(ĐNĐT) - Ngày 29-1, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng do Sở GTVT thành phố là chủ đầu tư, Công ty Sinclair Knight Merz Pty Ltd (Úc) là tư vấn chính lập dự án.
Dự án này được triển khai sẽ giúp phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng thông qua việc cải thiện môi trường đô thị theo hướng sạch, an toàn, có chiều sâu và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Ảnh: Văn Nở
Dự án được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2018 với tổng mức đầu tư là 272.135.268 USD (tương đương hơn 5.714 tỷ đồng), trong đó hơn 202,4 triệu USD (74%) là vốn vay từ Ngân hàng thế giới và 69,7 triệu USD (26%) là vốn đối ứng từ Ngân sách thành phố.
Mục tiêu cụ thể của dự án là nâng cao tính linh hoạt và hiện đại của các phương án giao thông công cộng nội thị; tăng cường sự liên kết vùng; nâng cấp chất lượng môi trường đô thị; tăng cường năng lực trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý giao thông đô thị và dịch vụ nước thải.
Dự án có tổng diện tích sử dụng đất là 873.907,8 m2. Dự kiến khoảng 2.798 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời do việc thu hồi đất để triển khai dự án, trong đó khoảng 730 hộ bị ảnh hưởng sẽ được bố trí tái định cư.
Dự án bao gồm 5 hợp phần. Cụ thể, Hợp phần 1 – “Cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải” bao gồm các hạng mục nâng cấp và mở rộng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải các tuyến đường theo quy hoạch; cải tạo các hồ Bàu Tràm và Bàu Sấu; xây dựng mới trạm xử lý nước thải Liên Chiểu với công suất 40.000m3/ngày đêm; nâng công suất trạm xử lý nước thải Hòa Xuân từ 20.000m3/ngày đêm lên 40.000m3/ngày đêm; cải tạo 04 trạm xử lý nước thải hiện trạng gồm Hòa Cường, Phú Lộc, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà; và triển khai đấu nối nước thải 40.000 hộ gia đình trong khu dân cư tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Hải Châu.
Hợp phần 2 – “Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) thí điểm” gồm 4 tuyến. Cụ thể, tuyến BRT số 1 từ Khu Công nghiệp Hòa Khánh→ khu vực trường Cao Đẳng Việt Hàn có chiều dài 23,76 km. 03 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn BRT gồm Tuyến số 1 (từ Sân bay Đà Nẵng/Công viên 29/3→Hội An, chiều dài tuyến 35,4 km), Tuyến số 2 (từ Sân bay Đà Nẵng/Công viên 29/3→Sơn Trà, chiều dài tuyến 13,1 km, và Tuyến số 3 (từ Sân bay Đà Nẵng→Bà Nà, chiều dài tuyến 26,7 km). Để vận hành hệ thống, dự án sẽ đầu tư 81 xe buýt tiêu chuẩn, chất lượng cao (tiêu chuẩn khí thải EURO 4 hoặc 5). Trong đó 36 xe cho tuyến BRT số 1 có sức chứa 80 chỗ, chiều dài 12m; bố trí loại cửa trượt ở cả hai bên thân xe để có thể đón, trả khách ở cả nhà Ga trung tâm trên dải phân cách giữa trên các đoạn đi riêng, và nhà Ga trên vỉa hè ở những đoạn đi chung. 45 xe cho các tuyến còn lại sức chứa 60 chỗ chiều dài 9m, bố trí cửa xe ở bên phải thân xe. Hệ thống cũng bao gồm 216 nhà ga/điểm dừng đỗ, bao gồm 22 nhà ga đặt tại dải phân cách giữa dành cho làn đi riêng của xe buýt BRT số 1, và 194 nhà ga còn lại trên các đoạn hỗn hợp đặt trên vỉa hè.
Hệ thống sẽ triển khai hình thức vé đa chế độ, bao gồm các loại vé giấy, thẻ vé lượt, thẻ vé tháng hoặc thẻ thông minh (Smart-card) để liên kết cho cả hệ thống xe buýt trong dự án và các tuyến xe buýt công cộng khác trong toàn thành phố. Để đảm bảo công bằng và phúc lợi xã hội, dự án chỉ xem xét trợ giá cho hành khách, không trợ giá cho doanh nghiệp vận hành xe buýt. Đối tượng trợ giá là người có thu nhập thấp (phụ thuộc) như học sinh, sinh viên, công nhân, người nghèo… với tỷ lệ trợ giá là 40% trên mức giá vé hoàn vốn. Đối tượng được miễn vé là người có công, người khuyết tật, người già…
Hợp phần 3 – “Các tuyến đường giao thông đô thị chiến lược” bao gồm xây dựng Tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương với tổng chiều dài 8.129,91m (điểm đầu khớp nối với đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng giao với Quốc lộ 1A – Km939+561 – xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang; điểm cuối tại Km25+483 QL14B, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và Tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài với tổng chiều dài 3.272,46m (điểm đầu tại Km2+715,04 của dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài đang xây dựng thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; điểm cuối tại Km5+987,5 giao với đường tránh Hải Vân – Túy Loan thuộc thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Hợp phần này cũng bao gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật 05 khu tái định cư là Khu TĐC Bắc đường vành đai phía Nam thành phố - Giai đoạn 3a, Khu TĐC số 1 ĐT 605 giai đoạn 2, Khu TĐC Hòa Phong – Hòa Phú giai đoạn 1, Khu TĐC xã Hòa Liên và Khu TĐC Khe Cạn.
Hợp phần 4 – “Tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án” bao gồm hỗ trợ kỹ thuật Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Trung tâm Điều khiển Đèn tín hiệu Giao thông và Vận tải Công cộng, BQL các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng tiên thành phố Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan.
Hợp phần 5 là các hoạt động được chuyển sang từ Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, bao gồm xây dựng tuyến đường nối phía Nam (nối với đường Hòa Phước-Hòa Khương) - đang thi công; xây dựng trạm XLNT Hòa Xuân (công suất 20.000m3/ngày); nâng cấp trạm XLNT Sơn Trà và xây dựng cầu và kè sông Phú Lộc - đang thi công.
Vũ Kha
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Thị trường địa ốc dậy sóng với dự án 6 tỷ USD
- Nhớ xem tuổi khi mua nhà ở chung cư
- Khu đất "vàng" thành dự án "nóng"
- Quy định giá đất tái định cư Khu dân cư An Trung
- Kiến tạo cảnh quan có tính biểu tượng và bản sắc
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình
- 20 tình huống tranh chấp phổ biến khi mua bán nhà
- Bữa tiệc giải trí đẳng cấp ra mắt Cocobay Đà Nẵng
- Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
- 8 loại giấy tờ, thủ tục người mua bất động sản cần chuẩn bị
- Thị trường bất động sản: Kỳ vọng gì ở những “tay chơi” mới
- Khánh thành Trường Đại học Mỹ tại Việt Nam
- Khởi công dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2
- 20 tình huống tranh chấp phổ biến khi mua bán nhà
- Lãi suất 4,8% mua nhà ở xã hội: Ai được vay?
- Những thương vụ M&A bất động sản "khủng" trong quý II/2016
- Chính thức gỡ rối cho gói 30.000 tỉ đồng
- Cập nhật tên thừa kế, bán nhà duy nhất vẫn phải nộp thuế
- Liên thông giảm thủ tục cho dân
- Trắng tay vì mua nhà đất bằng “giấy tay”