Những giải pháp giải cứu thị trường bất động sản đã nhắm trúng đích, nhưng cần công khai, quyết liệt và loại bỏ những rào cản trong quá trình thực hiện.
|
Phao cứu sinh cho bất động sản
Nghị quyết số 02 ngày 7/1/2013 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường được ví như một chiếc phao cứu sinh cho bất động sản khi xử lý hàng loạt vấn đề liên quan như nợ xấu, tồn kho, bơm tiền cho thị trường, giãm giãn thuế… Trong đó, nhóm giải pháp hướng tới đối tượng là nhà ở xã hội được đề cập nhiều nhất. Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, quyết tâm của Chính phủ, thông qua các quyết định, nghị quyết về thị trường bất động sản góp phần kéo giá nhà xuống, phù hợp với thu nhập của người dân hơn. Việc Chính phủ chỉ đạo phát triển mạnh phân khúc nhà xã hội, nhà thu nhập thấp… cũng nhằm tháo gỡ, giải quyết khó khăn về chỗ ở, dự kiến cho hàng triệu người trong 3 - 5 năm tới. Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cũng cho rằng, nguồn cung của thị trường bất động sản đang ở mức cao, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân cũng đang rất lớn, nếu có chính sách hỗ trợ tín dụng tốt, giảm giãn thuế thì các chủ đầu tư dự án đảm bảo tiến độ và tiến tới giá bán hợp lý sẽ tạo được thanh khoản của dự án. Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc nhận xét, cùng với chủ trương hạ lãi suất, giãn giảm thuế cho các doanh nghiệp, việc cho phép chia nhỏ căn hộ sẽ giảm bớt khó khăn cho chủ đầu tư, kích thích thị trường thanh khoản trở lại. Quan trọng là khâu thực thi Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, đã xuất hiện những ý kiến thể hiện sự quan ngại về các giải pháp được đưa ra chưa là liều thuốc mạnh để giải cứu được thị trường. Gói tín dụng Chính phủ cũng sẽ dành gần 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ các ngân hàng thương mại của Nhà nước phục vụ cho vay đối với các đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp là chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, một vấn đề nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp quan ngại là “không dễ tiếp cận nguồn vốn này do những quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước”. Trước đây, vào thời điểm tháng 5/2012, gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân được phê duyệt, nhưng cũng chỉ có khoảng hơn 300 tỷ đồng đến được với doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện và tiêu chuẩn vay rõ ràng của gói tín dụng này, công khai để doanh nghiệp biết. Như thế mới tạo sự minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực trong quá trình ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Cường Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, thì cho dù có gói tín dụng được đưa ra là 100.000 tỷ hay 150.000 tỷ đồng đi nữa, thì khoản vốn này bản chất là dùng để mua lại các tài sản bảo đảm, nên cũng chảy vào “túi” các ngân hàng. Do đó, gói tín dụng đó phải được định hướng làm sao đến tay của chủ kinh doanh sản xuất, chủ dự án dở dang để hồi sinh thị trường bất động sản. Theo ông Lê Chí Phúc, Giám đốc Quỹ đầu tư SGI, nhìn chung, các gói chính sách hỗ trợ hướng vào ngành bất động sản. Tuy nhiên, tâm điểm của nguồn vốn và các chính sách thu hẹp vào nhóm nhà xã hội và nhà thu nhập thấp, nhưng hàng tồn kho là nhà thu nhập thấp lại không nhiều. Như vậy, số tiền hỗ trợ này lại dành nhiều cho một nguồn cung mới. Hiệu ứng lan tỏa của chính sách tới các phân khúc sản phẩm khác và tới các doanh nghiệp bất động sản khác là một dấu hỏi cần sớm được giải đáp. Nếu hiệu ứng tích cực không mạnh, thì ngành ngân hàng cũng không sớm giải quyết được nợ xấu liên quan tới bất động sản như kỳ vọng. Đối với vấn đề hạ lãi suất, ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải cho rằng, cho dù có giảm lãi suất xuống sâu hơn nữa cũng chưa giải quyết được vấn đề của thị trường. Trên thực tế, hiện nhiều chủ đầu tư đang bắt tay với ngân hàng cho vay không lãi mua nhà, hoặc lãi suất thấp chỉ 5-6% cho đến khi trả hết tiền, nhưng nhiều dự án vẫn không cải thiện thanh khoản, do vấn đề quan trọng nhất là tâm lý hoang mang, chờ đợi giá xuống tiếp của người dân chưa được giải quyết. Những băn khoăn, quan ngại của doanh nghiệp và các chuyên gia chỉ ở vấn đề thực hiện như thế nào và các rào cản trong quá trình thực hiện các giải pháp. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải có những động thái tích cực, chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào Chính phủ. Ông Trịnh Đình Dũng cũng đã không ít lần nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp phải tự thay đổi để cứu mình trước bằng cách giảm giá bán căn hộ, cơ cấu lại sản phẩm, nhân lực, tài chính… |
(Theo Đầu tư)
|
Các bản tin khác
- Sắp vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản
- Thị trường bất động sản: Đo sức cầu quý cuối năm
- Đầu tư bất động sản, chọn đất nền hay nhà xây sẵn?
- Hồi sinh dự án DITP để đón đầu cơ hội thu hút đầu tư từ sự kiện APEC
- Lợi thế tại các dự án nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng của VinaCapital
- Nghỉ lễ 2-9, Đà Nẵng có gì?
- Nhiều hoạt động hấp dẫn dịp nghỉ lễ 2-9
- Đà Nẵng: Hấp dẫn sở hữu đất nền kèm sổ đỏ ở phía tây thành phố
- Đầu tư bất động sản, chọn đất nền hay nhà xây sẵn?
- Đau đầu chuyện định giá đất
- Khu vực tây bắc thành phố: Bất động sản sôi động
- Thách thức cho bất động sản du lịch
- Tưng bừng Giải thể thao chào mừng 72 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam
- Những điểm check in đẹp như mơ dịp 2/9
- Sắp khai trương khu spa massage đẳng cấp lớn nhất tại Đà Nẵng và miền Trung
- Đà Nẵng: Khai trương khách sạn 4 sao theo mô hình condotel ngay trong lòng Thành phố
- Thị trường bất động sản: Hết ngại tháng Ngâu
- Khách hàng “ruột” của Sun Group trải nghiệm kỳ nghỉ đặc quyền
- Hơn 750 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Bất động sản ngầm, ‘cuộc chiến’ mới của siêu đô thị