TT - Người dân có mạnh tay mua nhà sau những giải pháp giảm giá, ưu đãi thuế và hỗ trợ lãi suất?
Doanh nghiệp kêu lãi suất quá cao khiến người dân không dám mua nhà làm chủ đầu tư bị kẹt vốn - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
|
Tuổi Trẻ xin ghi lại ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS), chủ đầu tư, đặc biệt người mua nhà họ mong muốn kỳ vọng những gì.
* Ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai):
Lãi suất ngân hàng vẫn cao
Điều mong muốn nhất của doanh nghiệp BĐS hiện nay là thị trường có thanh khoản. Nếu bán được hàng, doanh nghiệp sẽ thu hồi được vốn, trả nợ ngân hàng cũng như tái đầu tư. Giải pháp hỗ trợ lãi vay trực tiếp cho người mua nhà như Chính phủ dự kiến áp dụng là một giải pháp góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường.
Tuy nhiên, muốn “phá băng” BĐS nói riêng, giải tỏa hàng hóa của tất cả các ngành khác trong nền kinh tế nói chung, mặt bằng lãi suất phải hạ xuống nữa. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần hạ lãi suất đầu vào, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng đâu có giảm. Chúng ta đã có trần lãi suất đầu vào rồi, cần thiết cũng nên có trần lãi suất đầu ra. Phải buộc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay chứ, sao chỉ có người gửi tiền mới phải chịu mức lãi suất tiền gửi thấp, còn nền kinh tế gánh lãi suất cao.
* Ông Trần Quang Mỹ (chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng số 5):
Bốc đúng thuốc
Nếu bảo rằng giải pháp hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho người có thu nhập thấp mua nhà sẽ góp phần “phá băng” BĐS thì rất khó bởi các dự án căn hộ giá thấp hoặc trung bình đến nay hầu hết đã tiêu thụ, có chăng chỉ còn ở ngoại thành. Mà chắc gì những người thu nhập thấp lại chấp nhận ra ngoại thành mua nhà. Trong khi đó, hàng tồn kho BĐS chủ yếu nằm trong khu vực nội thành với giá xoay quanh mức 20 triệu đồng/m2, không thuộc diện người mua được hỗ trợ lãi suất.
Giải pháp giảm tiền sử dụng đất hay thuế phí cũng không tác động nhiều đến các dự án thuộc nhóm này, do hầu hết các chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ về tiền sử dụng đất. Do đó, theo tôi, để tạo thanh khoản cho thị trường BĐS, “phá băng” thị trường này thì phải bốc đúng thuốc, đó là mặt bằng lãi suất cho người mua nhà nói chung phải giảm nữa và ổn định.
* Ông Nguyễn Xuân Quang (chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Nam Long):
Nhiều ngành cũng hưởng lợi
Trước mắt, nếu áp dụng lãi suất ưu đãi cho người mua nhà để ở thật sự, không những thanh khoản của BĐS được cải thiện mà thị trường này cũng có sự chuyển hướng đầu tư. Doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư vào những dự án đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, thay vì chạy theo các dự án “hạng sang”. Nếu thị trường có cầu, doanh nghiệp đầu tư, người lao động sẽ được giải quyết việc làm, đầu ra cho các sản phẩm vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... cũng tốt lên.
Ngoài lãi suất ưu đãi cho người mua, miễn giảm tiền sử dụng đất, giảm thuế phí..., các thủ tục đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng, duyệt dự án đầu tư, cấp phép xây dựng... cũng cần phải được rút ngắn, có như vậy chi phí vốn của dự án mới giảm ở mức thấp nhất, kéo giá nhà xuống.
* Ông Nguyễn Hồng Thái (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Hải Phát):
Nên có chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội
Tôi cho rằng việc chuyển một số dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là rất cần thiết, nhưng Nhà nước cần có tiêu chí cụ thể về nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư vào phân khúc xây nhà ở cho đối tượng này. Chẳng hạn, Nhà nước sẽ là chủ đầu tư, đặt hàng cho doanh nghiệp thực hiện. Với những dự án này, Nhà nước sẽ phải lo mặt bằng, cùng với một loạt tiêu chí về diện tích, về cảnh quan, thiết kế... cần phải được xây dựng cụ thể. Chẳng hạn với đơn giá 400-500 triệu đồng/căn hộ thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ tham gia.
* Ông Phạm Thanh Hưng (phó tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Thế Kỷ)
Giảm, miễn tiền sử dụng đất giá nhà sẽ hạ ngay
Nếu giảm hoặc không thu tiền sử dụng đất thì chắc chắn giá nhà sẽ giảm đáng kể. Vì thông thường tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10-30% giá thành sản phẩm. Đấy là đối với các nhà cao tầng, hiệu quả sử dụng đất cao, còn với những nhà thấp tầng thì tiền sử dụng đất cao hơn nhiều, chiếm 70% giá thành sản phẩm.
Về mặt nguyên tắc, các chính sách giảm thuế, giảm lãi suất cho vay phần nào sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường. Nhưng để thị trường bất động sản hồi phục và phát triển thì các nhà làm chính sách đưa ra chính sách vĩ mô chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính. Ví dụ khuyến khích thị trường có tập trung cung cấp nhà ở cho người thu nhập trung bình, nhà ở xã hội thì nên giảm thuế, thậm chí miễn thuế, miễn tiền sử dụng đất, cho vay vốn ưu đãi... Nếu can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính thì sẽ làm hỏng thị trường.
* Anh Đỗ Quang Kiên (Công ty CP cơ khí xây dựng Thăng Long, Hà Nội)
Nhà chỉ 500 triệu đồng thì sẽ mua
Nếu giá nhà vẫn 700 triệu đến 1 tỉ đồng/căn hộ thì chắc chắn có lãi suất 7-8%/ năm chúng tôi cũng chả dám mơ là mua được. Với thu nhập của hai vợ chồng là 15 triệu đồng/tháng, ngoài chi tiêu nhu cầu thiết yếu khác, chúng tôi dành dụm cả năm năm trời mới được 300 triệu đồng. Nay để mua được nhà mà chúng tôi phải vay 500-700 triệu đồng dù lãi suất có ưu đãi nữa thì cũng thấy quá sức của mình.
Giá như giá chỉ dưới 500 triệu đồng/căn hộ thì chắc chắn tôi sẽ mua. Vì với hai vợ chồng và một đứa con thì căn hộ chỉ cần rộng 40m2 là ở được.
* Chị Lê Thị Thanh (giảng viên một trường đại học tại Q.1, TP.HCM):
Sợ nhất lãi suất chỉ rẻ lúc đầu
Với thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/tháng cộng với tiền đi làm thêm ở ngoài, tôi vẫn không tài nào đủ tiền để mua một căn hộ có giá tầm 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Tôi đã tìm các dự án ở vùng ven như Q.8, Tân Bình, Gò Vấp... nhưng giá nhà vẫn cao ngất ngưởng so với túi tiền. Trước đây tôi cũng định vay khoảng 500-600 triệu để mua nhà, nhưng sau đó dừng lại vì lãi suất quá cao. Nếu lãi suất ưu đãi còn 5-7%/năm như dự kiến, có lẽ tôi cũng sẽ tìm mua một căn hộ, tiền thuê nhà sẽ được dùng cho việc trả lãi. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc liệu khi chính sách đưa ra giá nhà có bị đẩy lên? Lãi suất có ổn định hay chỉ “mồi chài” ban đầu?
|
H.ĐĂNG - L.THANH - Đ.DÂN ghi
Theo TTO
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay