việc (18 và 19-12) giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo TP Hà Nội và TPHCM. Thống đốc NHNN cam kết, trong quý II và III năm 2013, hệ thống NH sẽ đưa ra 100.000-150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, đặc biệt là những khoản liên quan đến BĐS. Để hỗ trợ thị trường tiêu thụ, cơ quan này cung ứng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với LS 8%/năm, thời hạn 5-10 năm.
Một trong những kiến nghị được các nhà đầu tư quan tâm là NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM tiếp tục mở rộng tín dụng BĐS, ưu tiên cho sản phẩm dở dang, có khả năng thanh khoản, từng bước hạ LS về mức bình thường xuống mức 10%/năm. Đối với các DN vay để đầu tư nhà ở xã hội, NHTM thực hiện khoanh nợ đối với các khoản nợ BĐS cũ, tiếp tục cho vay mới có kiểm soát chặt chẽ. Hình thành một cơ chế đặc thù về tín dụng cho người mua nhà xã hội, nhà thương mại có diện tích nhỏ, giá bình dân cho các đối tượng thu nhập thấp, CBCC, lực lượng vũ trang có nguồn trả góp từ tiền lương, tiền công,... Để giải quyết vấn đề này, các NHTM phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng để cho các đối tượng này với LS cho vay 2/3 LS huy động tiết kiệm (khoảng 5,6%/năm), Chính phủ sẽ hỗ trợ phần chênh lệch LS bằng hình thức tái cấp vốn...
Chính sách tài khóa và thuế cũng được Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ trình với Quốc hội cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình BĐS. Về phía các doanh nghiệp, các đề nghị được ra như điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu, giảm giá bán, áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua...
Dường như thị trường BĐS đã “chạm đáy” và bắt đầu vượt qua chu kỳ khủng hoảng đã kéo dài trong vòng 2 năm. Những thông tin khởi sắc được công bố khiến nhiều người kỳ vọng, thời kỳ khó khăn nhất đã qua và BĐS sẽ ấm trở lại trong vòng từ 3 đến 6 tháng tới. Công chúng và nhà đầu tư đang tự hỏi, phải chăng đã tới lúc họ phải mua vào để đón đầu “làn sóng” mới của thị trường trong tương lai gần?
Văn Khoa
Theo CAND
Các bản tin khác
- FDI vào BĐS tăng: Thực hay ảo?
- Tín hiệu tích cực từ gói 30.000 tỷ đồng
- Nội bán, ngoại mua trên thị trường bất động sản
- Bất động sản vẫn hút FDI
- Bất động sản Đà Nẵng: “Bung hàng” phân khúc giá rẻ
- Bất động sản "ấm" dần với phân khúc giá "bình dân"
- Kinh tế khởi sắc là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS
- Giá đất tái định cư tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố
- Hoàn thành cấp điện cho khu E2 mở rộng giai đoạn 1 và 2 trước ngày 15/9/2013
- Đà Nẵng: Thí điểm 6 khu phố chuyên doanh
- Chính sách thu nợ tiền sử dụng đất
- Bố trí 204 lô đất cho gia đình chính sách xây dựng nhà ở
- Khai trương Hạ tầng CNTT-TT thành phố Đà Nẵng
- Những điểm cần lưu ý khi mua bất động sản hiện nay
- Gói 30.000 tỷ: Tiền sẵn sàng, chỉ phụ thuộc hàng
- BĐS tốt hơn nhờ chính sách
- Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng: Hoàn thành đúng tiến độ và đáp ứng mục tiêu
- Xu hướng hợp tác "bó đũa" trong BĐS
- Xe ô tô chưa sang tên, đừng dại mang đi lưu hành
- Nhà giá rẻ - biết tìm đâu?