TT - Sau hai cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Hà Nội và TP.HCM, đã có một số giải pháp nhằm “phá băng” thị trường bất động sản (BĐS) được đưa ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng:
Thị trường cần nhiều dự án căn hộ giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng hơn. Trong ảnh: một dự án căn hộ giá mềm đang xây dựng tại quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: H.Đ. |
- Hiện tại tôi mới thấy ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tức là người bán, chứ chưa thấy có ý kiến của người mua nhà. Thị trường phải có người bán và người mua, nếu bán cái không đúng nhu cầu của người mua thì không ổn. Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS kêu lỗ, khó giảm giá bán thêm nữa thì e rằng mục tiêu xây nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà xã hội sẽ có nguy cơ thất bại.
Tôi cho rằng cả nhóm giải pháp tài chính và tiền tệ là cần làm nhưng chưa đủ vì không xử lý được bản chất của thị trường BĐS hiện nay - Ông Vũ Đình Ánh |
* Theo ông, để giải quyết bài toán tồn kho BĐS thì phải có giải pháp gì?
- Chúng ta phải xem thị trường BĐS đang có vấn đề gì chứ không chỉ nhìn vào đống hàng tồn kho. Nói đúng thì BĐS không phải tồn kho mà là không bán được vì giá cao tới vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng/m2. Vì thế điểm cần gỡ là phải giảm giá. Đồng thời, thay đổi cơ cấu nguồn hàng như mục tiêu chúng ta đang đặt ra là phải đáp ứng, phải tập trung vào phân khúc nhà cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội.
* Giải pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra là hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà vay, theo ông có ưu khuyết điểm gì?
- Thông điệp từ bên cơ quan quản lý là không hạn chế vốn cho vay mua nhà, thậm chí còn hỗ trợ nữa. Giải pháp hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà giống như năm 2009 đã hỗ trợ lãi suất 4% cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mức hỗ trợ người mua nhà là bù một nửa lãi suất thương mại, thậm chí 2/3 lãi suất thương mại. Sử dụng biện pháp này cũng tốt nhưng cơ quan quản lý cần có biện pháp ngăn chặn những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.
Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là với giải pháp này thì giá nhà chắc chắn không giảm. Bởi chính sách này cho thấy một điều là với giá bao nhiêu thì người dân sẽ vẫn được hỗ trợ lãi suất để mua nhà. Như vậy, không xử lý được vấn đề then chốt mà thị trường BĐS đang tắc là phải giảm giá. Thêm nữa, dù giải pháp này có ưu điểm là chỉ hỗ trợ người dân có thu nhập trung bình vay tiền để mua nhà nhưng cũng có thể sẽ xảy ra tình trạng người mua nhà không vay vốn kể cả lãi suất thấp khi giá vẫn còn quá cao. Cũng không loại trừ giả thiết người ta có thể lợi dụng việc vay để phục vụ mục đích khác mà không mua nhà. Bài học năm 2009 về hỗ trợ lãi suất cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn đó khi có vài ngàn tỉ đồng hỗ trợ lãi suất sai đối tượng.
* Còn về một loạt đề xuất của Bộ Tài chính như giảm tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng cho dự án xây nhà có diện tích dưới 70m2 và giá nhà 15 triệu đồng/m2?
- Đây cũng là thể hiện sự quyết tâm của cơ quan quản lý để kéo giá nhà xuống nhưng mức giảm sẽ không đáng kể so với hiện nay. Và nó cũng không có tác động gì nhiều đến việc thay đổi cơ cấu thị trường BĐS. Tôi cho rằng cả nhóm giải pháp tài chính và tiền tệ là cần làm nhưng chưa đủ vì không xử lý được bản chất của thị trường BĐS hiện nay như tôi nêu ở trên. Bên cạnh đó, dường như chỉ thể hiện chủ quan của người làm chính sách mà chưa lường được thị trường sẽ có phản ứng như thế nào.
* Ý ông nói có phải là cần xem lại chính sách về xây nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội hiện nay?
- Thực tế, tôi biết có cán bộ của một số bộ ngành đã bán lại suất mua và hưởng chênh lệch vài chục triệu đồng mỗi căn hộ nhà thu nhập thấp. Chính sách hiện hành nghe thì rất hay nhưng bản thân người thu nhập thấp không thể tiếp cận được. Nói thật, nếu bán rẻ nữa thì chưa chắc người thu nhập thấp dám đến ở đó vì họ phải trả đủ thứ tiền dịch vụ cho quá trình vận hành chung cư đó. Dường như bản chất của nhà thu nhập thấp đó không phải phục vụ cho người thu nhập thấp.
Đã gọi là người thu nhập thấp thì giá nhà phải vừa sức, vừa với năng lực tài chính của người thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Theo tôi, giá mỗi căn hộ chỉ 300 triệu đồng là vừa chứ với 1 tỉ đồng thì người có thu nhập thấp có đi làm cả đời cũng chả dám mua. Do vậy, với 300 triệu đồng/căn hộ thì diện tích căn hộ chỉ 30-40m2 và nội thất đi kèm có thể vừa phải, không dùng đồ sang, đồ xịn.
* Nếu giá nhà đặt ra tối đa là 300 triệu đồng thì liệu có khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khi không có lợi nhuận?
- Tôi cho rằng cơ quan quản lý phải tính lại giá xây dựng. Chi phí 1m2 nhà thu nhập thấp là bao nhiêu. Điều quan trọng, Nhà nước phải xác định người thu nhập thấp như là đối tượng chính sách. Nên chính sách xây nhà cho họ phải được nhận những ưu đãi tốt nhất. Cụ thể, đối với các dự án xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thì Nhà nước cần thiết miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, các ưu đãi liên quan như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, vốn vay... cũng phải được hỗ trợ tối đa. Đặc biệt, Nhà nước phải có các tiêu chí kỹ thuật hết sức chặt chẽ để làm sao đảm bảo chất lượng căn hộ của dự án. Đơn cử, về diện tích tối thiểu là 25m2 hoặc 30m2/căn hộ... chứ với giá trần là 300 triệu đồng/căn hộ mà để doanh nghiệp tự xây thì sẽ không ổn, vì doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận.
LÊ THANH thực hiện
Theo TTO
Các bản tin khác
- Thị trường nhà ở phát triển lệch pha
- Về một thành phố ven sông Cổ Cò
- Nhà đầu tư condotel đối mặt với nhiều rủi ro
- Bán thí điểm 330 căn hộ nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Phong Bắc
- Áp dụng mức lãi suất 4,8% khi vay mua nhà ở xã hội
- Golden Hills hấp dẫn từ quy hoạch
- Thận trọng với sốt đất
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản Đà Nẵng
- Ngôi nhà tuyệt đẹp ở Đà Nẵng được báo nước ngoài ca ngợi
- Nhiều bất ngờ, thú vị về "Huyền thoại những cây cầu"
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4
- BIDV tung 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi
- Đô thị biển - hướng mở cho không gian du lịch Đà Nẵng
- “Bỏng tay” với đất biển Đà Nẵng
- Giao dịch bất động sản vẫn sôi động trước chính sách thắt chặt vốn vay
- Khánh thành tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài
- Quảng Nam-Đà Nẵng: Phối hợp quy hoạch, khai thác sông Cổ Cò, xúc tiến dự án Làng Đại học Đà Nẵng
- Cải thiện giao thông, phát triển đô thị
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Câu chuyện về sự phát triển bền vững
- Dấu ấn đô thị